pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tập trung hỗ trợ ứng cử viên thực hiện quyền vận động bầu cử
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đại biểu tại Hội nghị hiệp thương lần 3. Ảnh Q. Vinh
Ngày 16/4, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lâp danh sách những người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Theo đó, 100% đại biểu tham dự hội nghị đã biểu quyết thông qua danh sách 205 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định: Hội nghị hiệp thương lần thứ ba là một nhiệm vụ rất quan trọng của quá trình bầu cử, đây là hội nghị hiệp thương lần cuối cùng để lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn gửi Hội đồng bầu cử Quốc gia để thực hiện các bước tiếp theo.
Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Ban Thường trực và Đoàn Chủ tịch sẽ gửi Biên bản hội nghị Hiệp thương lần thứ ba đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử.
Trong số 205 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH ở Trung ương, trong đó:
Số lượng nữ ứng viên ĐBQH là 46/205 người (tỉ lệ 22,43%);
Dân tộc thiểu số: 20/205 người (tỉ lệ 9,7%);
Ngoài Đảng: 4/205 người (tỉ lệ 1,9%);
Tái cử: 100/205 (tỉ lệ 48,78%);
Trẻ tuổi: 5/205 (tỉ lệ 2,43%);
Giáo sư, phó giáo sư: 16/205 người (tỉ lệ 7,8%);
Tiến sĩ: 63/205 người (tỉ lệ 30,7%);
Thạc sĩ: 94/205 người (tỉ lệ 45,85%);
Đại học và tương đương: 32/205 người (tỉ lệ 15,6%).
Bên cạnh đó, Mặt trận sẽ phối hợp tổ chức để người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị bầu cử, nhất là công tác chuẩn bị về nhân sự ĐBQH, Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH đã quán triệt sâu sắc chỉ thị của Bộ chính trị, tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật bầu cử và các văn bản có liên quan, bảo đảm công tâm, khách quan, đúng quy định.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, danh sách các ứng cử viên ĐBQH chuyên trách ở Trung ương đều có trong quy hoạch, được các cơ quan lựa chọn, giới thiệu qua các bước rất chặt chẽ, có sự tìm hiểu, đánh giá cả về hồ sơ và thực tế công tác; được giới thiệu với tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam, ngay sau Hội nghị hiệp thương lần 3, có nhiều nội dung, công việc được tiến hành ngay, cụ thể: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức hội nghị cử tri để những người ứng cử đại biểu Quốc hội gặp gỡ, tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử để thực hiện quyền vận động bầu cử theo quy định.
Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ sáng ngày 22/5/2021).
Sau khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước, thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử đại biểu Quốc hội thông báo cho người ứng cử sắp xếp thời gian về địa phương nơi ứng cử để thực hiện quyền vận động bầu cử theo Kế hoạch của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố.
Người ứng cử ở địa phương nào thì chủ động liên hệ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, thành phố nơi đó để biết kế hoạch và lịch tiếp xúc cử tri.
Sau khi kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, theo số liệu của Hội đồng bầu cử Quốc gia, tổng số người được lập danh sách sơ bộ cả Trung ương và địa phương là 1093 (trong đó Trung ương là 205 người, địa phương là 888 người, trong đó có 75 người tự ứng cử), đạt tỷ lệ 2,19 người ứng cử/01 đại biểu được bầu (Khóa XIV tỷ lệ là 2,29, khóa XIII tỷ lệ là 2,17.