Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, hiện đã có những nhóm đối tượng ở tuyến đầu chống dịch được tiêm vaccine Covid-19 miễn phí. Tuy nhiên số lượng chỉ chiếm một tỉ lệ khá nhỏ trong cộng đồng. Làm sao để có đủ vaccine cho người dân Việt Nam khi đại dịch toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp? Điều đó khiến các cơ quan liên quan nghĩ đến phương án xã hội hóa loại vaccine này.
Liên quan đến vấn đề này, từ góc nhìn của một dược sĩ đồng thời là một doanh nhân, chị Nguyễn Thị Hường (Giám đốc Công ty TNHH Vạn Xuân) đánh giá cao giá trị của vaccine trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Trong bối cảnh thế giới và đặc biệt là Việt Nam đang tập trung hết nhân lực, vật lực để phòng chống dịch, vaccine là một trong những biện pháp để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Thực tế cũng chứng minh, tỉ lệ rủi ro do tiêm vaccine rất nhỏ so với những tác dụng đạt được. Đó là mặt tích cực của vaccine phòng chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, chị Hường bày tỏ quan điểm cá nhân: Lúc này chưa phải là thời điểm lý tưởng để xã hội hóa nguồn nhập vaccine.
Chị Hường giải thích: Nhìn từ góc độ y học, cơ quan nhà nước quản lý về chất lượng sẽ đảm bảo hơn các cá nhân, doanh nghiệp tự nhập. Hiện nay, tại Việt Nam, có rất nhiều doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, có thừa nguồn lực để nhập vaccine. Mua được vaccine không khó nhưng còn nhiều vấn đề cần quan tâm như thủ tục pháp lý, chất lượng vaccine.
Đối với các loại vaccine, quan trọng nhất là khâu bảo quản. Chất lượng, quy trình bảo quản vaccine từ môi trường lý tưởng là trong nhà máy ra đến sân bay, vận chuyển về nước và đến tay người sử dụng không phải là đơn giản. Liệu ở Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để đảm bảo được chất lượng vaccine?
Nếu tiêm rộng rãi các loại vaccine không đảm bảo chất lượng phòng dịch ra cộng đồng, sẽ có bộ phận người dân được tiêm thì có tâm lý chủ quan rằng bản thân mình đã được tiêm, có thể dẫn đến hậu quả xấu là nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch càng lớn. Lúc đó, người dân vừa phải mất một số tiền không nhỏ để tiêm phòng vừa phải gánh chịu hậu quả cũng không nhỏ.
Đồng thời, cũng phải cân nhắc, tính toán những điều kiện khác như cơ quan quản lý nhà nước nào có thể kiểm soát được việc doanh nghiệp cam kết đảm bảo chất lượng vaccine? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu có những biến cố, phát sinh xảy ra? Doanh nghiệp có đủ năng lực để chịu trách nhiệm về những vấn đề đó hay không? Đó là cả một chuỗi hệ lụy kèm theo.
"Đứng từ góc độ doanh nghiệp: nhìn thấy thị trường, cơ hội từ vaccine phòng Covid-19, tất sẽ có nhiều người muốn nhảy vào", chị Hường chia sẻ thêm, "Nhưng trong lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt, vaccine là một vấn đề rất nhạy cảm, liên quan đến sức khỏe hàng trăm triệu người dân, cần có thời gian tính toán, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thực hiện".
Vì vậy, dược sĩ, doanh nhân Nguyễn Thị Hường nhấn mạnh, đây chưa phải là thời điểm phù hợp để xã hội hóa vaccine Covid-19. Không nên thả lỏng để doanh nghiệp mua vaccine về bán cho dân. Chính phủ có thể tính toán một thời điểm khác để xã hội hóa tiêm vaccine và cần có khung pháp lý đối với xã hội hóa vaccine để xử lý trong những trường hợp phát sinh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn