Đầu hè, khi tiết trời ấm áp và những cơn mưa rào thường đến bất chợt là lúc người dân huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, thu hoạch được nhiều măng sặt nhất trong năm.
Dọc quốc lộ lên thành phố Lào Cai và những tuyến đường chính của huyện Văn Bàn, nhiều người dân gùi những bao măng tươi non ra bán để du khách mua về làm quà.
Gia đình chị Bàn Thị Mấy (35 tuổi) là một trong những hộ dân tham gia trồng và khai thác măng sặt tại huyện Văn Bàn. Nhiều năm trước, cây măng sinh trưởng tự nhiên trong rừng, những người dân bản địa như chị Mấy chỉ việc vào rừng đào măng về bán. Thế nhưng khai thác mãi thì cũng hết, chẳng mấy chốc, những ngọn đồi quanh nhà không còn nhiều măng nữa. Cặm cụi cả ngày cũng chỉ được chục cân măng, mà bàn tay chị Mấy thì tấy đỏ lên vì phải đào đất, vạch bụi rậm để tìm măng.
"Đào măng là công việc vất vả, mà cũng chỉ là việc làm thêm. Vào mùa măng thì chúng tôi đi đào về bán kiếm thêm chút tiền, công việc chủ yếu của gia đình tôi là làm ruộng," chị Mấy cho biết.
Đào được măng rồi, chị gùi măng ra chợ hoặc ra quốc lộ bán. Lúc có người mua, lúc không. Măng đào xong thì phải bán được ngay, nếu không sẽ không còn tươi ngon nữa.
Việc đào măng vất vả là vậy nhưng lại chỉ có mấy người phụ nữ rủ nhau làm. Những người đàn ông cho rằng thu nhập không đáng là bao nên không tham gia. Cuộc sống chỉ trông chờ vào thiên nhiên như vậy nên cũng bấp bênh, lúc được, lúc mất theo mùa vụ.
Việc đào măng vất vả, chủ yếu phụ nữ làm
Thay đổi cách nghĩ, cách làm
Khi tham gia vào dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại địa phương (dự án GREAT), chị và những phụ nữ khác được truyền thông, tuyên truyền về cách làm kinh tế hiệu quả, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
"Các chị em được hướng dẫn kỹ thuật đào măng, trồng măng, chăm sóc cây để khi vào mùa, thu được nhiều măng nhất có thể. Nhờ được cán bộ dự án, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn, cán bộ Hội phụ nữ tuyên truyền, hướng dẫn, tôi mới biết trước đây mình chỉ biết khai thác mà không biết chăm sóc cây để măng mọc nhiều hơn. Từ khi được tập huấn kỹ thuật khai thác măng sặt, tôi làm theo và thu được nhiều măng hơn. Thu nhập của gia đình tôi nhiều hơn 50-60 triệu mỗi năm.
Các chị em được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật đào măng, trồng măng, chăm sóc cây măng
Thay vì mạnh ai người nấy khai thác nguồn măng tự nhiên trong rừng, giờ đây, họ đã biết, mỗi khi khai thác măng, không được đào hết mà phải để lại vài cây để làm giống. Năm sau những cây con lại mọc lên. Tôi còn được biết rằng, ngoài giá trị kinh tế, cây măng sặt còn góp phần bảo vệ đất, chống sói lở trong mùa mưa. Chúng tôi còn có thể trồng xen măng với cây dược liệu nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Kinh tế gia đình cũng ổn định hơn", chị Mấy cho biết.
Có được nguồn măng ổn định như vậy, cả gia đình chị và nhiều gia đình khác ở xã Nậm Xây, Nậm Xé, huyện Văn Bàn đều hào hứng trồng và khai thác măng sặt.
Để phát huy hơn nữa, thế mạnh và giá trị kinh tế từ cây măng nói riêng và chế biến lâm sản ngoài gỗ nói chung, mới đây, "Đề án phát triển mạng lưới chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025" đã xác định cây măng là một trong 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tập trung đầu tư phát triển phát triển chế biến gắn với thương hiệu, nhãn hiệu để quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Các chương trình tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp người dân chủ động thay đổi cách nghĩ, cách làm; từ đó nỗ lực, sáng tạo vươn lên thoát nghèo.
Việc triển khai nội dung giảm nghèo về thông tin đã tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, thuận lợi trong tiếp cận với những cách làm kinh tế hiệu quả và các dịch vụ xã hội cơ bản cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đó, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Thực hiện: Phương Ly