pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗi đau của người mẹ khi biết 2 con đều nghiện ma túy
Ảnh minh họa
Bàng hoàng, bất lực khi thấy con rơi vào "hố đen" ma túy
Tần tảo lo cho 2 đứa con được đến lớp như các bạn, cô V. (Trà Vinh) hy vọng tương lai của các con sẽ sáng lạng hơn nhưng Thảo và Hiếu chưa học hết cấp 2 thì bỏ học giữa chừng.
Tính khí của chị em Thảo - Hiếu khá lạnh lùng và gai góc, có lẽ phần nào đó ảnh hưởng từ cuộc hôn nhân đỗ vỡ của mẹ.
Cô V. vẫn thường dạy: "Con không có cha thì phải cố gắng gấp nhiều lần so với các bạn có đủ đầy cha mẹ dạy dỗ". Quá tin tưởng vào các con, cô ít quan tâm đến những góc khuất trong tâm lý của những đứa trẻ mới lớn, việc giao du bạn bè và đi lại của các con, cô V. không biết rõ hết. Rồi một ngày, người mẹ này "ngã ngửa" khi nhận hung tin về 2 đứa con.
Đó là vào một buổi trưa, khi cô đang ở nhà thì công an đến thông báo bắt quả tang Thảo và nhóm bạn sử dụng ma túy ở phường 8. Cô V. như người chết đứng vì không ngờ đứa con gái mới 17, 18 tuổi của cô lại dùng thứ đó.
Không những sử dụng ma túy, Thảo còn tham gia mua bán trái phép chất cấm này. Cái giá phải trả cho cô gái trẻ là 5 năm trong trại giam về tội danh trên.
Năm tháng trôi qua, cứ đôi ba tháng cô V. lại khăn gói lên xe đò đến trại giam K3 ở Bến Lức, tỉnh Long An, thăm con. Lo cho đứa con gái và sợ đứa con trai sẽ theo con đường của chị, cô V. ngày đêm để mắt đến Hiếu, căn dặn đủ điều.
Đến năm 2009, nhờ cải tạo tốt, Thảo được giảm án, trở về đoàn tụ với gia đình. Cô nghĩ Thảo đã trả giá cho hành động nông nổi của mình và cũng là bài học đắt giá cho cô trong cách giáo dục con. Cô V. gần gũi các con hơn. Cô mừng vì thấy Thảo có nhiều thay đổi sau khi trở về, ít đi chơi hơn và muốn học nghề để phụ giúp mẹ.
Cô chạy lo tiền học phí để Thảo được vào học nghề ở một tiệm tóc. Hằng ngày, thấy Thảo chăm chỉ đi học, cô V. như được an ủi và an tâm. Nào ngờ chỉ 2 năm sau đó, cuộc đời như thử thách sự chịu đựng của người phụ nữ này khi Thảo tái nghiện và Hiếu cũng bắt đầu sử dụng ma túy... Kể từ đó, người mẹ ấy bất lực trong sự trượt dài của 2 con.
Tan nát gia đình, khánh kiệt kinh tế
Nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh cứ đưa con đi cai nghiện xong lại tái nghiện, tốn bao tiền của và nước mắt nhưng không thể bỏ mặc con cái được vì như vậy là đưa con mình vào đường chết. Ngoài ra, ánh mắt kỳ thị, xa lánh của mọi người khiến họ trở nên tự ti, có người phải xin nghỉ việc khiến gánh nặng kinh tế ngày càng chật vật.
Không trừ một ai, tệ nạn ma túy như một cơn lốc cuốn qua, tàn phá mọi thứ xung quanh nó. Khi rơi vào con đường nghiện ngập, con nghiện bất chấp tất cả để có thuốc để hút, chích. Tài sản, đồ đạc trong gia đình dần "đội nón ra đi". Những đứa con nghiện chỉ ngồi nhà, rình cha mẹ sắm sửa được đồ đạc gì là mang bán. Khi không còn tài sản gì có giá trị trong nhà, các đối tượng nghiện nghĩ ra trăm cách kiếm tiền để mua ma túy sử dụng rồi dẫn đến tệ nạn trộm, cướp.
Đối với những gia đình giàu có, quyền chức, cái "danh" cao giá lắm. Họ không muốn người đời biết chuyện xấu của con cái, không muốn cơ quan xì xào "dao sắc không gọt được chuôi". Dù biết rằng, nếu cứ để con em mình vập vào nghiện như thế thì ngày càng nặng và nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, họ chỉ biết chọn cách gửi con đi thật xa (thậm chí ra nước ngoài cai nghiện), hoặc cứ âm thầm, dù vô cùng đau khổ khi hằng ngày, hằng giờ phải hiến tiền cho các cô nương, công tử hư hỏng của mình chơi ma tuý. Bởi nếu thiếu tiền, chúng lăn ra đấy, sùi bọt mép, ai cũng biết và tiếng dữ đồn xa thì hỏng hết danh dự gia đình.
Những ai trót nghiện ma tuý mà không quyết chí cai được thì đúng là cuộc đời sẽ tàn lụi. Tàn lụi về tài sản; tàn lụi về sức khỏe và tương lai sự nghiệp…Có thể nói, nỗi đau mang tên ma túy đã gây ra cho cha mẹ, vợ con…và gánh nặng để lại cho xã hội là vô cùng lớn.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước cùng với các bộ, ngành đã rất quyết liệt trong công tác tuyên truyền, ngăn ngừa, đấu tranh các loại tội phạm về ma túy, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy.
Ngày 30/3/2021, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy, đưa cuộc chiến chống ma túy lên một tầm mới.
Chính phủ hành động - Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc quyết liệt
Ngày 27/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2021 với những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy (PCMT).
Điểm mới trong chỉ đạo PCMT của Thủ tướng Chính phủ năm nay là đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa ma túy đối với tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên như: "Tổ chức các hoạt động tuyên truyền PCMT, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung PCMT vào chương trình và hoạt động của các cấp học".
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng kế hoạch "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021" vừa được ban hành với những quy định rất chi tiết, cụ thể, từ phân công nhiệm vụ, cách thức thực hiện, thời gian cụ thể. Kế hoạch này nếu được triển khai hiệu quả sẽ là những biện pháp cụ thể, hữu hiệu để bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy.