Để ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục & Đào tạo và hệ thống các trường học tổ chức các hoạt động thi sáng tác ca khúc về đề tài phòng chống ma túy; thi văn nghệ với chủ đề phòng chống tệ nạn ma túy; cắm trại, lồng ghép hoạt động phòng chống ma tuý với các hoạt động văn nghệ, thể thao, tạo được sân chơi lành mạnh, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia...
Đồng thời, chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy vào các chương trình học tập, sinh hoạt chính khoá, ngoại khóa với sự tham gia tích cực của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường. Các hoạt động này đã góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn sự phát triển của tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên toàn ngành.
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống ma túy nhưng trên thực tế, kết quả đạt được chưa thực sự mang tính bền vững, tình hình tệ nạn ma tuý trong học đường vẫn ngày càng diễn biến phức tạp, luôn có xu hướng tăng về mức độ và số lượng vụ vi phạm.
Những nguyên nhân khiến công tác phòng chống ma túy học đường chưa được hiệu quả là do yếu tố nguy cơ tệ nạn ma tuý tấn công vào trường học ngày càng ranh ma hơn, gây khó khăn trực tiếp đến công tác phòng chống ma tuý của các nhà trường.
Ở một số nhà trường việc quản lí, tổ chức phòng chống ma tuý trong trường học chưa được đầu tư chiều sâu. Bộ máy kiêm nhiệm chưa đủ mạnh để duy trì cập nhật, xử lý các nguồn thông tin trong học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên liên quan đến ma tuý. Chưa phát huy tốt vai trò chủ động của học sinh, sinh viên tham gia phòng chống ma tuý trong trường học và cộng đồng.
Một số trường thiếu các biện pháp kiên quyết về việc làm trong sạch môi trường, không còn nguy cơ về ma túy; công tác tuyên truyền ở nhà trường và cơ sở giáo dục còn chưa phù hợp. Đáng lo ngại tình trạng giáo viên nghiện và phạm tội ma túy trong một số trường ở vùng cao, miền núi tăng nhanh.
Điển hình như trường hợp ông Dương Xuân Kiểm (SN 1968, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã An Thắng, huyện Pác Nặm) bị bắt quả tang khi đang cùng 3 người khác (trong đó có một người cũng là giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã An Thắng) có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy ngay tại phòng làm việc vào lúc 22 giờ ngày 17/9/2020.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 7 cục nhựa thuốc phiện, 2 lọ đựng sái thuốc phiện, 1 bộ dụng cụ sử dụng thuốc phiện, 1 gậy điện, 4 điện thoại di động và 418.000đ. Qua xét nghiệm, cả ông Kiểm và 3 người còn lại đều có kết quả dương tính với ma túy.
Ngoài ra, nguồn kinh phí đầu tư cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy còn hạn chế so với nhu cầu, mục tiêu đặt ra. Vì vậy, chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và tiểu dự án nói riêng còn chưa đạt yêu cầu cũng là một trong những nguyên nhân khiến giáo dục phòng chống ma túy trong nhà trường chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Với quyết tâm không để ma túy có cơ hội xâm nhập vào môi trường học đường. Trường học cần phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh cũng như cho cán bộ, giáo viên, ngành giáo dục và đào tạo, tích cực vận động học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, nhà giáo tham gia phong trào phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy và tự giác khai báo về tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Qua đó góp phần ngăn chặn hiệu quả tệ nạn ma túy, không để ma túy xâm nhập vào trường học.
Giáo dục phòng chống ma túy trong nhà trường có tác dụng nâng cao sức đề kháng của học sinh trước một tệ nạn xã hội vô cùng nguy hiểm và nhức nhối. Từ đó, giúp các em học sinh - sinh viên hiểu đúng và hiểu đủ về các tác hại khôn lường của ma túy, hình thành tâm thế đúng đắn trước vấn đề này.
Những năm vừa qua, các nhà trường và cơ sở giáo dục đã không ngừng tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma tuý. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa thật sự đạt được hiệu quả bền vững. Đã đến lúc cần phải có bộ tài liệu chuẩn về phòng chống ma túy trong học đường.
Sau nhiều năm tích cực tiến hành khảo sát, nghiên cứu cùng với sự tâm huyết của tập thể gồm 27 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực: tâm lý, y học, sinh học thần kinh, xã hội học…. Mới đây, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Phòng chống ma túy (PSD) đã hoàn thành bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ, học sinh cấp THCS, THPT. Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Sách do Viện PSD biên soạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, NXB Y học phát hành. Sách được giới thiệu trên trang chủ của NXB Y học. Các bậc phụ huynh, học sinh và giáo viên quan tâm đều có thể tìm mua để đọc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn