Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam: Cần có bình đẳng giới ở những vị trí lãnh đạo và ra quyết định

Ngự Bình
24/08/2021 - 20:29
Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam: Cần có bình đẳng giới ở những vị trí lãnh đạo và ra quyết định

Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam

“Điều quan trọng là phải có các chiến lược quản trị nhạy cảm về giới để tất cả các đại biểu được bầu có trách nhiệm hơn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong các chính sách công và đảm bảo việc thực thi các chính sách đó”. Đây là chia sẻ của bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam.

PV: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về sự tham gia của phụ nữ trong chính trị ở Việt Nam?

Bà Elisa Fernandez Saenz: Trong những năm qua, Việt Nam đã có những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực chính trị.

Có thể thấy điều này qua kết quả bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 10/6/2021, trong đó tỷ lệ nữ đại biểu đạt 30,26% - cao nhất kể từ Quốc hội khóa VI (1976-1981). Cần nhấn mạnh rằng, tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội của Việt Nam cao hơn 4,7% so với mức trung bình toàn cầu là 25,5%. Điều này đã đưa Việt Nam từ vị trí thứ 65 lên thứ 54 trong bảng xếp hạng toàn cầu (theo Dữ liệu toàn cầu về Nghị viện Quốc gia – IPU, tính đến tháng 8/2021).

Tuy nhiên, khi nhìn vào các số liệu quan trọng khác, được Diễn đàn Kinh tế Thế giới trích dẫn trong Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu (2020) gần đây, Việt Nam vẫn có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí bộ trưởng, chỉ 4%, cũng như tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lập pháp, quan chức cấp cao và quản lý vẫn giữ ở mức 27,3%. Điều này có nghĩa là Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực công.

PV: Bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế của việc phụ nữ tham gia chính trường ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở Costa Rica?

Bà Elisa Fernandez Saenz: Trên toàn thế giới, dữ liệu cho thấy sự thiếu hụt đại diện là phụ nữ đang diễn ra ở tất cả các cấp ra quyết định và việc đạt được bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị dường như còn xa vời. Có thể kể đến như:

- Trong số 195 quốc gia, chỉ có 22 quốc gia có phụ nữ giữ vai trò là người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ và 119 quốc gia chưa từng có lãnh đạo là nữ. Với tốc độ hiện tại, bình đẳng giới ở các vị trí quyền lực cao nhất dường như sẽ không đạt được trong vòng 130 năm nữa.

- Tính đến tháng 10/2020, chỉ có 25% tổng số đại biểu quốc hội là phụ nữ, tăng so với 11% vào năm 1995.

- Chỉ có 4 quốc gia bao gồm Rwanda, Cuba, Bolivia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất có từ 50% phụ nữ trở lên trong nghị viện đơn lẻ hoặc hạ viện. Hơn 19 quốc gia khác đã đạt hoặc vượt qua 40%, bao gồm 9 quốc gia ở châu Âu, 5 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe, 4 quốc gia ở châu Phi và 1 quốc gia ở Thái Bình Dương.

Ở Mỹ Latinh, quê hương của tôi, Costa Rica là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã thông qua luật thiết lập bình đẳng giới và bố trí thay thế bắt buộc, có hiệu lực từ năm 2014. Do đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào chính trị và các vị trí ra quyết định có tỷ lệ rất cao. Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu 2020, số liệu cho thấy phụ nữ giữ các vị trí bộ trưởng ở Costa Rica là 51,9%; phụ nữ giữ chức vụ lập pháp, cán bộ cấp cao và quản lý là 33,9% và phụ nữ trong quốc hội là 45,6%.

Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam: Cần có bình đẳng giới ở những vị trí lãnh đạo và ra quyết định - Ảnh 1.

Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam

PV: UN Women có những hoạt động gì tại Việt Nam để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị?

Bà Elisa Fernandez Saenz: Trong những năm qua, UN Women đã liên tục vận động cho sự tham gia của phụ nữ vào vai trò lãnh đạo và ra quyết định ở cả khu vực công và tư nhân ở tất cả các cấp, cung cấp dữ liệu và tuyên truyền thông điệp chính từ các bên liên quan khác nhau và các cơ quan khác của Liên hợp quốc. Đây là nhiệm vụ chính của UN Women kể từ khi thành lập cách đây 10 năm.

Tại Việt Nam, các hoạt động của UN Women góp phần thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ và sự tham gia của phụ nữ vào quá trình ra quyết định trong nhiều lĩnh vực khác nhau:

- Ở cấp độ chính sách, UN Women đã nhất quán ủng hộ sự tham gia của phụ nữ vào quá trình ra quyết định trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2021-2030; cũng như đánh giá việc Việt Nam thực hiện các báo cáo Mục tiêu Phát triển bền vững SDGs và CEDAW.

- UN Women phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN Việt Nam để nâng cao năng lực lãnh đạo của phụ nữ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi. Chúng tôi cũng nỗ lực tăng cường kỹ năng lãnh đạo cho các nữ doanh nhân trẻ và phụ nữ dân tộc thiểu số.

- UN Women cũng đang tìm hiểu phương thức hỗ trợ các phương pháp tiếp cận linh hoạt trong việc thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) ở Việt Nam thông qua lăng kính của 4 trụ cột chính: Phòng ngừa, bảo vệ, tham gia, cứu trợ và tái thiết. Qua đó, tác động đến khuôn khổ hoạch định chính sách và luật pháp, xây dựng các sáng kiến dựa vào cộng đồng, những nơi phụ nữ và trẻ em gái đang phải đối mặt với các hiểm họa tiềm ẩn về an toàn sinh mạng của mình. Đây là một phần do tác hại của bạo lực tình dục và các hình thức bạo lực trên cơ sở giới khác, đã và đang cản trở khả năng tham gia đầy đủ của họ vào mọi mặt của cuộc sống hàng ngày.

Bà Elisa Fernandez Saenz đề xuất 5 giải pháp nào để thúc đẩy phụ nữ tham chính:

Thứ nhất, đó là thay đổi các chuẩn mực văn hóa- xã hội truyền thống sang hướng bình đẳng giới và bao trùm. Đây là trọng tâm để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Cần có các giải pháp đổi mới và truyền thông sáng tạo, chẳng hạn như tuyên truyền các hình mẫu của phụ nữ và nam giới trong vai trò lãnh đạo, vừa đóng góp bình đẳng tại nơi làm việc cũng như ở gia đình.

Thứ hai, cần phải có cơ chế giải trình để đảm bảo rằng trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và sự đại diện của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý được thực hiện; có giải pháp khi hoạt động được xác định là chưa hiệu quả.

Thứ ba, Luật Bình đẳng giới đặt ra các tiêu chuẩn cho Đảng và Nhà nước. Điều quan trọng là cần phải xem xét một cách nghiêm túc các quy định, chính sách có được hoạch định, cấp vốn và thực hiện phù hợp hay không, nhất là về đào tạo, nâng cao chuyên môn, bồi dưỡng chính trị, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm phụ nữ.

Thứ tư, cần xây dựng thêm một cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả để đạt được các mục tiêu về đại diện của phụ nữ trong chính trường. Cần nhấn mạnh vào việc trách nhiệm cung cấp dữ liệu phân tích giới tính hàng năm về sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các cơ quan nói chung và trong báo cáo tuyển dụng, đào tạo, lập kế hoạch, luân chuyển và bổ nhiệm.

Thứ năm, phân bổ ngân sách và thực hiện các hoạt động phát triển năng lực cho phụ nữ, bao gồm chương trình kết nối và cố vấn và cho phụ nữ trẻ và phụ nữ dân tộc thiểu số, cần là một phần không thể thiếu của bất kỳ chương trình lãnh đạo nào. Đồng thời, phải thực hiện lồng ghép giới vào các khóa đào tạo, tập huấn cụ thể về bình đẳng giới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ cấp cao ở Trung ương và địa phương. Hơn nữa, các chương trình đào tạo cho công chức của Bộ Nội vụ (MoHA) phải được nhấn mạnh khả năng đáp ứng của giới trong quá trình ra quyết định và chính sách.

Việc đảm bảo sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trong các hoạt động chính trị-xã hội không chỉ giúp nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ mà còn là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và tiến bộ lâu dài của xã hội.

Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đặt ra, giải pháp nhằm thúc đẩy phụ nữ tham chính trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 8/2021.

Mọi ý kiến xin gửi về toà soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm