pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vì sao Nam Phi tạm ngừng sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca-Oxford?
Nhân viên y tế tại tỉnh Điện Biên kiểm tra thân nhiệt người liên quan đến Covid-19 (nguồn:BYT)
Để phòng và điều trị Covid-19, thời gian qua một số nước đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19. Tuy nhiên, do loại virus này không ngừng biến đổi nên việc phòng và điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Mới đây nhất, Nam Phi đã quyết định tạm ngừng sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca-Oxford.
Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư (City of Hope, California, USA), Bộ trưởng Bộ Y tế của Nam Phi đã ra thông báo rằng họ sẽ ngừng sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca-Oxford. Điều này được thực hiện sau khi kết quả của một thí nghiệm lâm sàng cho thấy rằng vaccine này không có hiệu quả đối với việc ngăn chặn việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 chủng mới.
Theo đó, thử nghiệm này có khoảng 2.000 người tham gia, được chích hai liều vaccine hoặc giả dược. Trong nhóm được chích vaccine có 19 người bị nhiễm virus và trong nhóm giả dược có 20 người bị nhiễm. Sự khác biệt rất nhỏ này giữa các nhóm thí nghiệm cho thấy rằng vaccine không bảo vệ chống lại sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Những người tham gia thử nghiệm lâm sàng hầu hết còn trẻ (trung bình là 31 tuổi) nên hầu hết khi mắc bệnh Covid-9 không bị tiến triển nghiêm trọng. Do vậy, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được liệu vaccine có thể giúp làm giảm tình trạng bệnh nặng, nhập viện hay tử vong hay không.
Hiện tại, khoảng 1,5 triệu liều vaccine đã đến Nam Phi vào tuần trước, sẽ được lưu trữ cho đến khi các quan chức y tế phân tích thêm dữ liệu để quyết định sẽ sử dụng chúng hay không.
TS. Vũ cho biết, vaccine ngừa Covid-19 được phát triển bởi đại học Oxford và Công ty AstraZeneca là loại vaccine sử dụng một loại virus vô hại với người. Loại virus này tên là Adenovirus, có nguồn gốc từ tinh tinh (chimpanzee) để mang protein S của virus SARS-CoV-2 nhằm kích thích hệ miễn dịch của người, tạo phản ứng bảo vệ. Kết quả lâm sàng tổng hợp của vaccine này công bố hồi đầu tháng 12/2020 cho thấy, hiệu quả bảo vệ chung của vaccine là khoảng 70% và đã được chính phủ Anh cho phép đưa vào sử dụng khẩn cấp hồi cuối năm 2020.
Theo TS. Vũ, có lẽ do hiệu quả bảo vệ thấp hơn các vaccine khác và sự biến đổi đáng lo ngại của chủng đột biến ở Nam Phi (chủng B.1.351) đã làm cho vaccine này trở nên kém hiệu quả hơn. Đây là một bằng chứng cho thấy rằng, nguy cơ kháng vaccine của các chủng đột biến mới của SARS-CoV-2 là rõ ràng. Do vậy, động thái "nâng cấp", "thiết kế" lại vaccine để phù hợp với sự biến đổi của virus hiện nay là cần thiết và đang được bắt đầu bởi nhiều nhóm sản xuất vaccine trên thế giới.
Hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trên thế giới, đến sáng nay, 11/2/2021, đã có trên 108 triệu người mắc, với 2,36 triệu người tử vong. Còn tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận 2.109 ca nhiễm Covid-19, trong đó số ca mắc trong nước là 1.215. Chỉ tính riêng từ 27/1 đến nay đã có 522 ca trong nước mắc Covid-19.