Số phận người mẹ đằng sau bức chân dung buồn của đứa con tật nguyền

Câu chuyện cảm động đằng sau bức chân dung buồn về mẹ của người con tật nguyền

Bức chân dung về mẹ được cháu Long khởi bút trong khoảng thời gian 2-3 tuần của cuối năm 2019. Trong bức vẽ, mẹ cháu có mái tóc dài đen nhánh che khuất mắt bên trái, quàng trên cổ một chiếc khăn với khuôn mặt nghiêng, hơi cúi đầu.

Như lời hẹn từ trước, tôi đến gặp chị Hiếu từ rất sớm để tìm hiểu về bức tranh cháu Nam Long đã vẽ về mẹ, bức chân dung buồn mang số phận của một người vợ mất chồng, của một người mẹ đã vượt biết bao khó nhọc để nuôi hai con trên đất Hà Nội, trong đó con trai là trẻ khuyết tật câm điếc và bị liệt cơ chân bẩm sinh.

Số phận của mẹ đằng sau bức chân dung buồn của con

Điểm đặc biệt của bức tranh này là đôi mắt của mẹ Long, một đôi mắt sâu và buồn, ẩn chứa cả số phận của một người phụ nữ có chồng mất sớm, một mình trụ lại trên Hà Nội, làm biết bao nhiêu nghề, trong đó có nghề giúp việc để nuôi nấng 2 con ăn học.

Chia sẻ về câu chuyện của mình, chị Hiếu trải lòng, vợ chồng chị phát hiện cháu có khuyết tật câm điếc từ khi cháu hơn 1 tuổi. "Lúc phát hiện, mọi khoảng trời trong tôi đều sụp đổ, vì tôi biết rằng sự trớ trêu này sẽ theo cháu đến cuối cuộc đời, nhưng lúc ấy bản năng của mẹ đã kéo tôi trở về hiện thực, tôi dần vực lại tinh thần để đồng hành cùng cháu đi tiếp cuộc đời này.", chị Hiếu xúc động nói.

Số phận người mẹ đằng sau bức chân dung buồn của đứa con tật nguyền - Ảnh 1.

"Lúc phát hiện cháu bị câm điếc, mọi khoảng trời trong tôi đều sụp đổ"

Hoàn cảnh của vợ chồng chị Hiếu khi ấy cũng rất khó khăn, vì cả hai anh chị đều từ những tỉnh thành khác đến Hà Nội để mưu sinh (chị Hiếu quê ở Hải Dương, còn chồng thì quê ở Vĩnh Phúc). Dẫu vậy, vì muốn cho Long có cuộc sống tốt hơn, anh chị đã quyết định trụ lại ở Hà Nội mà không về quê, vì nếu ở lại Hà Nội thì con chị sẽ có điều kiện để học tập, trong khi ở quê của anh chị không có trường dành cho trẻ khuyết tật mà chỉ có trung tâm bảo trợ xã hội.

Số phận người mẹ đằng sau bức chân dung buồn của đứa con tật nguyền - Ảnh 2.

Chị Hiếu và Long - hồi con con nhỏ

Số phận vẫn chưa thôi dừng nghiệt ngã ở đó, năm 2007, các bác sỹ chuẩn đoán Long có thêm chứng tăng động thể nặng. Lúc này, dẫu chị Hiếu đang làm công việc giữ kho và quản lý thu mua cho một nhà hàng với nguồn thu nhập tốt nhưng vẫn quyết định xin nghỉ việc, chuyển sang làm nghề giúp việc để có thời gian chăm sóc và đưa đón con đi học nhiều hơn.

Long học ở các trường giáo dục đặc biệt, các thầy cô phát hiện ra Long có một đặc điểm rất khác các bạn cùng lớp là rất thích vẽ, khi có cây bút trên tay Long dường như quên đi tất cả mà chỉ chăm chú vào những hình khối đang dần phác họa trên quyển vở ô ly.

Nhận thấy điều này, bên cạnh việc học ở trường, năm Long lên 11 tuổi, chị Hiếu có đưa con đi học vẽ bài bản ở một trung tâm. Tuy nhiên, khi Long vừa học được 1 buổi, việc học phải dừng lại, vì bố Long không may bị tai nạn giao thông rồi mất, khi ấy vợ chồng chị Hiếu đã có cháu thứ hai (2 tuổi).

Số phận người mẹ đằng sau bức chân dung buồn của đứa con tật nguyền - Ảnh 3.

Và lại một lần nữa, số phận lại đem đến cho chị Hiếu những tai ương nặng nề, khi người chồng là trụ cột gia đình mất, chị trở thành người cha vừa lo tiền trọ, tiền học của các con và tiền chữa bệnh cho Long. Dẫu vậy, chị Hiếu vẫn quyết định bám trụ lại ở Hà Nội, vì chị biết ở đây mặc dù vất vả nhưng con chị sẽ có tương lai, thời điểm này hoàn cảnh của gia đình hai bên nội ngoại cũng khó khăn nên cũng không giúp được ba mẹ con chị gì nhiều.

Để tiếp tục việc học vẽ của Long, chị Hiếu thường tìm những chỗ học vẽ có giá thấp hoặc những nơi được giao lưu vẽ miễn phí để đưa con đến học. Long có sở trường về phong cảnh, chủ yếu vẽ bằng màu acrylic trên chất liệu vải toan.

Một số bức tranh vẽ của Nam Long

Long hiện đang học lớp 6 tại trường dành cho trẻ đặc biệt (Cao đẳng Sư phạm Trung ương), do bị khuyết tật về chân (liệt cơ chân, thiếu hụt xương bẩm sinh ở bàn chân) nên khiến việc đi lại của Long khó khăn và không thể tự mình đi học được. Cho nên, chị Hiếu phải thường ngày đưa đón con đi học mỗi ngày, rồi lại đưa đón bé thứ hai hiện đang học lớp 3 ở một trường học gần nhà, và rồi mới tranh thủ thời gian có thể đi làm, với tổng quãng đường chị di chuyển mỗi ngày lên tới 70km.

"Khi nào Long lớn lên, con sẽ bán tranh để mua nhà cho mẹ"

Trở lại về bức chân dung trên, bức tranh mô phỏng theo hình ảnh Long chụp mẹ bằng điện thoại vào một buổi tối mùa đông khi mẹ vừa đi làm về. Việc chụp này, giúp Long có tư liệu để vẽ về mẹ, vì một bức tranh này không phải trong vẽ 2-3 giờ để mẹ có thể đứng làm mẫu cho Long vẽ, mà đối với Long phải mất nhiều tuần, bởi Long cũng còn phải làm bài tập ở trường, chỉ khi nào rảnh mẹ mới cho phép Long vẽ.

Số phận người mẹ đằng sau bức chân dung buồn của đứa con tật nguyền - Ảnh 5.

Bức tranh chân dung Long vẽ về mẹ vào cuối năm 2019

Chia sẻ cảm xúc của mình về bức tranh này, chị Hiếu cho biết, "Khi Long vẽ xong, Long có diễn đạt bằng ngôn ngữ cứ ký hiệu rằng, 'Long tặng mẹ'. Nghe con diễn đạt như vậy, nước mắt tôi tự dưng cứ chảy tràn ra, tôi nhìn con, rồi hai mẹ con cùng ôm nhau khóc. Dẫu rằng, đây không phải là bức tranh đẹp nhất của con, nhưng đây là bức tranh duy nhất cho đến bây giờ con vẽ về mẹ".

Số phận người mẹ đằng sau bức chân dung buồn của đứa con tật nguyền - Ảnh 6.

Sau giây phút xúc động ấy, chị Hiếu mới bình tĩnh hỏi lại Long, "Tại sao con lại vẽ đôi mắt mẹ buồn thế?". Nghe khẩu hình miệng mẹ như vậy, Long hiểu và trả lời, những lời nói tuy không rõ nghĩa nhưng đại thể là, "Vì mẹ vất vả nuôi Long nên đôi mắt của mẹ mới buồn như vậy. Nhưng mẹ ơi, về sau Long lớn lên, Long sẽ bán tranh để mua nhà cho mẹ!".


Số phận người mẹ đằng sau bức chân dung buồn của đứa con tật nguyền - Ảnh 7.

Long nói mua nhà cho mẹ là bởi trước đó Long từng hỏi mẹ, "Mẹ ơi, tại sao gia đình mình không có nhà mà phải đi thuê?', chị Hiếu có giải thích cho con rằng, "Vì mẹ có một mình, lại phải nuôi Long và em ăn học, công việc mẹ làm không kiếm được nhiều tiền để có thể dành dụm tiền mua nhà cho các con".

Được biết, tuy rằng biết Long bị câm điếc bẩm sinh nhưng trong cuộc sống hàng ngày chị Hiếu vẫn thường trò chuyện với Long, mặc dù có những lúc mẹ con không hiểu ý nhau vì Long không nghe được tiếng mẹ nói, nhưng hiện giờ Long vẫn có thể nói được những câu ấp úng, không rõ nghĩa. Về sau, để việc giao tiếp với con được tốt hơn, chị Hiếu có tham gia một lớp học về ngôn ngữ ký hiệu, từ khi tham gia lớp học này việc giao tiếp của chị và Long cải thiện nhiều hơn.

Trong khoảng thời gian này, khi mà dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chị Hiếu có bán đấu giá bức tranh "Biệt thự 39 Tô Hiến Thành" được 25 triệu đồng, trong đó có một nửa số tiền chị ủng hộ chương trình "Chung tay phòng chống dịch Covid-19", còn một số tiền còn lại dùng để góp thêm cho ca phẫu thuật khuyết xương bàn chân của Long sẽ được thực hiện sau khi dịch Covid-19 kết thúc (với chi phí khoảng 70 - 80 triệu đồng).

Ngoài bức tranh trên, tháng 11/2016, Long đã từng tham gia cuộc thi vẽ dành cho thiếu niên mang tên "Cảm xúc trong em", bức tranh Long vẽ đã được giải đặc biệt và được bán đấu giá 100 triệu đồng để ủng hộ một quỹ từ thiện dành cho trẻ em.

Bài, ảnh, video: Trường Hùng