Vì sao nhóm trẻ gia đình tự phát “nở rộ” sau dịch?

19:57 | 19/11/2021;
Những bất lợi khi trẻ ở nhà quá lâu do dịch bệnh Covid-19 kéo dài; vì sao các nhóm trẻ gia đình tự phát (số lượng dưới 7 trẻ) “nở rộ” sau dịch; công tác vận động nguồn lực hỗ trợ, phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục… là các vấn đề đặt ra tại Hội thảo trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm vận động nguồn lực nhằm phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục và nhóm cha mẹ” diễn ra hôm nay, 19/11.

Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, các khu công nghiệp ở một số thành phố lớn xảy ra tình trạng thiếu công nhân. Một trong những nguyên nhân là trường lớp chưa mở cửa, công nhân không có chỗ gửi con. Nếu các công nhân quay lại nhà máy, xí nghiệp thì phải gửi con ở nhóm trẻ gia đình - đây cũng là yếu tố khiến các nhóm trẻ gia đình tự phát xuất hiện càng nhiều, với khoảng 2 - 4 trẻ/nhóm.

Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh và sự linh hoạt về thời gian đưa đón, số lượng trẻ, các nhóm trẻ gia đình có nhiều thuận lợi, giải quyết những nhu cầu trước mắt cho phụ huynh nên dễ phát triển. Nhưng các nhóm trẻ tự phát lại tiềm ẩn nhiều rủi ro không đảm bảo chất lượng, người giữ trẻ không qua đào tạo.

TS. Đỗ Thị Nga, Giảng viên Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho biết: "Các cơ sở có quy mô nhỏ, tự phát thì người giữ trẻ chưa có chuyên môn, nghiệp vụ, chỉ tổ chức giữ trẻ theo tính chất gia đình hoặc có chuyên môn nhưng chưa đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Nếu có cơ quan kiểm tra thì nhiều người biện hộ đây là con hoặc cháu nên giữ giúp".

Vì sao nhóm trẻ gia đình tự phát “nở rộ” sau dịch - Ảnh 1.

2 Phó Trưởng Ban Công tác phía Nam Hội LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (bên trái) và bà Đỗ Thụy Diệu Tâm điều hành Hội thảo tại đầu cầu TPHCM.

Vậy làm cách nào để các nhóm trẻ gia đình này đảm bảo các yêu cầu cơ bản và an toàn cho trẻ? Theo bà Lý Thị Kiệp, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long: "Một trong những giải pháp là đề xuất quy định xây dựng nhà trẻ trong các khu công nghiệp. Vận động các doanh nghiệp hỗ trợ thêm, giải quyết chỗ gửi trẻ cho con em công nhân của chính họ".

Bà Lê Thanh Vân, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long cũng cho biết: "Các xã rà soát, nắm chắc tình hình các nhóm, lớp tự phát để yêu cầu đăng ký hoạt động với UBND xã. Phối hợp với Phòng giáo dục địa phương tăng cường giám sát, hỗ trợ việc thực hiện các điều kiện hoạt động giáo dục của các nhóm trẻ. Đặc biệt, chú trọng bồi dưỡng đạo đức, trách nhiệm, phẩm chất nghề nghiệp cho đội ngũ các cơ sở này. Yêu cầu các chủ nhóm và giáo viên ký cam kết thực hiện chăm sóc giáo dục theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho trẻ, không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em".

Vì sao nhóm trẻ gia đình tự phát “nở rộ” sau dịch - Ảnh 2.

Mùa dịch nhiều phụ huynh lựa chọn gửi con về quê với ông bà hoặc gửi các nhóm trẻ gia đình.

Các đại biểu còn chia sẻ nhiều vấn đề quan trọng như: Chính sách hỗ trợ nữ công nhân nuôi con nhỏ dưới 36 tháng của Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long. Vai trò của Đoàn Thanh niên trong công tác giáo dục chăm sóc trẻ mầm non và hỗ trợ đối với các nhóm trẻ tư thục của Tỉnh Đoàn Vĩnh Long. Trao đổi một số giải pháp đối với công tác hỗ trợ cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non của TS Đỗ Thị Nga và ý kiến, đề xuất của một số đại diện nhóm trẻ tư thục…

Hội thảo do Ban Công tác phía Nam - Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long tổ chức đã tạo diễn đàn để các đại biểu trao đổi về công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; tình hình hoạt động của các nhóm trẻ tư thục; công tác vận động nguồn lực hỗ trợ, phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục, các nhóm cha mẹ có con dưới 36 tháng tuổi của các cấp Hội LHPN Vĩnh Long. Đây là hoạt động góp phần thực hiện thành công Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027".


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn