Quặn lòng trước nỗi đau "lạc con" của những bà mẹ đường phố Kenya
Trong suốt nhiều năm qua, trẻ sơ sinh ở Kenya, đặc biệt những đứa trẻ sống lang thang cùng mẹ trên đường phố bị bắt cóc để cung cấp cho một thị trường chợ đen trẻ em ngầm. Theo thông tin từ Africa Eye (một kênh phim tài liệu của BBC), các đường dây buôn bán trẻ em với giá ít nhất là 300 bảng Anh (khoảng 9.300.000 đồng).
Rebecca để lạc mất con trai vào năm 2011 khi cậu bé vừa tròn 1 tuổi. Cô không biết hiện giờ con đang ở đâu, có thể ở Nairobi hay ở một nơi xa xôi nào đó, cũng có thể không còn trên cõi đời này nữa. Lần cuối cùng cô gặp mặt con trai đầu lòng, Lawrence Josiah là vào năm 2011, khi ấy cô 16 tuổi.
Năm 2010, khi Rebecca 15 tuổi, mẹ cô không có khả năng chu cấp tiền cũng như đóng học phí được, Rebecca đành bỏ học và sống lang thang trên đường phố. Cô gặp một người đàn ông lớn tuổi, hứa hẹn sẽ kết hôn với cô nhưng lại khiến cô có thai rồi bỏ đi.
Một năm sau, Rebecca sinh ra cậu con trai Lawrence Josiah. Nuôi nấng con trai trong hơn một năm thì vào một đêm tháng 3 năm 2011, Rebecca chợt ngủ quên. Khi tỉnh dậy, không thấy con đâu, cô biết có điều chẳng lành. Rebecca ngửi thấy mùi nhiên liệu và quyết định đi theo dấu vết này để tìm lại con trai.
"Mặc dù còn có những đứa con khác, nhưng Josiah là con đầu lòng của tôi. Cậu nhóc cho tôi có cảm giác trở thành một người mẹ", Rebecca cố nén nước mắt nói. Cô tiếp lời: "Tôi đã tìm kiếm ở mọi trung tâm dành cho trẻ em, ở Kiambu, Kayole, nhưng không tìm thấy con mình".
Hiện Rebecca vẫn sống tại con đường cũ ở Nairobi, cô có thêm 3 đứa con gái 8, 6 và 4 tuổi. Cô con gái nhỏ nhất cũng suýt bị một người đàn ông hay đi quẩn quanh trong khu vực gần đó bắt cóc.
"Tôi chưa bao giờ được yên giấc kể từ khi mất con. Tôi đã tìm con ở tận Mombasa."
Esther chia sẻ.
"Tôi thương con rất nhiều. Tôi sẽ bỏ qua mọi chuyện nếu những kẻ bắt cóc trả lại con cho tôi."
Carol nghẹn ngào nói.
Không khó để bắt gặp câu chuyện tương tự của những cư dân Nairobi không nhà xung quanh các con phố nơi Rebecca sống. Esther, một bà mẹ khác cũng có con trai 3 tuổi mất tích vào tháng 8 năm 2018. Ngoài ra, Craol, một bà mẹ cũng gặp trường hợp tương tự. Tính đến nay, đã 5 năm trôi qua kể từ khi đứa con trai hai tuổi của Carol bị bắt cóc vào lúc nửa đêm.
Theo tìm hiểu, trẻ em ở Nairobi bị bắt cóc để cung cấp cho thị trường chợ đen đang phát triển mạnh. Qua quá trình điều tra kéo dài hàng năm trời, Africa Eye đã tìm ra bằng chứng về việc những đứa con của các bà mẹ vô gia cư bị bắt cóc, sau đó được bán với tiền lời khủng.
Trong quá trình điều tra, Africa Eye cũng phát hiện ra nạn buôn bán trẻ em bất hợp pháp tại các phòng khám đường phố và trẻ sơ sinh bị đánh cắp để phục vụ việc buôn bán tại một bệnh viện lớn do chính phủ điều hành.
Những người trộm trẻ sơ sinh thường là những kẻ cơ hội đến những tên tội phạm có tổ chức, hoặc thường là cả hai phần tử này phối hợp cùng nhau. Trong số những kẻ cơ hội có những phụ nữ như Anita, một người nghiện rượu và sử dụng ma túy, bản thân sống ngoài đường, kiếm tiền bằng việc bắt cóc trẻ em dưới 3 tuổi. Emma, một người bạn của Anita cho biết, Anita có nhiều cách khác nhau để dụ dỗ và bắt cóc trẻ em trên đường phố.
"Đôi khi Anita sẽ nói chuyện với các bà mẹ trước để thử xem họ có biết cô ta định làm gì không. Đôi khi Anita sẽ đánh thuốc mê người mẹ, hay cho họ uống thuốc ngủ, hoặc sẽ tiếp cận để chơi và làm quen với những đứa trẻ. Anita có rất nhiều cách để bắt cóc trẻ con", Emm cho biết.
Đóng giả là người mua trẻ sơ sinh, phóng viên tiếp cận Anita. Anita nói rằng cô ấy phải bắt cóc trẻ em vì bị áp lực từ người chủ. Anita mô tả một vụ bắt cóc gần đây: "Người mẹ khá lạ lẫm với đường phố, trông có vẻ bối rối và không cảnh giác với những chuyện đang diễn ra. Tôi đến tiếp cận, và cô ấy đã tin tưởng giao con cho tôi. Bây giờ tôi đã có đứa trẻ".
Theo điều tra khi đóng giả người mua trẻ của Africa Eye, Anita cho biết chủ của cô là một nữ doanh nhân địa phương, người mua những đứa trẻ bị bắt cóc như trên và bán chúng kiếm lời. Một số khách hàng là phụ nữ hiếm muộn, vì vậy họ mua những đứa trẻ này làm con nuôi. Nhưng cũng có người mua chúng để làm vật hiến tế, sau đó bặt vô âm tính.
Trong thực tế, khi bán một đứa trẻ, Anita biết rất ít về số phận của chúng. Một bé gái được Anita bán với giá 50.000 shilling (gần10.370.000 đồng), còn bé trai thì với giá 80.000 shilling (gần 16.600.000 đồng).
Không có số liệu thống kê đáng tin cậy về nạn buôn bán trẻ em ở Kenya, không có báo cáo của chính phủ, cũng không có cuộc điều tra quốc gia toàn diện nào. Các cơ quan chịu trách nhiệm tìm kiếm trẻ em mất tích và theo dõi thị trường buôn bán trẻ em ngầm đều thiếu nguồn nhân lực.
Một trong số ít các tổ chức giúp bảo vệ an toàn cho các bà mẹ có con là Missing Child Kenya, một tổ chức phi chính phủ do Maryana Munyendo thành lập và điều hành. Trong bốn năm hoạt động, tổ chức đã nghiên cứu khoảng 600 trường hợp trẻ em bị mất tích.
"Đây là một vấn đề rất lớn ở Kenya nhưng lại không được báo cáo đầy đủ. Với Missing Child Kenya, chúng tôi hầu như chỉ vừa mới chạm vào phần nổi của vấn đề", bà Munyendo nói. Bà cho biết vấn đề này "không được ưu tiên trong các kế hoạch ứng phó hành động vì phúc lợi xã hội".
Điều này có thể lý giải một phần là do nạn nhân có xu hướng là những phụ nữ dễ bị tổn thương, không có tiếng nói như Rebecca, những người không có nguồn lực hoặc lợi thế xã hội để thu hút sự chú ý của giới truyền thông hoặc thúc đẩy hành động từ chính quyền.
Munyendo nói: "Việc vấn đề không được báo cáo đầy đủ có mối tương quan chặt chẽ với tình trạng kinh tế của các nạn nhân. Họ thiếu nguồn lực, mạng lưới và thông tin để thực hiện việc tìm con".
"Phụ nữ sẽ phải có một đứa con và phải là con trai. Nếu không thể, họ có thể bị đuổi khỏi nhà. Vậy họ phải làm gì? Đó chính là bắt cóc một đứa trẻ", Munyendo cho biết.
Động lực đằng sau thị trường ngầm buôn bán trẻ sơ sinh là sự kỳ thị văn hóa dai dẳng xung quanh vấn đề vô sinh. Munyendo nói: "Vô sinh không phải là điều tốt đối với hôn nhân của một người phụ nữ ở châu Phi".
Một người phụ nữ trong hoàn cảnh đó rất có thể sẽ liên lạc với một kẻ buôn người như người chủ của Anita, kẻ lợi dụng những người dễ bị tổn thương như Anita để bắt cóc trẻ em đường phố. Hoặc họ có thể liên hệ một người nào đó để tiếp cận các trẻ em bị bỏ rơi trong bệnh viện.
Theo nghiên cứu của Africa Eye, các đường dây buôn bán trẻ em đang hoạt động trong một số bệnh viện do chính phủ điều hành ở Nairobi. Thông qua một nguồn tin, Africa Eye đã tiếp cận Fred Leparan, một nhân viên xã hội lâm sàng tại bệnh viện Mama Lucy Kibaki. Nhiệm vụ của Leparan là bảo đảm an toàn cho những đứa trẻ được sinh ra tại Mama Lucy. Nhưng nguồn tin cho biết Leparan đã trực tiếp tham gia vào việc buôn người.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi đáng lẽ nên được đưa đến nhà trẻ của chính phủ, hoặc được cha mẹ nuôi, những người đã được kiểm tra lý lịch nhận nuôi. Khi bị bán bất hợp pháp bởi những người như Fred Leparan, không ai thực sự biết những đứa trẻ này sẽ đi về đâu.
Trong một vụ lén bán trẻ em ra ngoài, Leparan điền vào các thủ tục giấy tờ cần thiết và trò chuyện với các nhân viên y tế tại bệnh viện, những người không hề biết rằng một trong số những đứa trẻ sẽ bị bán ra ngoài. Leparan còn đảm bảo với người mua trẻ rằng y tá sẽ không theo dõi họ.
Rải rác quanh một số khu ổ chuột của thành phố, người ta có thể bắt gặp nhiều phòng khám thai bất hợp pháp cho các sản phụ. Những phòng khám tạm bợ này là nơi phục vụ cho việc buôn bán trẻ sơ sinh ở Nairobi.
Phối hợp với Judith Kanaitha, một nhà báo làm việc tại Đài phát thanh Ghetto, Africa Eye đã tiếp cận một phòng khám ở khu phố Kayole ở Nairobi, nơi có hàng ngàn cư dân nghèo nhất thành phố. Theo Kanaitha, việc buôn bán trẻ sơ sinh đang bùng nổ ở Kayole.
Phòng khám này được điều hành bởi một người phụ nữ tên là Mary Auma, người này cho biết cô từng làm y tá tại một số bệnh viện lớn ở Nairobi.
Bên trong phòng khám, một thai phụ tên Adama đang trao đổi việc bán đứa con trong bụng. Giống như Rebecca, Adama đã bị bạn trai bỏ rơi khi cô mang thai. Do mang thai, cô không thể làm việc ở công trường xây dựng để kiếm tiền và vác những bao xi măng nặng. Chủ nhà đã cho cô thiếu tiền nhà 3 tháng, sau đó đuổi cô đi.
Vì vậy, Adama quyết định bán đứa con của mình. Mary Auma nói với Adama rằng thỏa thuận bán con chỉ có giá 10.000 shilling (khoảng 2.000.000 đồng)
"Phòng khám thai rất bẩn, ở đó sử dụng một thùng nhỏ để đựng máu, không có chậu và giường cũng không sạch sẽ", Adama nói trong một cuộc phỏng vấn. "Nhưng tôi đã tuyệt vọng và không có sự lựa chọn nào khác, nên đành bán con".
Nhưng cuộc sinh nở không suôn sẻ. Cậu bé có vấn đề về ngực và phải đưa cậu đến bệnh viện Mama Lucy để điều trị. Sau hai tuần, Adama được xuất viện cùng con. Adama từng có ý định bán con, nhưng hiện tại cô đã suy nghĩ lại. "Tôi không muốn bán con mình cho một người không thể chăm sóc nó, hoặc một người mua trẻ con để sử dụng vào việc khác", Adama nói.
Vì vậy, Adama rời phòng khám và mang theo con trai mình. Thay vào vì bán con, cô đã để cậu bé tại một bệnh viện nhi do chính phủ điều hành, nơi cậu bé sẽ được cha mẹ nuôi nhận. Bằng cách này, Adama hy vọng con mình sẽ có một cuộc sống tốt hơn.
Hiện giờ Adama sống một mình, ở một nơi xa Nairobi. Đôi khi cô mơ về con trai mình và thức dậy khi trong đầu tràn ngập suy nghĩ về cậu bé. Nếu không thể ngủ lại được, Adama sẽ tiếp tục bước đi trong bóng tối cho đến lúc trời sáng. Nhưng cô không hối hận về sự lựa chọn của mình. "Tôi cảm thấy bình yên khi giao con tôi cho chính phủ bởi vì tôi biết con tôi sẽ được an toàn", cô nói.
"Tất cả chúng tôi đều muốn là mẹ của những đứa con mình. Đó không phải là lỗi của chúng tôi, mà là do chúng tôi sống sống trên đường phố" - lời bộc bạch của Rebecca.
Đối với những bà mẹ có con bị bắt cóc, sẽ không bao giờ thực sự có cách giải quyết. Hầu hết đều nuôi hy vọng được gặp lại con, mặc dù biết rằng điều đó rất khó xảy ra. Rebecca cho biết cô có thể đổi mọi thứ để lại gặp con trai mình. "Và nếu con tôi đã chết, tôi cũng muốn được biết", Rebecca bộc bạch.
Năm ngoái, Rebecca nghe nói rằng có người nhìn thấy một cậu bé ở một khu phố khác của Nairobi trông giống hệt con gái lớn của cô, em gái của Lawrence Josiah. Rebecca biết rằng thông tin này không mấy khả quan, và cô cũng không có cách nào để đi đến nơi đó cũng như không biết phải tìm cậu bé ấy như thế nào. Cô đã đi đến tận đồn cảnh sát địa phương, nhưng không thể nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào, và cuối cùng đành phải bỏ cuộc.
"Không nên cho rằng những người lang thang, sống trên đường phố thì không có tình cảm, hay họ không xứng đáng với sự công bằng. Họ cũng có cảm xúc. Một người mẹ sống lang thang trên đường phố cũng biết nhớ con như cảm giác của những bà mẹ khác phải xa con."
Maryana Munyendo, người thành lập và điều hành tổ chức Missing Child Kenya
Maryana Munyendo, người thành lập và điều hành tổ chức Missing Child Kenya nói: "Có một phần triệu cơ hội mà những phụ nữ này sẽ gặp lại con mình. Nhiều người trong số các bà mẹ sống lang thang đường phố cũng từng là trẻ em, và họ đã bị lợi dụng". Bà Munyendo cũng cho biết những người sống lang thang trên đường như Rebecca thường không nhận được sự thông cảm của mọi người.
Kim Ngọc (theo BBC)