+ Thưa bà, với kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ phụ nữ Việt Nam trong quá trình khởi nghiệp, bà thấy đâu là rào cản lớn nhất đang cản trở họ dấn thân vào còn đường này?
Trong quá trình làm chủ doanh nghiệp, phụ nữ đang gặp rất nhiều các trở ngại như việc tiếp cận các nguồn lực liên quan đến tài chính, họ cũng không được trang bị đủ các kiến thức và kỹ năng như quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính, tiếp thị, chiến lược kinh doanh, công nghệ thông tin và truyền thông.
Một trở ngại nghiêm trọng khác dù vô hình nhưng rất nghiêm trọng và thực tế là những định kiến và ràng buộc liên quan đến giới và gia đình, như phụ nữ thì thường không nhận được sự hỗ trợ từ phía gia đình trong quá trình khởi nghiệp, họ cũng dành phần lớn thời gian cho các công việc không được trả lương như nấu nướng và chăm sóc con cái. Từ đó, phụ nữ có ít thời gian hơn cho việc khởi nghiệp, xây dựng các mối quan hệ, tham gia vào các khóa đào tạo, huấn luyện để giúp họ phát triển doanh nghiệp.
Một yếu tố đặc biệt khác là chúng tôi nhận thấy đang thiếu các chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Hầu hết các chính sách hỗ trợ tài chính hiện tại của Chính phủ đều dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần có chiến lược dành riêng cho họ để thúc đẩy họ tham gia nhiều hơn vào quá trình khởi nghiệp và kinh doanh.
+ UN Women đã hỗ trợ phụ nữ Việt Nam vượt qua rào cản để tự tin và thành công hơn, đặc biệt là các nữ doanh nhân trong quá trình khởi nghiệp?
UN Women không có những hoạt động hỗ trợ cụ thể mà tập trung vào những thay đổi mang tính cấu trúc về mặt chính sách để tạo nền tảng tốt nhất hỗ trợ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và phụ nữ khởi nghiệp trong các hoạt động liên quan tới kinh doanh.
Chúng tôi sẽ tập trung vào 2 cấp độ khác nhau: Đầu tiên là xây dựng nguồn lực cho phụ nữ trong khởi nghiệp kinh doanh và thứ 2 là tác động lên các chính sách để hỗ trợ.
Về việc xây dựng năng lực cho phụ nữ, UN Women làm việc với nhiều partner như chương trình hỗ trợ làm việc với Học viện Phụ nữ Việt Nam để phát triển 10 mô đun e-learning (học trực tuyến) về khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Các mô đun này sẽ được đăng tải trên e-learning của Học viện vào tháng 7 năm nay.
Chúng tôi cũng làm việc với Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Cục phát triển doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng 15 mô đun e-learning về kỹ năng lãnh đạo, quản lý và phát triển doanh nghiệp dành cho nữ doanh nhân.
UN Women còn hợp tác với các Hội doanh nhân nữ Việt Nam để đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ về smart marketing, quản trị thay đổi, các kế hoạch kinh doanh liên tục, phát triển mạng lưới networking. Chúng tôi cũng phối hợp với Hội LHPN Việt Nam để tập huấn cho phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh, hỗ trợ sinh kế, ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ nông thôn.
Về phần chính sách, chúng tôi cũng hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nghị định mới thay thế cho nghị định vừa và nhỏ cũ, bổ sung 1 số quy định về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, tham vấn phát triển nguồn lực để chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận các nguồn hỗ trợ này. Đồng thời hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ vào năm 2021-2015 tại Việt Nam. Đây là chính sách hoàn toàn mới nhằm thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.
Cuối cùng chúng tôi hỗ trợ cơ quan phát triển doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng công cụ đáp ứng giới nhằm đánh giá hoạt động đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi giá trị năng lực tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công cụ này sẽ giúp đánh giá tiềm năng, quá trình đổi mới để phụ nữ nhận ra các điểm mạnh và điểm yếu, thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giúp quá trình khởi nghiệp của phụ nữ trở nên dễ dàng hơn.
+ Không chỉ phụ nữ Việt Nam, mà cả một số phụ nữ nước ngoài giữ các vị trí lãnh đạo cấp trung trong nhiều doanh nghiệp hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng từng chia sẻ về việc bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc và ít có khả năng được thăng tiến hơn đáng kể so với nam giới. Bà nghĩ gì về vấn đề này?
Phụ nữ đang tham gia và làm chủ nhiều hơn so với trước đây, tuy nhiên bình đẳng giới vẫn chưa đạt được ở Việt Nam. Chẳng hạn như phụ nữ Việt Nam vẫn có mức lương thấp hơn so với nam giới khi làm cùng một công việc, họ cũng bị phân biệt đối xử khi tham gia xin việc và kể cả khi đã có được công việc thì họ cũng phải đối mặt với sự đào thải lớn.
Phụ nữ cũng phải đối mặt với rào cản về trách nhiệm chăm sóc gia đình và thành kiến giới trong việc tuyển dụng. Chẳng hạn như nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ chỉ có thể gọi là thành công khi đạt được thành tựu cả trong lĩnh vực kinh doanh và gia đình. Những điều này đã tạo ra những rào cản cho lao động nữ trong việc cạnh tranh bình đẳng với các đồng nghiệp nam.
Khi so sánh tương quan trực tiếp giữa việc đầu tư vào năng lực của phụ nữ với GDP bình quân đầu người, chúng tôi lại thấy các quốc gia đầu tư vào bình đẳng giới và có chỉ số bình đẳng giới cao hơn thì nền kinh tế lại phát triển nhanh hơn, có năng lực cạnh tranh tốt hơn.
Kể cả với các doanh nghiệp có bình đẳng giới cao thì có lợi nhuận và mức tăng trưởng tốt hơn, năng suất và khả năng cạnh tranh cũng cao hơn. Từ đó, họ tạo ra lực lượng lao động tốt, môi trường làm việc tốt hơn, thu hút nhiều nhân tài hơn.
Từ đó UN Women đã tạo ra Women’s Empowerment Principles với 7 nguyên tắc và có ciải thưởng "Thực hiện Nguyên tắc trao quyền cho Phụ nữ" (WEPs) để công nhận những đóng góp vượt bậc của các công ty và doanh nghiệp về bình đẳng giới và hỗ trợ trao quyền cho phụ nữ. Từ đó, có thể chia sẻ phương pháp hay cũng như hành động để lan tỏa và truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp trong việc trao quyền cho phụ nữ.
+ Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn