Vĩnh Phúc: Cần giải quyết thấu tình, đạt lý trong thu hồi đất ở phường Liên Bảo

06:30 | 20/07/2021;
Trong phạm vi đất bị thu hồi, bên cạnh một số diện tích đất thuộc diện phải thu hồi thì có diện tích đất được người dân khai hoang, sinh sống, xây nhà, lập nghiệp ổn định từ nhiều đời… Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của hàng trăm hộ dân ở đây là được giải quyết một cách thấu tình, đạt lý.

Bất ngờ những quyết định thu hồi đất

Những ngày qua, hàng trăm hộ dân tại phường Liên Bảo (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) như "ngồi trên đống lửa", lo lắng hoang mang vì rơi vào cảnh có thể bị thu hồi, mất nhà, mất đất.

Những căn nhà kiên cố xây dựng lâu năm cho đến những căn biệt thự đời mới, hiện đại vừa được xây dựng vài năm trở lại đây đều có thể chịu chung số phận. Sẽ bị thu hồi, tháo dỡ bởi nhà chức trách cho rằng, cần xử lý dứt điểm các vi phạm trong sử dụng đất đai trên đất thu hồi của Công ty TNHH Kim Long.

Bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1950) cho biết, vợ chồng bà từ quê lên Vĩnh Yên làm việc, sau khi bán nhà ở quê, bà gom góp được một ít tiền để về đây mua đất, xây nhà. Thời điểm bà mua, khu đất này còn hoang vu, người bán cho bà khai hoang từ những năm 1960.

Bà Nguyễn Thị Nhung chia sẻ với PV

Bà Nguyễn Thị Nhung chia sẻ với PV

Thời gian sinh sống, vợ chồng bà xây cất được căn nhà cấp 4, khi sinh con thì xây thêm căn nhà như bây giờ để các con cháu ở. Thời gian sau đó, bà Nhung có nhượng lại một phần diện tích đất cho người thân, thông gia và họ cũng đều xây dựng nhà ở.

Điều đáng nói, trong quá trình sinh sống, xây dựng nhà cửa hơn 20 năm trở lại đây, gia đình bà chưa khi nào thấy chính quyền, đơn vị nào đến bảo không được xây hay đây là đất vi phạm.

Đến tháng 5/2021, bà Nhung tá hỏa khi nhận được giấy mời của UBND phường Liên Bảo, mời bà lên để thông báo sẽ thu hồi diện tích đất của công ty Kim Long vì đã hết hạn sử dụng.

"Tôi mua đất của các cụ khai hoang ở đây, có giấy tờ mua bán, người bán cho tôi vẫn còn sống và sẵn sàng xác nhận việc đó, chứ không có biết công ty Kim Long là ai, có quan hệ như thế nào về mảnh đất của tôi", bà Nhung nói.

Những ngôi nhà kiên cố xây dựng từ hàng chục năm nay, bỗng nhiên nhận được quyết định cưỡng chế, thu hồi

Những ngôi nhà kiên cố xây dựng từ hàng chục năm nay, bỗng nhiên nhận được quyết định cưỡng chế, thu hồi

Theo người dân ở đây, trong khi người dân đang băn khoăn thì cuối tháng 5/2021, UBND phường lại lập 2 chốt đầu và cuối làng, trực 24/24 giờ, không cho ai ra vào. Đồng thời chính quyền địa phương ra thông báo trong 10 ngày người dân ở đây phải tự tháo dỡ, nếu không sau đó sẽ cưỡng chế.

Hàng trăm hộ dân ở đây càng lo lắng, bất an hơn khi đến ngày thứ 5, thì cắt điện toàn bộ khu vực này.

Không còn cách nào khác, các hộ dân ở đây đã làm đơn kêu cứu gửi lên các cấp chính quyền và Trung ương.

"Chúng tôi mong chính quyền tạo điều kiện giải quyết thấu tình đạt lý, xem xét việc hợp thức hóa để chúng tôi có chỗ ăn chỗ ở, lao động sản xuất. Nếu phải đóng góp như thế nào thì chúng tôi chấp hành. Bán đất từ quê lên, gom góp bao nhiêu năm mới xây cất được căn nhà. Nhà cửa kiên cố sống mấy chục năm nay mà nay hô đập, mai hô đập thì chúng tôi không còn tâm trạng nào nữa", bà Nhung chia sẻ.

Cũng giống bà Nhung, gia đình ông Dương Ngọc Khuyến (khu hành chính 16, phường Liên Bảo) lên tiếng: "Năm 2000, gia đình tôi mua 2.500 m2 đất vườn, vỡ hoang của bà Ngô Thị Bốn (khu làng Bầu, phường Liên Bảo). Sau đó, gia đình tôi xây nhà kiên cố để ở, không có tranh chấp với ai; được xác nhận của chính quyền địa phương nằm trong quy hoạch dân cư của thành phố, được cấp điện, nước sinh hoạt, được sử dụng các công trình phúc lợi tại khu dân cư…

Bỗng dưng, gia đình ông nhận thông báo, đất đang ở, sử dụng thuộc đất thu hồi có nguồn gốc Nhà nước giao cho Công ty TNHH Kim Long sử dụng và yêu cầu phải di dời, tháo dỡ nhà cửa, tài sản.

"Trước thông báo này, các thành viên trong gia đình tôi hoang mang, không còn tâm trạng đâu mà tập trung công việc làm ăn. Để "an cư lạc nghiệp", đảm bảo quyền lợi chính đáng, tôi đề nghị chính quyền các cấp cần làm rõ nguồn gốc đất của Công ty TNHH Kim Long, đất vỡ hoang của gia đình", ông Khuyến nói.

Cần một giải pháp thấu tình, đạt lý

Theo nhiều hộ dân, trong phạm vi đất bị thu hồi, có nhiều diện tích đất được người dân khai hoang, sinh sống, xây nhà, lập nghiệp ở nhiều đời…

Trong đơn thư, các hộ dân kiến nghị, tỉnh Vĩnh Phúc cần xác định rõ, minh bạch hồ sơ diện tích đất tỉnh đã thu hồi, giao cho Công ty TNHH Kim Long thực hiện trồng mía để thu hồi đúng pháp luật; công khai căn cứ pháp luật thể hiện diện tích đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất của công ty này được phê duyệt từ ban đầu.  Từ đó, xác định rõ, diện tích đất người dân đang sử dụng đâu là đất khai hoang; trường hợp nào có nguồn gốc đất của Công ty TNHH Kim Long và phương án hỗ trợ cụ thể khi bị thu hồi, cưỡng chế...

Chia sẻ với PV, một người dân (xin giấu tên) ở khu Núi Bầu (phường Liên Bảo) chia sẻ, mỗi căn nhà, lô đất tại khu vực Núi Bầu, Gò Dung mà chính quyền cho là các gia đình lấn chiếm trái phép đất của Công ty Kim Long đều có nguồn gốc khác nhau, phần là nhận chuyển nhượng từ Công ty Kim Long có hồ sơ nhận chuyển nhượng đã được UBND phường Liên Bảo chứng thực vào Hợp đồng và xác nhận đủ điều kiện cấp GCN QSD đất để gửi lên thị xã Vĩnh Yên làm các thủ tục tiếp theo; có những lô đất, căn nhà có nguồn gốc từ đất khai hoang tồn tại nhiều chục năm nay; cũng có những lô đất có được từ việc giao thầu của UBND phường Liên Bảo… chứ không phải đều là đất mua bán trái phép của công ty Kim Long, càng không phải lấn chiếm hoặc nhảy dù...

Vị này cho rằng, pháp luật về đất đai và chính sách quản lý đất đai của địa phương mỗi thời kỳ một khác, không thể lấy quy định của hiện tại để áp đặt cho những việc làm đã xẩy ra trong quá khứ.

Cụ Nguyễn Thị Bốn nói rằng, diện tích đất của cụ được vỡ hoang từ năm 1970, không liên quan đến đất công ty Kim Long nhưng vẫn bị thu hồi

Cụ Nguyễn Thị Bốn nói rằng, diện tích đất của cụ được vỡ hoang từ năm 1970, không liên quan đến đất công ty Kim Long nhưng vẫn bị thu hồi

Cụ Nguyễn Thị Bốn (85 tuổi) chia sẻ về nguồn gốc đất của một số hộ dân ở đây. Theo cụ Bốn, gia đình cụ vào vỡ hoang ở khu vực này từ năm 1970. Lúc bấy giờ chính quyền địa phương còn vào động viên bảo con cái đông, vỡ nhiều cho nó ở.

Số đất vỡ hoang được, gia đình cụ trồng trọt nông sản và một số ít sử dụng làm đất ở.

Cụ Nguyễn Thị Sen (85 tuổi) kể lại, khi bà vào vỡ hoang ở đây thì ai có sức bao nhiêu vỡ bấy nhiêu. Ngày đó chồng đi bộ đội, một mình cụ nuôi con, năm 1972 cụ vào khai hoang để lấy đất trồng khoai, trồng sắn. "Tôi vào giồng sắn ở đây từ năm 1972 đến nay, không ai cấm cản gì cả, chỉ sợ không đủ sức mà vỡ hoang", cụ Sen nhớ lại.

Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo UBND phường Liên Bảo cũng thừa nhận những vấn đề mà người dân đang kêu cứu, khiếu nại. Vị này cho biết thêm, hiện vụ việc đang được lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương vào cuộc làm rõ, để đảm bảo quyền lợi của người dân và sự nghiêm minh của pháp luật.

Trả lời câu hỏi về việc vì sao người dân sinh sống trên khu đất này hàng chục năm, xây dựng nhà kiên cố, biệt thự mà chính quyền không can thiệp, không ngăn cản (nếu như đất vi phạm)? Vị này cho rằng, cái đó do "lịch sử để lại".

Hiện người dân vẫn tiếp tục kêu cứu và mong muốn có một giải pháp thấu tình, đạt lý trên mảnh đất sinh sống hàng chục năm nay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn