Y bác sĩ căng mình trong Bệnh viện hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường

17:19 | 21/07/2021;
Ngay sau khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức) đã tiếp nhận ngay số lượng lớn bệnh nhân nặng, nguy kịch. Đội ngũ y bác sĩ phải làm việc liên tục ngày đêm, cường độ cao, áp lực lớn với hy vọng cứu sống bệnh nhân.

Luôn nỗ lực hết mình

Có mặt "chiến đấu" tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 được 1 tuần nay, bác sĩ Huỳnh Quang Đại, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khối lượng công việc hiện nay của các y bác sĩ ở bệnh viện rất lớn, áp lực không chỉ về mặt chuyên môn mà cả về số lượng bệnh nhân rất đông.

Theo bác sĩ Đại, so với cường độ công việc mà đội chi viện triển khai ở Quảng Nam, Đà Nẵng hay Bắc Giang trước đây thì lần này dữ dội và dồn dập hơn rất nhiều. "Đợt này bệnh nặng rất nhiều, chủng Delta khiến bệnh nhân diễn tiến suy hô hấp rất nhanh, ngay cả những người trẻ cũng diễn tiến rất nặng, có bệnh nhân mới 28 tuổi đã phải đặt ECMO", bác sĩ Đại chia sẻ.

Các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại đây đều dốc sức bất kể ngày đêm, một ngày làm việc thường từ sáng sớm đến 22-23h, có nhóm đi đặt ECMO tại bệnh viện ngoài đến 4-5h sáng mới về. Theo bác sĩ Đại, hiện tại các điều dưỡng làm việc 3 ca 4 kíp, bác sĩ cũng làm 3 ca 4 kíp hoặc 2 ca 5 kíp tùy cường độ công việc mỗi khoa.

Y bác sĩ căng mình trong Bệnh viện hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường - Ảnh 1.

Lắp đặt thiết bị y tế tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19

Tuy vất vả, áp lực là vậy nhưng tinh thần của mọi người đều quyết tâm, nỗ lực hết sức mình. "Dù nhiều khi ra khỏi ca, anh em gần như kiệt sức, vô cùng mệt nhưng hôm sau lại lao vào công việc tiếp", bác sĩ Đại chia sẻ.

Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết thêm, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 50 ca nguy kịch, áp lực rất lớn. Đợt này, tỉ lệ bệnh nặng lớn hơn nhiều, bệnh nhân trên 60 tuổi chiếm hơn 50%. Nhân sự cũng liên tục phải bổ sung, điều động theo số lượng bệnh nhân tăng nhanh.

Bản thân bác sĩ Linh phải liên tục di chuyển giữa các phòng bệnh, ra y lệnh. Có ca ông yêu cầu "dự trù sẵn máy thở bên cạnh, nếu tiến triển xấu đặt nội khí quản ngay", ca khác "cho ngưng thuốc an thần, giảm bớt giãn cơ, dùng nhiều dễ suy hô hấp"...

Đứng trước tình hình trên, các bác sĩ cũng phải làm những công việc của điều dưỡng và các điều dưỡng cũng phải làm thêm công việc của hộ lý. Không còn phân biệt nhiệm vụ nào là của ai mà luôn làm việc trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau hết sức tối đa.

Chiến lược "đánh chặn từ xa"

BS.CKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19 cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng các tầng để tăng lên 460 giường, tuần tiếp theo sẽ mở rộng lên 700 giường và cuối tháng này lên 1.000 giường.

Khi bệnh viện hoạt động hết công suất cần tổng cộng 340 bác sĩ và 1.200 điều dưỡng, được huy động từ các bệnh viện chính là Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Ung bướu TP HCM và nhân sự từ các địa phương theo sự điều động của Bộ Y tế.

Theo bác sĩ Thức, bên cạnh những thuận lợi thì hiện nay cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, mọi người đều đồng tâm đồng lòng vượt qua. Đội ngũ y bác sĩ từ các địa phương khác về  đều trên dưới một lòng, tất cả vì sức khỏe của nhân dân thành phố. "Khi vào bệnh viện, tất cả mọi người đều quán triệt, làm việc không kể ngày giờ, quyền lợi. Về mặt quản lý, điều hành đều thuận lợi, công việc chuyên môn trôi chảy", bác sĩ Thức chia sẻ.

Y bác sĩ căng mình trong Bệnh viện hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường - Ảnh 2.

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng

Cũng theo BS.CKII Nguyễn Tri Thức, một trong những chiến lược hiện nay đang được bệnh viện triển khai là "đánh chặn từ xa, phát hiện sớm bệnh nhân chuyển nặng". Đây là một chiến lược chủ động, giúp ngăn chặn, hạn chế tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, để từ đó từ đó chăm sóc, bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe và sự an toàn của người bệnh; đồng thời giúp giảm tải áp lực điều trị, tối ưu hóa nguồn nhân lực, vật lực, trang thiết bị để tập trung cho các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch giúp làm tăng thêm khả năng cứu sống bệnh nhân.

Theo chiến lược này, 4 bác sĩ chuyên khoa hồi sức từ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ trực tiếp "cắm chốt" tại 4 bệnh viện ở tầng thứ 2 bao gồm Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Củ Chi, Bệnh viện Bình Chánh và Bệnh viện Cần Giờ để cùng các bệnh viện này theo dõi, đánh giá tình trạng, mức độ nặng của các bệnh nhân, nếu bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng sẽ nhanh chóng được hội chẩn trực tuyến, đánh giá và lập tức chuyển đến "tầng" điều trị phù hợp.

Với sự phối hợp của các nhân sự tại các bệnh viện cấp độ 2, hệ thống hội chẩn trực tuyến cùng hệ thống đường dây nóng được thiết lập tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 được phụ trách bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm về hồi sức như BS.CKII Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy), TS.BS Nguyễn Hoàng Hải (Bệnh viện Nhân dân Gia Định), TS.BS Đỗ Quốc Huy (Bệnh viện Nhân dân 115). Bất cứ khi nào bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng, các chuyên gia sẽ tiến hành hội chẩn trực tuyến.

"Việc chuyển viện sớm sẽ giúp an toàn cho người bệnh trong quá trình vận chuyển. Các bác sĩ sẽ đánh giá và can thiệp sớm. Để làm được điều này thì đòi hỏi sự cố gắng của bác sĩ rất nhiều. Các y bác sĩ xác định bản thân khổ cỡ nào cũng được, miễn sao bệnh nhân khỏe", TS.BS Nguyễn Tri Thức chia sẻ.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn