Thời gian qua, hàng loạt các sự cố xảy ra liên quan đến giáo viên trong khi dạy học trực tuyến như để lộ hình ảnh nhạy cảm, văng tục, xúc phạm học trò đã khiến dư luận cảm thấy lo lắng. Mới đây nhất là sự việc cô giáo tiếng Anh của một trung tâm dạy kèm học sinh nam 8 tuổi trong trạng thái không mặc gì.
Cụ thể, theo chia sẻ của vị phụ huynh trên Facebook- người đã phát hiện ra sự việc- thường ngày, con chị vẫn tự học một mình cùng cô giáo. Lần này chị vào phòng kiểm tra thì tá hỏa khi thấy cô ngồi bó gối, không mặc áo và quần trong giờ dạy online. Bài viết của chị lập tức nhận được sự chú ý của cộng đồng. Cũng như chị, phần lớn mọi người đều không dám nghĩ sự việc như vậy lại có thể xảy ra.
Chị Nguyễn Thị Công (Q.Long Biên, Hà Nội) có con đang học lớp 1 cho biết: Hai năm qua, do dịch bệnh nên ngoài giờ học trên lớp, chị cũng cho con học nhiều lớp ngoại khóa, tiếng Anh ngoài giờ theo hình thức online. Dù vậy, chị vẫn luôn yêu cầu con phải nghiêm túc như khi đi học trực tiếp.
"Ngày nào có buổi học, tôi đều sắp xếp cho con ăn sớm để đảm bảo con không vừa ăn, vừa học. Trước giờ học, tôi cũng nói con phải thay quần áo nghiêm chỉnh, tuyệt đối không mặc quần áo ngủ ngồi trước màn hình. Tôi muốn con hiểu làm vậy là thể hiện sự tôn trọng với cô giáo cho dù một đứa trẻ 6 tuổi mặc luộm thuộm một chút chắc cô cũng thông cảm". Vì thế, trước sự việc trên, chị Công cho rằng, tự hỏi không hiểu sao, cô giáo lại có thể ứng xử như vậy với học sinh ngay trong giờ học?
Chị Nguyễn Thị Huyền, có con đang học lớp 6 (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm: Không biết cô giáo dạy giỏi đến đâu nhưng làm như vậy là thể hiện sự thiếu nghiêm túc, coi thường học sinh và chính bản thân cô.
"Hiện nay, hàng ngày, con tôi vẫn đang theo học trực tuyến với cô giáo. Trong lớp con tôi có quy định cô giáo và học sinh khi học đều phải ngồi vào bàn nghiêm chỉnh, đầu tóc, quần áo lịch sự. Thậm chí, cha mẹ cũng phải chú ý đến không gian học cho con, chẳng hạn như không thể để con ngồi học mà đằng sau là chăn màn chưa gấp, hay ngồi gác chân lên bàn…". Việc cô giáo không mặc quần áo, lại còn ngồi bó gối khi dạy là không thể chấp nhận được.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra các sự cố đáng tiếc trong quá trình dạy học online. Ngay trong tháng 11 vừa qua, một thầy giáo ở Đồng Tháp cũng đã vô tình làm lộ ảnh nhạy cảm của phụ nữ khi dạy trực tuyến. Sau khi sự việc xảy ra, thầy giáo này đã xin lỗi học sinh và phụ huynh, tuy nhiên, hình ảnh về người thầy cũng đã ít nhiều bị ảnh hưởng.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, sự việc trên cần phải rút kinh nghiêm từ cả hai phía. Về phía thầy cô giáo khi đã vào giờ dạy, dù là trực tiếp hay trực tuyến đều phải có ý thức giữ gìn hình ảnh người thầy, có chuẩn mực sư phạm, từ lời ăn tiếng nói, trang phục, tác phong… trước học trò. Thầy cô giáo có thể để hình nền để có thể che bớt đồ đạc, người đi lại trong nhà, giúp cho giờ học nghiêm túc hơn. Đặc biệt, cô giáo cần làm chủ công nghệ, không nên để xảy ra những sự cố đáng tiếc như vậy. So với dạy trực tiếp, dạy trực tuyến sẽ có hạn chế hơn nên để lôi cuốn học sinh thì thầy cô càng phải dành nhiều thời gian tâm huyết đầu tư cho giờ dạy của mình, không nên coi dạy trực tuyến "khuất mắt trông coi", "dạy sao cũng được"...
Tuy nhiên, đối với phụ huynh học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, khi học trực tuyến, cha mẹ cần quan tâm hơn tới việc học của con. Có thể trước khi mời cô giảng dạy, nên có hợp đồng, hay thỏa thuận trước với cô giáo về những mong muốn của gia đình đối với cô, đề nghị cô cũng phải nghiêm túc, chuẩn mực trong giờ dạy. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra sự cố đáng tiếc, phụ huynh học sinh có thể bình tĩnh tìm hiểu kỹ, nếu không phải do lỗi cố ý thì có thể góp ý trực tiếp với cô trên tinh thần hỗ trợ nhau. Đôi khi, cha mẹ học sinh vội vàng đưa thông tin lên mạng lại đẩy sự việc đi quá xa, tạo nên những rùm beng không cần thiết.
Trở lại với sự việc cô giáo "khỏa thân" dạy trực tuyến, theo đại diện của trung tâm tiếng Anh, cô giáo khỏa thân trong giờ học trực tuyến vốn là nhân viên du lịch đi làm thêm trong đợt dịch này. Cô chưa được ký hợp đồng nhân viên chính thức với trung tâm.
Cũng có ý kiến cho rằng, có thể, đó chỉ là lời giải thích để giữ uy tín cho trung tâm, nhưng, ngay cả trong trường hợp lời giải thích này là đúng thì cũng cho thấy, việc tuyển dụng người làm giáo viên dạy cho trẻ nhỏ hiện nay cũng cần chặt chẽ hơn. Cha mẹ học sinh khi bỏ tiền thuê giáo viên tại Trung tâm giảng dạy cho con em mình đều mong giáo viên phải có nghiệp vụ, trình độ, có đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp. Chắc chắn, sẽ không ai đồng ý một hướng dẫn viên du lịch "bỗng dưng" mang danh giáo viên để rồi chỉ khi xảy ra sự cố thì mọi việc mới hé lộ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn