pnvnonline@phunuvietnam.vn
Uống cà phê đúng cách có thể ngừa 6 bệnh
Là một trong những thành phần quan trọng của cà phê, caffein là một hợp chất kết tinh màu trắng, cũng tồn tại trong ca cao và lá trà. Sau khi uống cà phê, caffein có thể đến các mô khác nhau trong cơ thể trong vòng 5 phút. Tạp chí Y học New England đã đăng một bài báo tóm tắt mối quan hệ giữa cà phê, caffeine và sức khỏe, cho thấy cà phê ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
7 cơ quan trong cơ thể chịu ảnh hưởng sau khi uống cà phê
Uống cà phê sẽ tác động đến 7 cơ quan trong cơ thể. (Ảnh minh họa)
1. Não: Uống cà phê có thể giảm mệt mỏi, loại bỏ cơn buồn ngủ, giúp não luôn trong trạng thái tỉnh táo, biểu hiện là tinh thần hưng phấn và tư duy tích cực.
2. Dạ dày: Kích thích tiết axit dạ dày và thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
3. Ruột: Thúc đẩy nhu động ruột và giúp đại tiện.
4. Tim: Có thể tăng huyết áp trong thời gian ngắn, nhưng kiểm soát số lượng xuống 1-2 cốc mỗi ngày sẽ không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
5. Thận: Có tác dụng lợi tiểu, tiêu trừ phù thũng.
6. Phổi: Có thể cải thiện chức năng phổi.
7. Hệ thống sinh sản: Uống cà phê quá mức có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai tự nhiên ở phụ nữ mang thai.
Uống cà phê đúng cách giúp phòng ngừa nhiều bệnh mãn tính
Uống cà phê đúng cách có thể ngừa ung thư, tiểu đường, bảo vệ tim mạch... (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, cà phê còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau như protein, chất béo, axit nicotinic, tanin, ancaloit, kali, chất xơ... Uống cà phê đều đặn và điều độ mỗi ngày có thể giúp cải thiện và ngăn ngừa các bệnh khác nhau và giảm nguy cơ mắc 6 bệnh mãn tính:
1. Phòng ngừa bệnh tim mạch
Uống cà phê tỷ lệ nghịch với nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch và mạch máu não như bệnh mạch vành và đột quỵ. Caffeine có thể cải thiện chức năng tâm thu thất trái và lưu lượng máu mạch vành. Do đó, uống cà phê điều độ có thể bảo vệ tim mạch.
Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc phát hiện những người uống khoảng 3 cốc (200 ml mỗi cốc) cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn thông qua một nghiên cứu trên 25.000 đối tượng.
2. Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
Hàm lượng chất xơ hòa tan trong cà phê cao hơn trong nước cam, caffeine cũng có thể kích thích nhu động ruột và ngăn ngừa tình trạng thừa cân. Uống cà phê thường xuyên, ngoại trừ đồ uống có chứa cà phê giàu calo, có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2.
3. Ngăn ngừa nhiều loại ung thư
Những người uống cà phê điều độ mỗi ngày có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư nội mạc tử cung, ung thư ruột kết, ung thư thực quản và ung thư gan.
4. Giảm các bất thường về gan
Các polyphenol trong cà phê có thể cải thiện sự cân bằng của chất béo trong cơ thể, giảm stress oxy hóa, từ đó ngăn ngừa gan nhiễm mỡ và xơ hóa gan.
5. Ngăn ngừa sự hình thành sỏi mật
Uống cà phê có thể giúp ức chế sự hấp thụ của dịch túi mật và kích thích sự co bóp của túi mật, do đó ngăn ngừa sự hình thành sỏi mật.
6. Phòng chống các bệnh về hệ thần kinh
Caffeine chủ yếu tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm tăng nồng độ dopamine giúp cải thiện tâm trạng thoải mái. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm.
Mặc dù uống cà phê tốt cho cơ thể nhưng nó cũng có ngưỡng sức khỏe, uống quá nhiều cũng không tốt, khuyến cáo hiện nay được giới dinh dưỡng và y tế chấp nhận rộng rãi là người lớn khỏe mạnh nên uống hai hoặc ba cốc mỗi ngày, và lợi ích mang lại nhiều hơn những rủi ro.
Uống cà phê nguyên chất là tốt nhất. (Ảnh minh họa)
Lượng caffeine tiêu thụ hàng ngày đối với những người khỏe mạnh được kiểm soát tốt nhất ở mức khoảng 250mg tới 400mg. Mức độ nhạy cảm của mỗi người với cà phê là khác nhau, nói chung, uống hơn 5 tách cà phê mỗi ngày có thể gây ra các triệu chứng như mất ngủ, căng thẳng, khó chịu ở dạ dày, nhịp tim nhanh và khó thở.
Ngoài ra, việc lựa chọn cà phê rất quan trọng. Uống cà phê nguyên chất, không pha thêm những thứ khác là tốt nhất cho sức khỏe và phù hợp với hầu hết mọi người.
Latte và cappuccino được làm bằng cách trộn cà phê với sữa để có hương vị thơm ngon hơn. Mocha, caramel macchiato, cà phê trắng… thường có thêm sô cô la, kem hoặc đường, có hàm lượng calo cao hơn nhiều.
Thời điểm tốt nhất để uống cà phê?
Thời điểm tốt nhất để uống cà phê là sau bữa sáng và bữa trưa. Các nhà thần kinh học Mỹ đã tính toán rằng thời điểm tốt nhất để uống cà phê mỗi ngày là từ 9h30 tới 11h30 sáng.
Lưu ý khi uống cà phê:
- Không uống cà phê khi bụng đói, không uống sau bữa tối và không uống cà phê khi thức khuya, để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
- Người cao huyết áp không nên uống cà phê sớm để tránh huyết áp tăng nhanh.
- Người bị loãng xương chỉ nên uống không quá 3 tách cà phê mỗi ngày.
- Caffeine làm tăng nồng độ catecholamine trong máu mẹ và thai nhi, gây co mạch tử cung và giảm oxy máu. Phụ nữ có thai cần thận trọng để hạn chế lượng caffeine tiêu thụ ở mức 200mg mỗi ngày, tức là không quá 2 tách cà phê.
- Trẻ em và thanh thiếu niên tốt nhất là không nên uống cà phê.
Cà phê thực sự có rất nhiều lợi ích, chỉ cần bạn nhớ được lượng và thời gian uống, có thể giúp duy trì sức khỏe.