Một người phụ nữ Singapore, 29 tuổi (được giấu tên), đã lên kế hoạch phóng hỏa để sát hại tất cả các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, vì không muốn con trai phải chịu đau đớn, người này đã dùng cách tiêm insulin để cậu bé có thể "ra đi nhẹ nhàng hơn".
Theo thông tin từ phía cảnh sát, người phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và hội chứng Munchausen vì chịu thương tổn sâu sắc về mặt tinh thần. Những thương tổn này được gây ra do cô từng bị cưỡng hiếp bởi chính các anh trai ruột từ thời thơ ấu.
Munchausen là một dạng rối loạn tâm lý mà người mắc liên tục và cố tình hành động như mình bị bệnh về thể chất hoặc tinh thần mặc dù họ không thực sự bị bệnh. Đây được coi là một bệnh tâm thần vì có liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng về cảm xúc.
Báo cáo điều tra từ phía cảnh sát Singapore cho biết, người phụ nữ đã tiêm insulin cho con trai mình 13 lần trong suốt 7 tháng. Do những liều insulin này, cậu bé thường bị hạ đường huyết, đau đầu và co giật.
Insulin là một hormone rất quan trọng được sử dụng trong việc điều trị cho người bệnh mắc tiểu đường. Nếu lạm dụng hoặc tiêm insulin quá liều, hàm lượng đường trong máu có thể xuống mức khá thấp gây ra tình trạng mệt mỏi, ra mồ hôi nhiều, thậm chí khiến co giật hoặc mất nhận thức.
Sau khi các nhân viên y tế phát hiện điều bất thường do cậu bé phải nhập viện nhiều lần để điều trị, hành vi phạm tội của người phụ nữ bị phát giác.
Theo điều tra, người phụ nữ đã sống với cha mẹ và 3 anh em khác từ thời thơ ấu. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ 9 đến 12 tuổi, cô đã bị một trong số những người anh của mình cưỡng bức và tấn công tình dục.
Vào thời điểm đó, gia đình đã phát giác được hành vi cưỡng hiếp của người anh và quyết định chuyển người này đến sống tại một nhà khác. Tuy nhiên, cô không cảm thấy có thể tha thứ cho những hành vi đồi bại. Hơn nữa, mối quan hệ của cô và mẹ cũng xấu đi vì cô cho rằng người mẹ đứng về phía anh trai cô.
Đáng ngạc nhiên, người phụ nữ đã tố giác và xác nhận người cha cũng tham gia tấn công tình dục và cưỡng hiếp cô. Tuy nhiên, điều này không được đưa ra trong các cuộc điều tra.
Sau thời gian đó, người phụ nữ đã bỏ trốn và kết hôn. Cô có 2 người con gái và 1 người con trai. Vào năm 2017, cha ruột của cô qua đời, mẹ cô đã chuyển về sống chung với gia đình cô.
Vào tháng 9/2018, người anh trai năm xưa từng cưỡng hiếp cô đã kết hôn. Vài tháng sau đó, vợ của người này có thai và người phụ nữ cũng biết được chuyện. Theo phía điều tra, chính điều này đã làm cô nung nấu kế hoạch trả thù. Cô không thể chấp nhận được chuyện người từng cưỡng bức mình trong quá khứ giờ đây có thể có được cuộc sống hạnh phúc mà không phải trả bất cứ một cái giá nào.
Người phụ nữ đã lên kế hoạch giết chết mẹ ruột, anh trai và 3 đứa con của mình vào tháng 9/2019, khi vợ của anh trai sinh con. Cô dự định sẽ dùng xăng để thiêu sống mình và tất cả mọi người, chỉ trừ đứa con trai út.
Người phụ nữ tình cờ phát hiện ra nếu tiêm insulin liều lượng cao có thể khiến lượng đường trong máu của một người giảm xuống, dẫn đến tổn thương não, hôn mê hoặc tử vong. Cô quyết định sử dụng 2-3 bút tiêm insulin cùng một lúc và tiêm một liều lượng cao vào con trai mình.
Cậu bé bị tiêm lần đầu tiên vào tháng 1/2019, lúc 6 tuổi. Bị cáo tiếp tục làm điều này từ tháng 1 đến tháng 7/2019, tiêm 20-30 đơn vị insulin cho cậu bé trong 13 lần. Điều này dẫn đến cậu bé bắt đầu có những triệu chứng như đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, nhìn đôi, ù tai, nhạy cảm với ánh sáng và tê các ngón tay.
Kế hoạch chỉ bị phát giác khi cậu bé được nói chuyện với chuyên gia điều trị tâm lý trong một lần đến bệnh viện. Lúc này, các bác sĩ mới biết được nguyên nhân vì sao cậu phải nhập viện nhiều lần với cùng tình trạng hạ đường huyết. Sau khi đối chất với người mẹ, nhân viên bệnh viện xác nhận người này đã tiêm insulin cho con trai mình nên đã gọi điện báo cảnh sát.
Từ điều tra, phía cảnh sát cho biết cô được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng, PTSD và Munchausen vì từng bị tấn công tình dục nhiều lần bởi anh trai và cha ruột. Các chuyên gia cho rằng, người này tự tạo ra các vấn đề bệnh tật ở con trai mình để nhận được sụ quan tâm. Đó là dấu hiệu cơ bản của hội chứng Munchausen.
Các báo cáo đã kết luận, mặc dù chứng rối loạn đã góp phần đáng kể vào hành vi phạm tội nhưng cô không hề có dấu hiện tâm thần bất ổn vào thời điểm phạm tội. Bị cáo biết mình đang làm gì và hành động này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân.
Ngày 5/5/2021, người phụ nữ đã bị tuyên án phạt tù 5 năm. Đây là mức án sau khi đã cân nhắc các yếu tố bệnh lý về tâm thần và bào chữa từ phía luật sư. Thực tế, mức án có thể lên đến 20 năm tù giam.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn