Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào chiều ngày 8/9 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Hội LHPN, lãnh đạo các chương trình tài chính vi mô 27 tỉnh/thành và các chuyên gia Nhật Bản.
Trong những năm qua, hoạt động tài chính vi mô (TCVM) ở Việt Nam được đánh giá là công cụ hữu hiệu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Các chương trình TCVM đã có những bước tiến mới, đa dạng về sản phẩm và cải tiến mô hình, tăng hiệu quả tiếp cận khách hàng, đồng thời đảm bảo thực hiện các quy định luật pháp ngày càng chặt chẽ; nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết: Có thể nói, hoạt động TCVM của Hội LHPN các cấp thuộc nhóm các tổ chức mạnh về TCVM ở Việt Nam. Tính riêng trong hệ thống Hội, đã có 2 tổ chức TCVM chính thức, 30 chương trình TCVM được cấp giấy xác nhận theo Quyết định 20/2017/QĐ-TTg. Ngoài ra, có 6 tỉnh đang quản lý chương trình TCVM đã đến ngưỡng chuyển đổi thành tổ chức TCVM. Tuy nhiên, sự phát triển của các chương trình TCVM hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu của xã hội cũng như xu thế phát triển của ngành tài chính. Trong đó có hạn chế về sản phẩm, về quản lý vận hành, đồng thời cũng có hạn chế liên quan đến trình độ công nghệ.
TƯ Hội LHPNVN phối hợp với chuyên gia Nhật Bản thực hiện khảo sát về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong năm 2021 đối với 25 chương trình, dự án TCVM. Kết quả cho thấy, 15/25 chương trình (62%) đã có hệ thống thông tin quản lý, tuy nhiên ở mức độ rất đơn giản và đều mong muốn cải thiện, nâng cấp hoặc thay đổi sang hệ thống mới hiệu quả hơn. 22/25 đơn vị (88%) mong muốn số hoá hệ thống hoặc cải thiện việc ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có 16/25 đơn vị (64%) cho rằng không thể làm được do thiếu nguồn lực cho đầu tư công nghệ.
Chính điều này dẫn đến một hạn chế rất lớn của các chương trình TCVM của Hội là hiệu quả hoạt động còn thấp, chi phí tài chính và chi phí thời gian cao, các sản phẩm và dịch vụ hướng tới khách hàng còn mang tính truyền thống, thiếu khả năng mở rộng tiếp cận và cung cấp dịch vụ thuận tiện tới khách hàng.
Chuyển đổi số đang được Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương quan tâm đặc biệt. Những thay đổi khách quan do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng đã dẫn đến những yêu cầu bức thiết phải ứng dụng công nghệ số, phải số hoá, đặc biệt trong sản xuất, kinh doanh, bán hàng, tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh đó, ứng dụng công nghệ trong hoạt động TCVM không còn là một sự lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh: "Trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính, công nghệ chính là cuộc cách mạng mạnh mẽ nhất để mở ra khả năng tiếp cận nhanh chóng, giá rẻ và an toàn đối. Ở khía cạnh hẹp hơn, công nghệ tài chính đã và đang thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc đẩy mạnh phổ cập tài chính cho người dân, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đây cũng chính là mục tiêu hoạt động chủ đạo của các tổ chức, chương trình, dự án TCVM".
Trước xu hướng phát triển của đất nước, yêu cầu của ngành tài chính, của TCVM, yêu cầu của người sử dụng dịch vụ cũng như nhìn nhận từ thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin tại các chương trình, dự án TCVM của Hội, Hội LHPN Việt Nam cùng với Tổ chức JICA Việt Nam và các chuyên gia Nhật Bản tổ chức Hội thảo "Ứng dụng công nghệ thông tin cho các chương trình, dự án TCVM của Hội LHPN các cấp".
Các đại biểu tham gia Hội thảo được cung cấp các kiến thức công nghệ trong TCVM, trao đổi những vấn đề đặt ra và tìm kiếm giải pháp để từng bước số hoá, ứng dụng công nghệ thông tin đối với các chương trình TCVM của Hội, phù hợp với năng lực tài chính và cơ cấu tổ chức.
Phó Chủ tịch Đỗ Thị Thu Thảo bày tỏ tin tưởng Hội thảo sẽ giúp lãnh đạo Hội LHPN, lãnh đạo và cán bộ các chương trình, dự án TCVM của Hội nhận thức rõ nét hơn về công nghệ số, từ đó có câu trả lời cho câu hỏi "vì sao phải ứng dụng công nghệ thông tin cho TCVM", có định hướng xây dựng phương án số hoá phù hợp với đơn vị của mình, mang lại hiệu quả thiết thực và hữu ích cho hội viên phụ nữ, cho cộng đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn