Ngày 11/8, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, đơn vị vừa quyết định tăng cường 200 nhân viên y tế để triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Bình Dương.
Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương, những ngày gần đây số ca mắc Covid-19 mới trên địa bàn tăng cao, chỉ riêng ngày 10/8, toàn tỉnh có thêm 1.325 ca nhiễm Covid-19. Nhằm khống chế dịch, cùng với các phương án quyết liệt khác, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng.
Để sớm hoàn thành tiêm chủng, Bình Dương đã phối hợp với một số doanh nghiệp mời Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC tham gia. Vì thế, trong đợt 1 (các ngày từ 5/8 đến 7/8) VNVC đã đưa 300 nhân viên y tế về Bình Dương tiêm chủng, góp phần giúp tỉnh hoàn thành 50.000 mũi tiêm trước kế hoạch 1 ngày.
Theo kế hoạch, đợt tiêm ngừa Covid-19 tiếp theo sẽ phục vụ khoảng 50.000 công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp (KCN) lớn hàng đầu của tỉnh. Cụ thể là KCN Mỹ Phước (thị xã Bến Cát), KCN Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng), KCN Mapletree (thị xã Tân Uyên) thuộc Công ty đầu tư và phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp) và KCN Vsip1 (TP. Thuận An), đơn vị thuộc Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore.
Theo đó, 200 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên hỗ trợ từ các Trung tâm tiêm chủng VNVC tại các địa phương sẽ được chia thành 40 đội tiêm. Mỗi đội sẽ có 5 nhân sự, gồm bác sĩ thực hiện khám sàng lọc, điều dưỡng thực hiện tiêm vaccine, nhân viên thực hiện kiểm tra thông tin phiếu sàng lọc, hỗ trợ bác sĩ khám sàng lọc và theo dõi phản ứng sau tiêm chủng.
Trong đợt tiêm chủng lần này, VNVC bố trí nhân lực làm việc toàn thời gian trong suốt chiến dịch tiêm chủng, không giới hạn số người tiêm trong mỗi buổi tiêm. Thời gian tiêm có thể kéo dài sau 18h, tạo điều kiện tối đa cho công nhân, người lao động có cơ hội được tiêm vaccine sau giờ làm việc. Số lượng mũi vaccine cho một ngày của mỗi đội tiêm chủng có thể lên đến hơn 2.000 mũi tiêm nếu đảm bảo được giãn cách và các điều kiện liên quan. Tại tất cả các điểm tiêm, VNVC và Sở Y tế Bình Dương đều chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị xử trí phản vệ, bố trí lực lượng theo dõi, kịp thời xử trí tại chỗ phản ứng phản vệ sau tiêm chủng.
Về kế hoạch tổ chức, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng, phân bổ vaccine, đối tượng được tiêm, giám sát quá trình tiêm, giám sát năng lực chuyên môn và tiến độ. VNVC sẽ nhận vaccine mang về 2 kho lạnh đặt ở 2 Trung tâm Tiêm chủng VNVC tại Bình Dương và cấp phát mỗi ngày cho từng điểm tiêm.
Người đến tiêm chủng sẽ được bác sĩ khám sàng lọc, đủ điều kiện tiêm sẽ được tiêm chủng, ở lại 30 phút để theo dõi các phản ứng sau tiêm và hoàn thành các thủ tục mới được đóng dấu xác nhận hoàn tất tiêm chủng vaccine Covid-19. Người được tiêm cũng sẽ được hướng dẫn theo dõi sau tiêm tại nhà, có tổng đài của VNVC hỗ trợ khi cần tư vấn các thông tin liên quan đến vaccine và tiêm chủng.
Về chi phí tiêm chủng cho gần 50.000 người, VNVC nhận tài trợ từ Công ty đầu tư và phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp) và Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Vsip). Theo đó, Becamex IDC Corp tài trợ chi phí tiêm chủng cho 30.000 mũi, Vsip tài trợ chi phí tiêm chủng cho gần 20.000 mũi. Chi phí tiêm được tài trợ là 150.000 đồng/người được tiêm. Mức chi phí này đã bao gồm toàn bộ vật tư y tế, vật tư tiêu hao, công khám sàng lọc, công tiêm, theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm, dịch vụ hỗ trợ khách hàng, tài liệu hướng dẫn chăm sóc sau tiêm chủng.
Ông Bùi Kim Khánh, Giám đốc toàn quốc Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, cách làm chủ động này của tỉnh Bình Dương đã giúp tháo gỡ khó khăn của các bên. Bên địa phương có vaccine được cấp phát nhưng khó khăn về lực lượng triển khai tiêm chủng; bên doanh nghiệp có công nhân cần tiêm chủng và mong muốn hỗ trợ địa phương sớm đẩy lùi dịch bệnh; và bên đơn vị tiêm chủng có đầy đủ năng lực triển khai nhưng cần sự chia sẻ, hỗ trợ về trang thiết bị, vật tư y tế, vật tư tiêu hao và chi phí tối thiểu để duy trì hoạt động tiêm chủng.
Cũng theo ông Khánh, VNVC có gần 60 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, trong đó có 25 trung tâm ở miền Nam. Vì thế, VNVC dễ dàng điều động, tăng cường nhân sự cho các địa phương, đồng thời sẵn có quy trình an toàn tiêm chủng đảm bảo cho việc tiêm lưu động với số lượng lớn.
VNVC là đơn vị đầu tiên và duy nhất ký kết thành công và đưa về Việt Nam hợp đồng 30 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Tuy nhiên, VNVC đã chuyển giao toàn bộ số vaccine này cho Bộ Y tế và Chính phủ theo nguyên tắc phi lợi nhuận, phục vụ nhân dân chống dịch.
Mới đây, ngày 9/8/2021, gần 600.000 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca, vừa được VNVC đưa về Việt Nam và chuyển cho TPHCM. Tổng cộng, đến thời điểm hiện tại, VNVC đã mang về cho Việt Nam hơn 4,3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn