Từ vụ học sinh lớp 6 nhảy lầu tự tử: Cha mẹ đừng bỏ mặc con với cảm xúc tiêu cực

N.K
18/12/2021 - 09:00
Từ vụ học sinh lớp 6 nhảy lầu tự tử: Cha mẹ đừng bỏ mặc con với cảm xúc tiêu cực

Ảnh minh họa

Sự việc đau lòng xảy ra tối 16/12 khi một nam sinh lớp 6 nhảy từ tầng 22 chung cư ở Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội, xuống đất tử vong đã để lại nỗi đau xót tột độ và sự day dứt cho những người ở lại.

Nỗi day dứt cho người ở lại

Nếu thời gian quay ngược trở lại, chắc chắn, người thân của em sẽ tìm cách bảo vệ, hỗ trợ để em không phải chọn cách giải quyết bế tắc một cách tiêu cực như vậy…

Xung quanh sự ra đi của em, có thông tin cho rằng, em bị áp lực về học tập. Câu trả lời chính xác là gì chỉ có em mới hiểu. Nhưng, có một điều chắc chắn, em đã phải chịu đựng nhiều tổn thương và bế tắc…

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ bị tổn thương sức khỏe tâm thần, theo đánh giá của UNICEF đang có chiều hướng tăng lên 5-7 lần so với trước đó. Trong đó, các nhóm tuổi từ 15-17 có nguy cơ lo âu trầm cảm cao nhất. Tổn thương sức khỏe tâm thần có thể diễn tiến theo từng bước, từ bị stress, lo âu nhưng không được giải tỏa kịp thời đã trở thành trầm cảm, trẻ bắt đầu thu mình, không thích giao tiếp với ai. Thậm chí có trẻ có suy nghĩ như thích làm hại, trừng phạt bản thân (cắt tay, chân), rồi tự tử. Quá trình đó thường diễn ra trong một thời gian, và được thể hiện qua một số hành động, lời nói bất thường. Nếu cha mẹ, người thân của trẻ phát hiện kịp thời sẽ có thể giúp đỡ trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, đáng tiếc là việc phát hiện đôi khi diễn ra quá muộn, khi trẻ đã bị rối nhiễu tâm lý mức độ nặng, hoặc khi đã tự tìm tới cái chết.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Vũ Thu Hà cũng cho biết, rối nhiễu tâm lý học đường (trong đó có stress) ở Việt Nam cần phải được quan tâm đúng mức. Lâu nay, nhiều cha mẹ mới chỉ quan tâm đến những vết thương trên cơ thể, trong khi rối nhiễu tâm lý rất nguy hiểm vì âm thầm diễn tiến bên trong. Khi bị rối nhiễu tâm lý trẻ sẽ rất khó tập trung trong học tập, học hành sa sút ở tất cả các môn bất chấp mọi nỗ lực cố gắng. Nhiều trẻ cảm thấy trống rỗng, không tìm thấy niềm vui, hạnh phúc, có những hành vi bột phát, thiếu kiểm soát như bỏ học, phá rối, bỏ nhà, đánh nhau thậm chí tự sát hoặc trở nên loạn thần.

Cha mẹ đừng bỏ mặc con với các cảm xúc tiêu cực - Ảnh 1.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới rối nhiễu tâm lý ở trẻ - Ảnh minh họa

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới rối nhiễu tâm lý ở trẻ, trong đó phổ biến có sự kỳ vọng của gia đình, áp lực học quá tải, bệnh thành tích trong học tập. Một số gia đình đặt cho trẻ những mục tiêu phải đạt được như phải thi đỗ trường chuyên, lớp chọn, phải đứng đầu lớp... Để hoàn thành mục tiêu đó, trẻ sẽ liên tục bị cha mẹ thúc ép học, phải học nhiều giờ trong ngày, nhiều ngày trong tuần, thời gian nghỉ ngơi bị cắt ngắn dẫn tới trẻ bị chán nản, thấy cuộc sống chỉ toàn mệt mỏi, áp lực...

Chuyên gia tư vấn tâm lý Vũ Thu Hà

Đặc biệt, trong 2 năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, trẻ lại gặp khó khăn khi không được đến trường học trực tiếp nên giảm đi cơ hội được tiếp xúc với bạn bè, cộng đồng. Thời gian trẻ gắn với máy tính, internet để học trực tuyến kéo dài khiến trẻ cũng có nguy cơ bị căng thẳng, stress...

Hiện trường vụ tự tử tại chung cư Goldmark City - Ảnh: CTV


Chịu đựng áp lực một mình

Cách đây ít năm, tại TPHCM cũng từng xảy ra sự việc nam sinh 16 tuổi của trường THPT Nguyễn Khuyến nhảy lầu do bị áp lực nhiều mặt. Trước khi thả mình từ tầng 4 xuống sân trường, em có để lại thư tuyệt mệnh với nội dung không chịu nổi áp lực trong học tập và áp lực từ gia đình muốn em có điểm số tốt hơn để được học lớp đứng đầu khối 10.

Cái chết của em làm hé lộ những kỷ luật hà khắc trường THPT Nguyễn Khuyến đã áp dụng trong thời gian qua. Một học sinh giấu tên cho biết, một ngày học của các em bắt đầu từ sáng sớm tới tối muộn, bị cấm dùng điện thoại di động, internet và chỉ có thể liên lạc với gia đình qua bốt điện thoại đặt trong sân trường.

Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai là nơi có thể bắt gặp nhiều trường hợp học sinh ở lứa tuổi lẽ ra phải khỏe mạnh với cả tương lai phơi phới đang ở phía trước thì lại luôn rơi vào trạng thái lo âu, sợ hãi, cơ thể suy nhược, nhận thức hạn chế do phải chịu nhiều áp lực. Đó có thể là áp lực làm con ngoan trò giỏi ở nhà và ở trường, thất vọng với tình cảm đầu đời, sợ hãi khi bị bạo lực học đường, cô lập, chế giễu, kỳ thị… Tiếc là các em đã phải chịu đựng những áp lực đó một mình mà không được kịp thời hướng dẫn giải tỏa.

Cha mẹ cần quan tâm đến con nhiều hơn

Theo TS PGS.TS Trần Thành Nam, những sự việc đau lòng xảy ra khi trẻ tìm đến cái chết chính là lời kêu gọi cha mẹ hãy quan tâm đến con nhiều hơn. Đôi khi, cha mẹ đừng bỏ qua những lời nói tưởng chừng vu vơ nhưng lại đang báo trước cho ý nghĩ tự vẫn của trẻ như "một ngày nào đó, bố mẹ sẽ không còn ai để mắng mỏ nữa", "sống thế này thà chết đi còn hơn….".

Cha mẹ hãy giúp con chăm sóc trụ cột cảm xúc, ví dụ như nói chuyện với con nhiều hơn, giúp con nói ra những điều khiến con cảm thấy chán nản, tồi tệ rồi cùng con giải quyết. Cha mẹ đừng nghĩ rằng, trẻ chỉ dọa thôi chứ không bao giờ dám tìm tới cái chết hay trẻ có biểu hiện như vậy là đang chống đối nên càng mắng mỏ, thúc đẩy trẻ đi tới hành động tiêu cực.

Tùy từng mức độ mà cha mẹ, người thân có biện pháp bảo vệ trẻ như giữ cho trẻ môi trường an toàn, cách ly trẻ với các đồ vật gây hại cho bản thân, có người giám sát trẻ… Cha mẹ đừng bao giờ bỏ mặc trẻ với các cảm xúc tiêu cực. Trong trường hợp cần thiết nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ tư vấn tâm lý để được can thiệp kịp thời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm