Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài cuối: Ổn định tại chỗ cho đồng bào di cư tự do

Được xem là điểm nóng về di cư tự do tại khu vực Tây Nguyên, trong nhiều năm chính quyền địa huyện Đam Rông cũng như tỉnh Lâm Đồng phải cùng lúc làm 2 việc: ổn định đời sống của những đồng bào di cư tự do đồng thời ngăn chặn tình trạng di cư tự phát mới.

Từng bước đầu tư cơ sở, hạ tầng thiết yếu

Trong lớp học rộn ràng những tiếng ê a đánh vần của các em học sinh, cô giáo Đặng Thị Hà - giáo viên trường tiểu học Liêng S'Rônh, hiện đang dạy tại điểm trường tiểu khu 179 - kiên nhẫn chỉ dạy cho các bạn nhỏ cách phát âm, sửa chữ và uốn nắn cả nét bút. 

Cô Hà cho biết: "Khoảng hơn chục năm trước, huyện bắt đầu bố trí điểm trường tại tiểu khu này. Các giáo viên trong trường đều có nhiệm kì 2 năm vào 179 dạy học cho các em đang sinh sống tại đây. Hết 1 lượt giáo viên trong trường thì chúng tôi tiếp tục trở lại. Điểm trường chia thành 3 khu là lớp 1 và lớp 2, lớp 3 và lớp 4 học chung. Riêng các em lớp 5 sẽ được học riêng để đảm bảo tập trung được đầy đủ kiến thức theo học lên cấp THCS".

Theo báo cáo mới nhất về Tình hình, đời sống các hộ dân di cư tự do trên địa bàn huyện Đam Rông, đến nay, trên địa bàn huyện có 1.070 hộ/5.143 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do đến huyện. Để ổn định cuộc sống cho bà con, huyện Đam rông đã được UBND tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng và hoàn thành 4 điểm định canh, định cư cho hơn nhân khẩu di cư tự do, chủ yếu là người Mông, cư trú. Trước năm 2015, 3 dự án đã được hoàn thành tại xã Phi Liêng, xã Rô Men, khu Đạ M'Pô (xã Liêng S'Rônh).

Thông qua việc thực hiện các dự án bố trí dân cư, các hộ đã được bố trí đất định cư, hỗ trợ phát triển sản xuất và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội như: cấp căn cước công dân, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ sản xuất. Nhiều hộ đã thoát nghèo. Riêng dự án thứ 4 thực hiện định canh định cư tại tiểu khu 179 và khu Tây Sơn, địa phương gặp khó khăn khi trước năm 2017, Chính phủ kiên quyết chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp.

Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài cuối: Ổn định tại chỗ cho đồng bào di cư tự do- Ảnh 1.
Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài cuối: Ổn định tại chỗ cho đồng bào di cư tự do- Ảnh 2.
Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài cuối: Ổn định tại chỗ cho đồng bào di cư tự do- Ảnh 3.
Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài cuối: Ổn định tại chỗ cho đồng bào di cư tự do- Ảnh 4.

Điểm trường tiểu học Liêng S'Rônh đã khai giảng được 10 năm, hiện có gần 100 trẻ từ lớp 1 đến lớp 5 theo học

Để đảm bảo quan tâm, chăm lo cũng như hạn chế tình trạng di cư mới phát sinh, chính quyền huyện Đam Rông đã chỉ đạo các ban, ngành, nhất là UBND xã Liêng S'rônh tập trung nguồn lực để hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội cho các hộ dân di tư do nêu trên, bắt đầu từ việc tổ chức các lớp học tạm cho trẻ em trong độ tuổi tiểu học. Hiện nay, điểm trường tiểu học Liêng S'Rônh có gần 100 trẻ từ lớp 1 đến lớp 5 theo học với sĩ số rất đều.

Cùng với đó, hàng năm, huyện cũng tổ chức cho các đoàn cán bộ y tế dự phòng tới tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ tại tiểu khu 179. Nhiều hoạt động văn hoá, từ thiện được UBND xã Liêng S'Rônh phối hợp với các mạnh thường quân tổ chức hỗ trợ người dân. Song, do điều kiện kinh tế - xã hội của huyện Đam Rông còn hạn chế, nhiều năm liền nằm trong Danh sách các huyện nghèo nhất cả nước nên những cơ sở vật chất như điện, nước, đường xá vẫn chưa có.

Năm 2020, sau nhiều cuộc họp điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng của tỉnh Lâm Đồng để bổ sung Quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 định hướng 2025, dự án sắp xếp dân di cư tự do khu vực Tiểu khu 179 và khu vực Tây Sơn, xã Liêng Srônh mới có thể được triển khai.

Theo đó, 192 hộ dân di cư tự do trong đó có 108 hộ tại tiểu khu 179 sẽ được sắp xếp, ổn định tại chỗ. Phía huyện Đam Rông cũng nhanh chóng giải quyết những vấn đề cấp thiết cho người dân như: cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 145 hộ dân di cư tự do mà chưa được bố trí định canh, định cư trên toàn xã, cấp hộ khẩu cho 19 hộ đảm bảo điều kiện; cấp giấy khai sinh cho trẻ em, trợ cấp hộ nghèo... qua đó góp phần giúp các hộ sớm ổn định cuộc sống.

Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài cuối: Ổn định tại chỗ cho đồng bào di cư tự do- Ảnh 5.

192 hộ dân di cư tự do trong đó có 108 hộ tại tiểu khu 179 sẽ được sắp xếp, ổn định tại chỗ. Phía huyện Đam Rông cũng nhanh chóng giải quyết những vấn đề cấp thiết cho người dân

"Mục tiêu của Dự án là nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, sinh hoạt cộng đồng; hệ thống giao thông kết nối với khu trung tâm xã. Nếu có thể thuận lợi làm được đường vào tiểu khu 179 trên chính đất của huyện mà không phải "mượn đường" của Đăk Nông, quãng đường rút ngắn chỉ còn khoảng 18km" - ông Trương Hữu Đồng chia sẻ

Còn nhiều khó khăn khi triển khai

Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết theo cơ cấu nguồn vốn của dự án, tổng mức đầu tư là gần 160 tỷ đồng. Năm 2020, dự án được bố trí 20 tỷ đồng (từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019) để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình lập dự án đầu tư, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật gặp nhiều khó khăn do dự án nằm ở xa trung tâm huyện, giao thông đi lại rất khó khăn; 1 tiểu dự án đăng báo đấu thầu (vào tháng 12/2021) nhưng không có nhà thầu tham gia nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn của dự án. Do vậy, đến cuối năm 2021, nguồn vốn chỉ giải ngân được hơn 6 tỷ đồng, hơn 9 tỷ đồng được điều chỉnh nguồn vốn sang công trình khác, nguồn vốn còn lại là khoảng 4,7 tỷ đồng chưa giải ngân. Năm 2022, dự án không được bố trí vốn.

"Với điều kiện giao thông như hiện nay, nếu đến khoảng quý 2 mới giao vốn thì trùng thời điểm mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 10) gần như không thể làm gì được. Nhà thầu chỉ có thể thi công vào 3 tháng cuối năm và không đảm bảo được tiến độ. Thêm nữa dự án này dành cho cả tiểu khu 179 và khu vực Tây Sơn, nằm ở 2 khu vực với vị trí địa hình khác nhau, không có giao thông liên kết nên việc triển khai các hạng mục rất phức tạp. Đó là khó khăn mang tính đặc thù của địa phương mà chúng tôi dù đã rất thiết tha gọi thầu nhưng không ai dám nhận" - Chủ tịch UNBD huyện Đam Rông cho biết.

Sau nhiều lần huyện tích cực đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí để tiếp tục hoàn thành dự án, năm 2023, dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng bố trí 10 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục như xây dựng và cung cấp thiết bị xây dựng phân Trường Mầm non và tiểu học, hội trường sinh hoạt cộng đồng thôn, xây dựng nhà công vụ, trạm y tế thôn và điểm trường tại khu vực Tây Sơn và Tiểu khu 179.

Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài cuối: Ổn định tại chỗ cho đồng bào di cư tự do- Ảnh 6.
Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài cuối: Ổn định tại chỗ cho đồng bào di cư tự do- Ảnh 7.
Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài cuối: Ổn định tại chỗ cho đồng bào di cư tự do- Ảnh 8.

Công trình điểm trường tiểu học Liêng S'Rônh và nhà công vụ tại tiểu khu 179 đang gấp rút hoàn thiện

Chính vì vậy, tiểu khu 179 những ngày này nhộn nhịp hơn hẳn. Những xe tải chở vật liệu xây dựng tấp nập đi ra đi vào trên con đường bụi mù mịt. Người dân thay nhau đứng chờ, thồ từng bao xi măng, viên gạch đá trên chiếc xe máy cà tàng đi qua cây cầu sắt. Mặc dù đang vào vụ thu hoạch cà phê, công việc bận rộn nhưng ai cũng háo hức vì chỉ ít ngày nữa thôi, con em họ sẽ được ngồi học trong lớp học mới. Lý A Phừ - người có uy tín trong cộng đồng – phấn khởi cho biết: "Chúng tôi rất mừng vì nhà nước đã tạo điều kiện cho con em chúng tôi được học cái chữ, có chỗ học mới nắng mưa cũng đỡ vất vả hơn, các thầy cô cũng có chỗ ở tốt. Bà con phấn khởi lắm!"

Ông Trương Hữu Đồng - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông - cũng cho biết thêm: "Với sự đồng lòng của bà con tại đây, chúng tôi đang dốc toàn lực để tập trung làm xong điểm trường và nhà công vụ, ưu tiên cho các cháu nhỏ và các thầy cô giáo trước. Dù điều kiện còn rất nhiều khó khăn nhưng dự kiến cuối năm, công trình sẽ cơ bản hoàn thành. Huyện không khuyến khích bà con di cư tự do nhưng với các đối tượng người dân di cư tự do đã sinh sống lâu năm trên địa bàn, chúng tôi sẽ cố hết sức để hỗ trợ người dân được tiếp cận với những chính sách an sinh xã hội của đất nước một cách đầy đủ nhất".

Với những khó khăn và thách thức phía trước trong việc giải quyết tình hình dân di cư tự do của tỉnh Lâm Đồng, cần phải có các giải pháp đồng bộ, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp hành động chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan và thay đổi tư duy "bám rừng" của bà con. "Nhiệm vụ quan trọng nhất mà chúng tôi luôn ý thực được là cần quản lý chặt, "khoanh vùng" những hộ dân đã sinh sống lâu năm tại các Tiểu khu trong rừng để không phát sinh tình trạng di cư mới, từ đó có chính sách ổn định và thực hiện việc định canh định cư" - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông khẳng định.


22/02/2024 08:00