Virus SARS-CoV-2 với 32 biến chủng tồn tại 216 ngày trong cơ thể nữ bệnh nhân HIV

21:19 | 05/06/2021;
Trong một nghiên cứu phản ứng miễn dịch của các bệnh nhân HIV đối với Covid-19, các nhà khoa học tình cờ phát hiện SARS-CoV-2 đã tồn tại trong cơ thể một nữ bệnh nhân trong 216 ngày. Trong khoảng thời gian này, virus đã phát triển thành 32 đột biến khác nhau.

Chứa biến thể Covid-19 trong thời gian dài vì cơ thể suy giảm miễn dịch do HIV

Một nữ bệnh nhân HIV, 36 tuổi, sống tại Nam Phi được phát hiện mang 32 biến chủng Covid-19 trong vòng 216 ngày khi tham gia nghiên cứu về phản ứng miễn dịch của bệnh nhân HIV đối với virus SARS-CoV-2. Người phụ nữ hiện đang ở giai đoạn nặng của HIV và đồng thời mang các biến chủng của virus gây Covid-19.

Báo cáo về trường hợp được đăng tải trên chuyên trang MedRxiv (Mỹ) vào ngày 3/6/2021 nhưng chưa được các nhà khoa học trong ngành xem xét. Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ liệu những biến thể trong cơ thể người phụ nữ này có lây nhiễm cho người khác hay không.

Các nhà khoa học đã phát hiện 13 protein đột biến giúp virus SARS-CoV-2 chống lại các phản ứng miễn dịch của cơ thể và 19 đột biến khác có thể thay đổi đặc tính của virus. Đáng quan ngại, một số đột biến này đã được tìm thấy trong các biến chủng Covid-19 nguy hiểm.

Nhà di truyền học Tulio de Oliveira đến từ Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi) cho biết, trong 32 loại đột biến này có biến thể E484K, một phần của biến chủng Alpha (B.1.1.7, phát hiện lần đầu tiên ở Anh) và biến thể N510Y, một phần của biến chủng Beta (B.1.351, phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi).

Tuy nhiên, tiến sĩ Juan Ambrosini, phó giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) cho biết, trường hợp của người phụ nữ Nam Phi này có thể là ngoại lệ chứ không phải là quy luật đối với tất cả các bệnh nhân HIV. Vì để tồn tại và đột biến trong thời gian dài, SARS-CoV-2 cần môi trường cơ thể bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. Trong trường hợp này, cơ thể người phụ nữ đã bị ức chế miễn dịch do HIV ở giai đoạn nặng.

Tiến sĩ Ambrosini cũng nhấn mạnh thêm, phát hiện này rất quan trọng và có ý nghĩa trong việc kiểm soát Covid-19 vì những bệnh nhân này có thể là nguồn lây và môi trường tiến hóa liên tục của virus.

60b9f97593c6fa00195e5197.jpg

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Nam Phi. Ảnh: Business Insider

Bệnh nhân suy giảm miễn dịch có thể mang virus Covid-19 lâu hơn người khác

Ức chế miễn dịch là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể bị giảm kích hoạt hoặc giảm hiệu quả trong hoạt động miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh.

Sau khi xuất viện điều trị Covid-19, bệnh nhân nữ đến từ Nam Phi này vẫn xuất hiện các triệu chứng nhẹ của virus và cơ thể vẫn mang mầm bệnh. Các nhà khoa học chỉ phát hiện trường hợp này khi người phụ nữ tham gia vào nghiên cứu với hơn 300 bệnh nhân HIV khác để xem xét phản ứng miễn dịch của họ với Covid-19.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng phát hiện 4 trường hợp khác đã mang virus SARS-CoV-2 trong hơn một tháng. Trước 5 trường hợp này, đã có 1 bệnh nhân mang biến chủng Covid-19 trong thời gian dài được các nhà khoa học công bố.

Theo tiến sĩ Ambrosini, một số bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm vì những lý do khác cũng được phát hiện mang virus gây Covid-19 trong thời gian dài. Ông chỉ ra, có một số bệnh nhân được ghép thận đã dương tính với Covid-19 trong gần một năm mới được phát hiện.

Phát hiện mới đóng vai trò quan trọng đối với châu Phi, nơi vốn ghi nhận 20,6 triệu người sống chung với HIV trong năm 2020. Cách đây hơn một tuần, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo số ca nhiễm tăng nhanh có thể trở thành làn sóng Covid-19 thứ 3 trên khắp châu Phi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn