Xe mua bán qua nhiều người nhưng không sang tên bị phạt thế nào từ ngày 15/8?

07:59 | 09/08/2023;
Xe mua bán, chuyển quyền sở hữu qua nhiều người sẽ không nhất thiết phải có giấy tờ của người bán cuối cùng và CSGT được xử phạt khi chủ xe không làm thủ tục sang tên ngay tại cơ quan đăng ký.

Bộ Công an mới ban hành Thông tư 24/2023/TT-BCA Quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 15/8 tới đây. Thông tư này có một số thay đổi và bãi bỏ quy định của các thông tư trước đó để cải thiện quy trình cấp, thu hồi đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Đáng chú ý, Thông tư này tiếp tục tạo điều kiện để các chủ xe mua bán qua nhiều lần, không còn giấy tờ chuyển quyền sở hữu của người bán cuối cùng cũng được sang tên, đổi chủ.

Cụ thể, chủ xe khi đến cơ quan đăng ký, cần khai vào Giấy khai đăng ký xe, trong đó ghi rõ quá trình mua bán và cam kết, chịu trách nhiệm về nguồn gốc hợp pháp của xe.

Nộp chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của chủ xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng (nếu có); nộp chứng từ lệ phí trước bạ; Chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe (có dán bản chà số máy, số khung xe và đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký xe trên bản chà số máy, số khung xe).

Cũng theo Thông tư này, trách nhiệm của cơ quan đăng ký xe có một số thay đổi như buộc phải ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục với chủ xe khi không làm thủ tục thu hồi và giải quyết đăng ký sang tên theo quy định.

Cụ thể khoản 4, Điều 31 quy định như sau:

Trường hợp tổ chức, cá nhân đang sử dụng xe có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của chủ xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xe hợp lệ, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi theo quy định và đăng ký sang tên xe.

Nếu đi xe không chính chủ có thể bị phạt tiền từ 400.000 đến 8 triệu đồng (Ảnh minh họa: Cục CSGT)

Nếu đi xe không chính chủ có thể bị phạt tiền từ 400.000 đến 8 triệu đồng (Ảnh: Cục CSGT)

Trường hợp tổ chức, cá nhân đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của chủ xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng: Cơ quan đăng ký xe cấp giấy hẹn có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên xe, cơ quan đăng ký xe phải gửi thông báo cho chủ xe và cơ quan đăng ký xe đã đăng ký cho xe đó; niêm yết công khai về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký của tổ chức, cá nhân tại trụ sở cơ quan đăng ký xe; tra cứu, xác minh tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe. Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi và giải quyết đăng ký sang tên xe theo quy định.

Như vậy, từ ngày 15/8, các chủ xe máy, ô tô không chính chủ, mua bán qua nhiều lần, khi làm thủ tục đăng ký sang tên sẽ bị cán bộ đăng ký xe lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo quy định trên.

Xử phạt người không sang tên xe khi mua bán thế nào?

Với những người không thực hiện thủ tục sang tên khi mua bán xe sẽ bị xử phạt theo quy định. Cụ thể:

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, nếu người mua xe không đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên xe sẽ bị phạt như sau:

- Đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức.

- Đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 02-04 triệu đồng với cá nhân, từ 04-08 triệu đồng với tổ chức.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn