Sáng nay (20/4), tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Tập huấn kỹ năng vận động bầu cử cho người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV khối MTTQ Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết: Sau khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước thì những người ứng cử ĐBQH gặp gỡ, tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử để thực hiện quyền vận động bầu cử theo quy định của pháp luật.
Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước 7 giờ ngày 22/5/2021.
Theo ông Ngô Sách Thực, người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử phải được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Đặc biệt, "để đảm bảo công bằng bình đẳng cho các ứng cử viên, không được lạm dụng chức vụ quyền hạn để sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Người ứng cử không sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ, tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri", ông Ngô Sách Thực nói.
Tại hội nghị, các ĐBQH qua các khóa đã trao đổi, chia sẻ với các ứng cử viên những kinh nghiệm thực tế trong quá trình tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: Để cử tri có thể hiểu rõ hơn về các hoạt động của mình, ĐBQH thường thông qua báo chí, truyền hình để báo cáo với cử tri về hoạt động của mình thực hiện chương trình hành động lúc tranh cử, qua đó xây dựng hình ảnh của mình trước cử tri và công chúng.
Theo ông Lê Như Tiến, các ứng cử viên và khi đã trở thành ĐBQH cần lưu ý trả lời phỏng vấn báo chí hoặc xuất hiện trên truyền hình phải nắm vững luật pháp, không thể trả lời chung chung.
Khi trả lời phỏng vấn luôn đi thẳng vào vấn đề được hỏi, không vòng vo, không né tránh; Không nói sai sự thật; đồng thời phải có chính kiến của mình và nhấn mạnh lại thông điệp mình định truyền đi là gì…
Chương trình hành động của ứng cử viên cần phải rõ ràng, mạch lạc và tránh chung chung. Trong đó nêu rõ mục đích, mục tiêu của mình nếu được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND; mỗi người cần hiểu rõ tình hình đặc điểm địa phương nơi mình ứng cử và đưa ra các giải pháp, hiến kế, chính sách...
Đặc biệt, ông Lê Như Tiến lưu ý, "cách trình bày chương trình hành động trước cử tri và nhân dân cần chân thành, khiêm tốn, chia sẻ, không "đao to búa lớn", hứa hão, hứa suông. Phải mang cái tâm của mình đến với cử tri và nhân dân cả nước".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn