Uống cà phê có tác động đến sự phát triển của bệnh tiểu đường

11:34 | 11/06/2022;
Nếu những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 uống cà phê trước khi ăn có thể dẫn đến lượng đường trong máu sau bữa ăn cao hơn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, thống kê cho thấy cứ 10 người lại có 1 người mắc bệnh tiểu đường, cứ 3 người có 1 người bị tiền tiểu đường. Để quản lý lượng đường trong máu, bạn cần thực hiện chế độ giảm cân, ăn kiêng lành mạnh và tập thể dục. Bên cạnh những thay đổi đó, việc thưởng thức các loại đồ uống cũng có ảnh hưởng tới đường huyết, trong đó có cà phê.

Nhóm nghiên cứu từ Viện thông tin khoa học về cà phê đã phân tích 30 nghiên cứu bao gồm dữ liệu của gần 1,2 triệu người tham gia. Kết quả cho thấy, những người uống 3 - 4 tách cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn 25% so với những người uống từ 2 tách trở xuống. Kết quả cũng cho thấy ngay cả cà phê không chứa caffein cũng có tác dụng tương tự.

Hiện nguyên nhân tại sao cà phê lại có tác động đến sự phát triển của bệnh tiểu đường như vậy vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, các hợp chất được hình thành một cách tự nhiên trong khi pha cà phê, như caffeine, axit caffeic, trigonelline và cafestol có thể là nhân tố ảnh hưởng tích cực đến lượng đường trong máu.

Những lợi ích sức khỏe của cà phê đối với bệnh tiểu đường là khác nhau trong các trường hợp. Mặc dù cà phê có thể có lợi trong việc chống lại bệnh tiểu đường nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng cà phê nguyên chất lại có thể gây nguy hiểm cho những người đã mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Thực tế, loại cà phê đã khử caffeine còn làm tăng lượng đường trong máu. Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một tình trạng mãn tính dẫn đến quá nhiều đường lưu thông trong máu. Khi lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến rối loạn hệ thống tuần hoàn, thần kinh và miễn dịch. Điều này dẫn đến tuyến tụy của bạn không sản xuất đủ insulin - một loại hormone điều chỉnh sự di chuyển của đường vào tế bào và các tế bào cũng phản ứng kém với insulin, hấp thụ ít đường hơn.

Nếu những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 uống cà phê trước khi ăn có thể dẫn đến lượng đường trong máu sau bữa ăn cao hơn. Điều này cho thấy sự gia tăng kháng insulin, dẫn đến đường không thể đi vào tế bào và bị ứ lại trong máu làm tăng đường huyết. Nếu bạn không mắc bệnh tiểu đường nhưng lo lắng về nguy cơ, hãy cẩn thận với lượng cafe bạn nạp vào cơ thể, đặc biệt là với các loại cà phê pha chế thêm chất làm ngọt hoặc các sản phẩm từ sữa.

Tác động của đường và chất béo trong cà phê có thể lấn át bất kỳ tác dụng bảo vệ nào của cà phê đối với sức khỏe, thậm chí làm tăng thêm tình trạng kháng insulin, nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Đồng thời, cà phê có thể làm tăng phóng thích adrenalin, chất làm tăng đường huyết. Phụ nữ mong muốn có con, đang mang thai hoặc đang cho con bú cần phải thận trọng với caffeine có trong cà phê.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn