pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phòng, chống ma túy học đường: Không để những đứa trẻ cô đơn trong hành trình trưởng thành
Vai trò của giáo dục gia đình
Ma tuý và tội phạm về ma túy đã và đang phá hoại sự phát triển bền vững, làm phát sinh tội phạm, làm xói mòn các giá trị văn hoá, đạo đức, xã hội và phá vỡ hạnh phúc gia đình. Ma túy là mối đe dọa to lớn không chỉ đối với tầng lớp thanh niên mà còn là hiểm họa chung của toàn cầu. Để góp phần ngăn ngừa đấu tranh phòng, chống ma tuý, đặc biệt là ma túy học đường không thể thiếu đi vai trò quan trọng của gia đình.
Thực tế cho thấy, sự thiếu quan tâm, buông lỏng giáo dục của gia đình là một trong những nguyên nhân chính khiến một số bộ phận thanh thiếu niên không tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, dễ bị bạn bè lôi kéo, rủ rê, ham vui dẫn tới sa ngã vào con đường ma tuý. Nhiều gia đình coi nhẹ việc quản lý, giáo dục con cái, thậm chí né tránh trách nhiệm khi con sa ngã. Có gia đình lại quá nuông chiều, khi phát hiện con mình nghiện ma tuý chỉ một mực tìm cách bao che, dung túng.
Vì vậy, gia đình cần giáo dục cho con cái hiểu sâu sắc tác hại do ma tuý gây ra và cần phối hợp với nhà trường, tổ chức đoàn thể để có những biện pháp quản lý hợp lý. Trong gia đình, vai trò của cha mẹ đối với việc giáo dục con cái là nhân tố tiên quyết.
Trên cơ sở nghiên cứu về điều kiện, hoàn cảnh dẫn trẻ em vào con đường tệ nạn ma túy cho thấy, môi trường sống trong gia đình có tác động sâu sắc tới quá trình phát triển nhân cách của trẻ em. Quản lý và giáo dục gia đình là một quá trình liên tục và lâu dài, từ khi đứa trẻ sinh ra và lớn lên. Gia đình nào tạo dựng được môi trường giáo dục tốt, có nề nếp kỷ cương thì sẽ có được cuộc sống hạnh phúc.
Thấu hiểu, chia sẻ cùng con
Để giúp con cái phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội thành công, trước hết cha mẹ phải thấu hiểu thế giới nội tâm vô cùng phong phú, đa dạng, nhạy cảm, hiếu động, thích tìm tòi, ưa cái mới… của các em. Làm cha mẹ, ông bà ở thời hiện đại cũng cần phải hiểu biết phương pháp giáo dục mới, tiên tiến kết hợp với những kinh nghiệm quý báu trong kho tàng giáo dục của dân tộc.
Trong đó, cha mẹ không chỉ là người giáo dục, răn đe bằng các hình thức nghiêm khắc mà còn phải là người bạn của con để chia sẻ, tư vấn và động viên con cái. Từ đó, con cái sẽ không rơi vào tình trạng cô đơn, lạc lõng trong hành trình trưởng thành của mình. Đồng thời, kiểm tra các hoạt động hằng ngày của các em để kịp thời uốn nắn, sửa chữa các lệch lạc, không để các em trượt vào con đường tiêu cực là việc làm cần thiết.
Bố mẹ phải làm gương tốt trong lối sống, cách ứng xử, tránh để xảy ra xung đột trước mặt trẻ con. Nếu gia đình hoà thuận sẽ tạo cho con cái ổn định về mặt tâm lý, hình thành nhân cách tốt cho con. Không những thế, các bậc phụ huynh phải có những giải pháp đúng đắn để định hướng cho đứa trẻ ngay từ khi còn ở tuổi chưa đi học. Tức là, giáo dục cho đứa trẻ biết quan điểm của cha mẹ về cái gì ''tốt'' cái gì ''xấu''.
Tăng cường sự tự tin, tính tự lập của đứa trẻ, không để cho chúng có cảm giác bị lệ thuộc, mất tự do bằng cách hướng cho con cái tự chọn cho mình những cái mình thích (tất nhiên vẫn trong khuôn khổ - tự do trong khuôn khổ, điều này sẽ làm cho việc chối từ ma tuý trở nên dễ dàng hơn trong tương lai). Khi đến tuổi đến trường, bố mẹ hãy quan tâm chăm sóc đến khẩu vị, cách ăn uống của con cái, hạn chế sự ăn uống bừa bãi của trẻ.
Hãy tận dụng mọi cơ hội để chỉ ra cho chúng biết những tác hại của ma tuý. Nhất là khi đứa trẻ bước sang tuổi dậy thì, bố mẹ nên quan tâm đến đời tư của con cái để hướng cho con cái cách định hướng đúng trong các mối quan hệ. Cần phải biết con mình quan hệ với ai, bạn bè tốt hay xấu.
Như vậy, sự chăm sóc chu đáo của gia đình đối với việc giáo dục con cái, việc tạo dựng môi trường gia đình trong sạch để thanh thiếu niên phát triển đầy đủ về nhân cách là trách nhiệm trước hết của các bậc cha mẹ. Có được những điều kiện này, trẻ em sẽ có môi trường sống đảm bảo, không vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội.