Cho con đi học sớm là nỗi băn khoăn của rất nhiều người mẹ. Bên cạnh một số ưu điểm như bé sẽ được học tập và chơi đùa trong môi trường có bạn bè, học được nhiều điều bổ ích thì có không ít những vấn đề xảy ra khiến các bậc phụ huynh khó kiểm soát được. Đặc biệt nhất chính là tình trạng trẻ bị bắt nạt nhưng con còn quá nhỏ để phản kháng hay chống đối.
Dạo gần đây, loạt vụ trẻ mầm non bị bạn cùng lớp đánh đã gây ra bức xúc không nhỏ trong dư luận. Các em ở độ tuổi này chưa có khả năng tự vệ nên cần có sự can thiệp và xử lý kịp thời từ giáo viên cũng như phụ huynh.
Khoảng tháng 10/2021, đoạn clip một bé gái (2 tuổi, sống tại Bắc Giang) bị bé trai cùng lớp đánh khiến đầu và lưng bé đầy vết bầm tím. Cậu bé liên tục dùng chân đạp lên người và đầu, ngồi đè lên cả người bé gái. Mặc cho cô bé khóc lóc, bé trai này vẫn liên tục dúi đầu bạn mình xuống nền nhà, đập cả đầu bé gái vào tường.
Khi sự việc xảy ra, bé gái liên tục khóc thét nhưng phải đến gần 5 phút sau, cô giáo mới mở cửa bước vào, lúc này, bé gái vội chạy về phía cô giáo. Được biết, vụ việc xảy ra vào khoảng 10h sáng ngày 23/10 ở một trường mầm non tư thục tại Bắc Giang.
Vào tháng 5/2022, một người mẹ có tên T.V đã tỏ ra hết sức phẫn nộ khi chia sẻ đoạn clip ghi lại qua camera ở trường mầm non nơi con trai theo học. Cụ thể, cậu bé (khoảng 2 tuổi) bị một chị lớn (khoảng 3-4 tuổi) liên tục dùng chân đá vào mặt, lưng làm cậu bé có lúc chới với, suýt ngã ngửa ra đằng sau.
Thế nhưng thay vì phản kháng, bé trai chỉ biết ngồi im chịu trận để chị lớn liên tục đánh mình. Ai quan sát cũng vô cũng tức giận vì hành động của bé gái và thương bé trai nhiều hơn. Mọi người đặt ra câu hỏi là các cô trông trẻ ở đâu khi việc này diễn ra. Nếu phụ huynh không mở camera thì liệu có phát hiện sự việc như vậy không.
Chị T.V mất bình tĩnh khi chứng kiến qua camera cảnh con trai bị chị lớn đánh, đá vào mặt ở trường mầm non
Mới đây nhất, chị Nguyễn H. (sống tại TP.HCM) cũng chia sẻ trường hợp con bị bạn đánh nhiều lần. Cụ thể, con chị bị một bạn cùng lớp đánh, đạp, đẩy té, đang ngồi thì kéo đổ ghế, thậm chí là nhảy lên lưng để đạp. Sự việc diễn ra không chỉ thỉnh thoảng mà tới mấy chục lần 1 ngày. Được biết, con chị H. khá hiền lành, chỉ phản ứng yếu ớt mà không biết làm gì khác.
Con chị H. bị bạn bắt nạt công khai ở trên lớp trước mặt cô giáo.
Chị Trinh (sinh năm 1996, sống tại Hà Nội) hiện có 3 con nhỏ. Hai con lớn của chị đã đi học mẫu giáo được vài năm nay. Theo bà mẹ trẻ, việc mẹ cần phải đồng hành, quan sát với con sau từng buổi học là điều cực kỳ quan trọng.
"Mình không thể chấp nhận chuyện con bị đánh dã man ở lớp. Nếu chỉ là những vết cắn, vết cấu hay cãi nhau qua lại thì có thể hiểu vì trẻ con rất hiếu động, các bé nhiều lúc không thể hòa thuận mà xảy ra cãi vã. Tuy nhiên, nếu con bị bạn cố tình đánh, bắt nạt, thậm chí là có xu hướng sử dụng bạo lực dã man thì người làm mẹ không thể ngồi yên.
Theo mình, phải xử lý ngay khi biết con đang gặp vấn đề. Một là tới gặp giáo viên, hiệu trưởng trích xuất camera và đề nghị xử lý. Tiếp theo, cần trao đổi thẳng với phụ huynh của bé đã đánh con mình để họ nắm thông tin. Thông thường, sau khi gọi điện, mình sẽ yêu cầu 3 mặt 1 lời, đối chất trực tiếp giữa các bố mẹ, các thầy cô và cả các con.
Sau khi làm vậy rồi mà con vẫn tiếp tục bị bắt nạt thì mình lập tức chuyển trường và chắc chắn sẽ cảnh báo các phụ huynh khác về trường hợp đã xảy ra nhưng không được xử lý. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên dạy bé cách tự vệ, ứng phó khi bị bạn đánh", chị Trinh bày tỏ.
Theo bà mẹ 3 con, một em bé bị bạn đánh hoặc gặp chuyện xấu ở lớp sẽ biểu hiện ngay khi con trở về nhà. Bố mẹ nên quan sát, hỏi han, động viên con chia sẻ những điều ở trên lớp. Với các em bé đã biết nói (từ 3, 4 tuổi trở lên) thì không quá khỏ, tuy nhiên với bạn còn nhỏ chưa biết nói, bộc lộ suy nghĩ thì sẽ khó khăn hơn.
Trong khi một số người tức giận, nhất quyết đòi xử lý tới cùng thì chị Diệu Linh (sống tại Hà Nội) cho rằng bố mẹ nên bình tĩnh, thương con nhưng cần giữ "cái đầu lạnh" để đòi lại công bằng cho bé. Quả thực, nếu rơi vào tình huống như trên, bố mẹ nào cũng sẽ vô cùng đau đớn, vừa thương con vừa bực tức các bé đã đánh con mình và cả cô giáo không làm tròn trách nhiệm trông dạy trẻ.
"Trước tiên, cần phải giải quyết từ hướng nhà trường và cô giáo, yêu cầu các cô đưa ra lý do và cách giải quyết phù hợp. Tiếp theo, nên có một buổi nói chuyện với gia đình các bé đã có hành vi đánh con mình, yêu cầu các bé phải xin lỗi và không được phép tái phạm với các bạn khác sau này. Cuối cùng là suy nghĩ về việc chuyển trường và tìm hiểu kỹ một nơi khác thích hợp hơn cho con.
Cần phải nói chuyện khéo léo vì có thể con đã bị tổn thương không chỉ về mặt thể xác mà còn là tinh thần. Có nhiều bé sau những lần bị bạn bắt nạt hay đánh đập sẽ nảy sinh cảm giác không muốn tới trường, sợ bạn bè và ảnh hưởng rất lớn đến những năm tháng đi học về sau. Bởi vậy, các con cần có sự đồng hành và dẫn dắt từ bố mẹ và thầy cô trong tương lai.
Theo mình nên cho con nghỉ học một thời gian để bé ổn định và cân nhắc tới việc chuyển trường. Tại nơi mới hãy nói rõ với cô giáo về chuyện con đã từng bị đánh để các cô lưu tâm và không để sự việc như vậy tái diễn", chị Linh quan điểm.
TS.NGƯT Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho hay: "Nếu gặp phải tình huống con bị bạn bạo hành, trước tiên gia đình bé gái cần giúp con chữa lành các vết thương trên cơ thể. Nếu tâm lý bé ổn định thì rất tốt, còn không cần phải đưa con đi khám hoặc gặp các chuyên gia tâm lý để bé không bị ảnh hưởng về sau. Về chuyện con bị đánh thì gia đình phối hợp với nhà trường cần làm rõ trách nhiệm của những người liên quan dựa trên các quy định của pháp luật".
Anh Bùi Khánh Nguyên, Thạc sĩ Truyền thông, Đại học Stirling (Vương quốc Anh), và MBA của Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) tại Việt Nam, hiện đang là diễn giả về giáo dục đưa ra lời khuyên: "Cha mẹ cần được nhà trường chủ động thông tin ngay khi có sự việc xảy ra vượt quá mức độ thông thường. Yêu cầu nhà trường có chính sách bảo vệ an toàn cho con trong trường hợp con bị đe dọa bởi bạn bè hoặc người lớn trong trường.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có quyền yêu cầu cho con tạm ngưng học để ngăn chặn việc xấu xảy ra cũng như bảo vệ tâm lý cho con; yêu cầu các dịch vụ hỗ trợ từ các nhân sự liên quan trong trường như y tá trường, chuyên viên tâm lý học đường, giáo viên chủ nhiệm lớp, báo cơ quan chức năng trong trường hợp trường không giải quyết sự việc hợp lý dẫn tới việc con bị thương tích, xâm hại... Trong trường hợp xấu nhất, hãy bảo vệ con bằng biện pháp cuối cùng như chuyển trường, chuyển nơi ở, chọn học online, thậm chí học tại nhà".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn