Một xích mích nhỏ cũng đủ khiến học sinh tự tử

06/01/2018 - 08:09
Vụ nữ sinh ở Hà Tĩnh tự tử tại lớp học mới đây đang khiến nhiều phụ huynh hoang mang vì những bất ổn tâm lý của lứa tuổi. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, có rất nhiều lý do khiến học sinh lựa chọn cái chết, dù đôi khi chỉ từ một xích mích rất nhỏ.

Khi trường học không còn an toàn

Các ca học sinh tự tử được ghi nhận ngày càng có xu hướng nhiều hơn đang trở thành mối quan tâm lớn của phụ huynh. Đời sống học đường vốn dĩ không hề giản đơn như các bậc cha mẹ vẫn tưởng khi áp lực học hành, sự thay đổi tâm sinh lý, cách xử lý các mối quan hệ… ngày càng trở nên phức tạp.

Chia sẻ về điều này, TS Vũ Thu Hương- Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, có nhiều lý do dẫn đến hành động dại dột bộc phát này, trong đó đôi khi chỉ từ những xích mích, hiểu lầm rất nhỏ giữa các em.

084507-tu-tu-2-1476671410885.jpg
Thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì khiến trẻ có nhiều hành vi mất kiểm soát. Ảnh minh họa

“Sự việc học sinh ở Hà Tĩnh tự tử vừa qua khiến ta có quyền đặt câu hỏi: Tại sao lại nghĩ lớp học là nơi trẻ không thể tự tử? Tại sao lại có suy nghĩ đến trường để được bao bọc an toàn? Tự tử ở lứa tuổi dậy thì ở lứa tuổi 13 - 14 khiến tôi không quá ngạc nhiên bởi đây là lứa tuổi mong manh và manh động, dễ gây ra sự cố nhất”- TS Vũ Thu Hương nói.

“Lứa tuổi này có rất nhiều thay đổi trong phát triển tâm sinh lý, các em sống thiên nhiều về cảm xúc. Chỉ cần một xích mích nhỏ cũng có thể dẫn đến tự tử rồi. Tôi biết có nhiều vụ việc nữ sinh tự tử khi bị điểm kém và làm bố mẹ thất vọng” - TS Hương cho biết.

Không chỉ là vấn đề mất kiểm soát trong hành vi và suy nghĩ do yếu tố hormon, TS Vũ Thu Hương cho rằng, nữ sinh tự tử còn do chưa có sự quan tâm đúng mực từ cha mẹ và nhà trường. Tư vấn tâm lý vào trường học đã có ở nhiều trường. Tuy nhiên, lực lượng tư vấn viên còn chưa có nhiều kinh nghiệm và số lượng quá mỏng so với lượng học sinh đông đảo ở mỗi trường hiện nay.

tu-tu3.jpg


Tìm điểm tựa cho cho lứa tuổi dễ bùng nổ

Đồng tình với TS Vũ Thu Hương, Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Văn Công cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hành vi tự tử, tự sát ở tuổi thiếu niên. Song, một số biểu hiện tâm lý thường thấy rõ là các em vì xấu hổ với bạn bè, vì lòng tự trọng, vì cái tôi quá lớn, kỹ năng làm chủ bản thân còn hạn chế… mà dẫn đến hành vi tự tử.

“Nếu cha mẹ không hiểu, gần gũi để động viên con kịp thời, các em thiếu hẳn điểm tựa tinh thần đáng tin cậy nhất là gia đình. Thiếu điểm tựa này, sẽ dẫn đến nhiều hành vi lệch lạc, bộc phát mà cao nhất chính là tự tử”- ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Công, môi trường xã hội cũng tác động phần lớn đến hành vi trẻ. Tâm lý đám đông, mạng xã hội là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến lòng tự trọng của các em. Nếu như phải đối mặt với sự a dua, cổ vũ của đám đông mà bản thân các em lại thiếu kỹ năng làm chủ thì có thể tác động tiêu cực đến lứa tuổi này.

“Chính vì vậy, tạo một điểm tựa tinh thần vững chắc cho trẻ từ phía bố mẹ, thầy cô giáo và người thân là giải pháp quan trọng hàng đầu. Người lớn cần hiểu trẻ thực sự muốn gì, gặp khó khăn vướng mắc ở đâu để sẻ chia nhiều hơn với các em”- thạc sĩ Nguyễn Văn Công gợi ý.

Để phòng ngừa hành vi tiêu cực, ông đưa ra lời khuyên về việc cần dạy những kỹ năng sống thiết thực cho trẻ như kỹ năng chế ngự cảm xúc, vượt qua mặc cảm; tạo cho con tâm thế tự tin, thoải mái dù gặp các trở ngại ở trường.

Cha mẹ cần đặc biệt chú trọng đến giáo dục tinh thần trách nhiệm cho trẻ, từ đó giúp trẻ gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, bi quan trong cuộc sống. Khi trẻ thất bại, hoặc bị các bạn chế giễu, cha mẹ đừng để trẻ một mình đối mặt với sự giày vò, đau khổ trong cô đơn, buồn tủi. Hãy sát cánh bên con và hướng dẫn cho chúng biết cách tự đứng lên, và cố gắng vượt qua.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm