“Tân ơi, Lập ơi! 46 năm rồi, sao các con mãi chưa về?!”

Hơn nửa thế kỷ khóc chồng, gần nửa thế kỷ khóc con nên đến nay, đôi mắt của cụ Lê Thị Chúc (93 tuổi, huyện Ba Vì, Hà Nội) đã dần mù lòa - mắt trái đã hỏng, mắt phải dù được thay thủy tinh thể cách đây hơn chục năm nhưng đang dần không nhìn rõ nữa...

Cụ Lê Thị Chúc (93 tuổi) mòn mỏi suốt gần 50 chờ hai con là liệt sĩ, tử sĩ trở về.

Từ đường nhựa, tôi men theo con ngõ nhỏ của thôn Viên Châu (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì) để tìm gặp cụ Lê Thị Chúc. Trước cổng vào một căn nhà cấp 4, cụ Chúc dáng lưng còng đang lùi lũi đủn chiếc xe lăn, trên có chở chiếc chậu nhựa, cụ vừa đi bán rau trở về.

Nắng gay gắt, đôi tay xám xịt vì già nua đầy khó nhọc mở chiếc cổng sắt, con mèo thấy chủ liền chạy ra dúi cái đầu vào chân cụ, từ sáng tới giờ vì phải đi chợ sớm nên cụ chưa cho nó ăn. Thấy mèo cứ kêu "meo… meo…" kiểu vòi ăn, cụ cười nói với nó: "Meo, meo gì nữa, tao còn chưa được ăn cơm đây này!". Bậc tam cấp vào nhà tuy không cao nhưng cụ Chúc phải chống một tay xuống chân mới có thể bước nổi. Vào đến nhà, cụ lặng lẽ đặt chiếc nón xuống để đi chuẩn bị bữa cơm trưa. Việc cơm nước của cụ nay đỡ vất vả hơn vì đã có đường nước sạch dẫn vào nhà và có bếp từ để đun nấu.

Cụ Chúc một mình chuẩn bị bữa cơm trưa

Trên bàn thờ có di ảnh của hai quân nhân, một là tử sĩ Trần Văn Tân (SN 1950), hai là Trần Công Lập (SN 1953). Các anh lượt lượt nhập ngũ năm 1971, 1972 và cùng hy sinh vào năm 1974. Vậy là đã gần 50 năm các anh chinh chiến ra đi không trở về, mà "các anh không về mình mẹ lặng im". Vườn bí, vườn rau ngoài kia nào đâu có thể nghe dịu được nỗi đau của mẹ nhưng vì có nó mà ngày chóng qua, đêm cũng chóng hết.

Sau các anh, 3 người em đã lớn, em trai giờ đã sang tuổi 63, em gái thứ đã 60 tuổi, còn em út giờ cũng đã 54 tuổi. Mỗi người trung bình đều có 2 người con và từ 2 - 4 đứa cháu. Vì mỗi người có hoàn cảnh riêng, con trai lập nghiệp ở xa, con gái theo chồng, do cụ Chúc muốn được ở lại nhà để hương khói cho các con nên đến giờ cụ vẫn ở một mình.

Một mình mẹ nặng gánh 5 con

Cụ Chúc và cụ Trần Văn Bích (SN 1920) sinh được 5 người con, 3 con trai và 2 con gái. Năm 1968, vì bạo bệnh nên cụ Bích mất ở tuổi 49, để lại cho người vợ 5 đứa con thơ dại và khoản nợ tiền thuốc thang do nhiều năm chạy chữa. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, cụ Chúc phải bươn trải sớm tối, sáng thì chọn những công việc nặng nhọc nhất ở hợp tác xã như cày bừa, tối thì mò cua bắt ốc thâu canh.

Chia sẻ về giai đoạn này, bà Trần Thị Nhàn (54 tuổi), con gái út của cụ Chúc, cho biết, "Bố mất năm tôi mới được 2 tuổi, nên để nuôi anh em tôi, ngày nào cũng như ngày nào, mẹ đều dậy sớm hái rau để sáng kịp gánh đến cân cho bộ đội ở cách nhà 7km, rồi mẹ lại lặn lội mò cua bắt ốc đêm ngày… để trả nợ, nuôi con".

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ 93 tuổi: “Tân, Lộc ơi! 46 năm rồi, sao mãi còn chưa về?” - Ảnh 4.

Cụ Chúc sang thăm con gái út Trần Thị Nhàn và chắt.

"Nhà tranh vách đất nên vào những hôm trời mưa gió, mấy mẹ con tôi rất khổ. Nước mưa dột vào nhà, hứng thau này đến thau khác vẫn chưa hết ướt. Khi mưa dột vào thành giường bên này, anh em tôi ngái ngủ lại quay sang bên kia ngủ tiếp", bà Trần Thị Lan (60 tuổi), con thứ của cụ, nhớ lại. Với khoảng vài lạng gạo một ngày công, cụ và các con không đủ ăn nên cả nhà nhiều khi phải ăn cháo loãng qua ngày.

Tuy gia cảnh khốn khó nhưng cả 5 người con đều được cụ lo cho học hết lớp 7 (tức hết cấp 2 bây giờ). Thời đó một số trẻ có tính ăn cắp vặt, lo rằng các con sẽ hư hỏng nên trong bữa ăn, cụ thường ân cận dặn dò các con: "Tuy nhà mình nghèo nhưng các con đi đâu đừng có thấy cái gì của ai hở ra mà lấy, làm như vậy là xấu hổ lắm, không được, nghèo phải cho sạch, rách phải cho thơm".

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ 93 tuổi: “Tân, Lộc ơi! 46 năm rồi, sao mãi còn chưa về?” - Ảnh 5.

Nghe lời mẹ, các con của cụ đều ngoan ngoãn, trong đó phải kể đến anh Trần Văn Lập, từ nhỏ cho tới lớn anh chưa từng lớn tiếng với mẹ một câu nào. Thương mẹ vất vả nên khi học xong lớp 7, anh Lập nghỉ học đi làm để phụ mẹ nuôi các em. Vì có phẩm cách tốt và thông minh nên dẫu còn ít tuổi nhưng anh được người dân trong thôn bầu làm Thư ký của Đội Sản xuất (phụ trách, triển khai sản xuất nông nghiệp trên địa bàn).

"Con đi hết trận này, khi nào con về con sẽ lấy vợ, xin mẹ đừng lo!"

Hưởng ứng lời kêu gọi của non sông, năm 1971, anh trai của anh Lập là anh Trần Văn Tân lên đường nhập ngũ. Một năm sau (lúc này anh Lập đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam), mặc dù mới được 17 tuổi 5 tháng nhưng anh Lập đã viết đơn tình nguyện xung phong ra chiến trường, thể hiện vai trò gương mẫu của một người đảng viên trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ 93 tuổi: “Tân, Lộc ơi! 46 năm rồi, sao mãi còn chưa về?” - Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp tặng "Bảng Ga đình vẻ vang" cho gia đình cụ Lê Thị Chúc vì có hai con tòng quân chống Mỹ, cứu nước.

Sau 3 tháng nhập ngũ và huấn luyện ở Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh), trước khi đơn vị hành quân vào miền Nam đánh giặc, anh Lập cũng như bao chiến sĩ khác đều được phép về thăm nhà từ biệt người thân. Nhân dịp này, vì biết anh Lập đã có người yêu, mẹ và người trong họ có khuyên anh lấy vợ, để phụ mẹ nuôi các em. Nhưng chiến trường trong kia vốn ác liệt vô cùng, Mỹ đang đẩy mạnh chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh"; ở miền Bắc, chúng tăng cường đánh phá để hòng đưa mảnh đất của quê hương anh về thời kỳ đồ đá, hòng giành cho chúng những lợi thế trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bởi vậy, anh Lập xin phép mẹ được gác lại chuyện riêng của mình: "Con đi hết trận này, khi nào con về con sẽ lấy vợ, xin mẹ đừng lo!".

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ 93 tuổi: “Tân, Lộc ơi! 46 năm rồi, sao mãi còn chưa về?” - Ảnh 7.

Lúc sắp ra đi, ngoái nhìn căn nhà tranh trát đất, liêu xiêu vì dột nát và các em côi cút thơ dại, anh Lập nắm lấy đôi tay gân guốc của mẹ dặn dò, "Mẹ ơi, mẹ ở nhà, mẹ chỉ cốt làm để nuôi được các em cho con. Mẹ không làm cửa làm nhà, để bao giờ chúng con về, chúng con làm" mà hai hàng nước mắt rưng rưng trên gò má. Nhưng dẫu con dặn vậy thì dặn, với suy nghĩ: "Con về, con lấy vợ, con có đống trú", cụ Chúc vẫn vừa nuôi các con vừa chắt chiu từng đồng để xây nhà. Song, chẳng ai có thể ngờ được, lời tạm biệt ấy cũng là lời cuối cùng mà cụ Chúc được nghe con nói.

Giấy báo tử 2 con về cùng 1 ngày, "… mình mẹ lặng im"

Với ước nguyện cho các con có "đống trú" khi khải hoàn trở về, chỉ ít năm sau bằng từng con ốc, từng mớ rau cụ Chúc đã dành dụm đủ tiền xây được căn nhà gỗ 4 gian. Một gian còn lại cụ cũng định xây nhưng trong cảnh "mẹ góa con côi", lực bất tòng tâm, cụ đành để lại và chờ con trai sau khi chiến đấu trở về sẽ xây nốt.

Thời điểm này, quân và dân ta đã có những bước tiến lớn, phải kể đến là thắng lợi của Hiệp định Paris (27/1/1973), buộc Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo thời cơ thuận lợi để chúng ta tiến liên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong giai đoạn này, cụ Chúc vẫn thường nhận được thư của anh Tân, anh Lập gửi về hỏi thăm sức khỏe, tình hình gia đình, thông tin tình hình chiến đấu của bản thân và đơn vị. Lúc này, anh Lập mang cấp bậc Trung úy, Tiểu đội phó, Trung đoàn 61, Đoàn 305. Phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị, anh Lập đã cùng đồng đội của mình góp phần lập nên những chiến công lớn.

Tuy nhiên, theo bà Lan (con thứ của cụ Chúc) cho biết, đến khoảng giữa năm 1974, gia đình không còn nhận được tin tức gì của hai anh nữa. Kế đó, chỉ một thời gian ngắn, quân và dân ta liên tiếp giành những thắng lợi quan trọng mờ đường giải phóng hoàn toàn miền Nam như: Giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975); Giải phóng Thừa Thiên - Huế (26/3/1975); Giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975) và quan trọng nhất là sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh (30/4/1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đấy nước.

Non sông đã liền một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà, những chàng trai ra trận giờ được trở về với quê hương, còn những người đã hy sinh thì theo từng tờ giấy báo tử trở về. Niềm vui xen lẫn mất mát đau thương. Trong cảnh đó, cụ Chúc cũng như biết bao người mẹ khác đều mong ngóng hai con sẽ lành lặn trở về, nhưng thông tin vẫn bặt vô âm tín. Để rồi biến cố lớn nhất ập xuống:  giấy báo tử của 2 con đến cùng 1 ngày.

Cụ Chúc nhớ lại, đó là vào đầu giờ tối, cụ và gia đình nhận được giấy báo tử của 2 con. Cầm tờ giấy trong tay, cụ không còn biết gì nữa, chỉ có tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất con... Cụ ngất lịm...

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ 93 tuổi: “Tân, Lộc ơi! 46 năm rồi, sao mãi còn chưa về?” - Ảnh 8.

Những ngày sau, không thấy cụ đi làm đồng, cán bộ Hợp tác xã đến nhà động viên. "Tôi không đi làm Hợp tác được, người ta còn đến nhà, người ta kéo đi, người ta bảo làm được từng nào thì làm, người ta vẫn ghi điểm cho đấy. Dẫu vậy, nhưng tôi vẫn không thể gượng dậy", cụ Chúc kể lại. Cho đến mấy năm sau, nỗi đau ấy vẫn chưa thôi dai dẳng, hằng đêm cụ không ngủ được vì nhớ con nhưng ngoái lên bàn thờ chỉ là những di ảnh lặng lẽ.

Ngôi mộ không có hài cốt 

Kể từ ngày đó, gần 50 năm đã qua đi, giờ đây cụ Chúc đã sang tuổi 93, hai mắt đã dần không còn nhìn rõ nữa nhưng hài cốt của các con cụ vì những lý do đặc biệt mà vẫn chưa thể trở về quê hương.

Chia sẻ câu chuyện này, bà Lan cho biết, thời điểm gia đình bà nhận được giấy báo tử, có một người đàn ông ở huyện Chương Mỹ tới. Ông này có con cùng đơn vị và hy sinh cùng trận đánh với anh của bà Lan. Sau khi nhận được giấy báo tử, ông ấy đã vào Bình Dương và tìm được phần mộ, đem hài cốt của con mình trở ra Bắc. Ông đến báo tin cho cụ Chúc địa điểm con hy sinh, để gia đình cụ thu xếp vào Nam đưa hài cốt con trở về. "Tôi nhớ mẹ nói là "Không thể đi được" vì khi đó, chúng tôi còn nhỏ và nhà tôi rất khó khăn, cơm còn không có ăn, phải ăn cháo thì lấy đâu ra tiền để đi đón anh", bà Lan nhớ lại.

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ 93 tuổi: “Tân, Lộc ơi! 46 năm rồi, sao mãi còn chưa về?” - Ảnh 9.

Giấy báo tử của liệt sĩ Trần Công Lập (SN 1953), Trung đoàn 61, Đoàn 305.

Đến năm 2012, bà Lan có nhờ một người bạn ở TPHCM trở lại nơi chiến trường xưa ở Bến Cát (Bình Dương) tìm hài cốt anh trai mình. Khi tìm đến nơi, người bạn này cho biết những phần hài cốt trong hố chôn tập thể đã được một đơn vị khác chuyển đi nhưng không rõ là đơn vị nào và chuyển đến quy tập tại nghĩa trang nào.

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ 93 tuổi: “Tân, Lộc ơi! 46 năm rồi, sao mãi còn chưa về?” - Ảnh 10.

Di ảnh tử sĩ Trần Văn Tân (SN 1950, trái) và liệt sĩ Trần Công Lập (SN 1953).

Về phía tử sĩ Trần Văn Tân, bà Lan cho biết, gia đình chỉ được biết anh ốm nặng và mất tại tỉnh Quảng Nam nhưng không rõ mất tại đâu và anh công tác tại đơn vị nào. Những năm sau khi nhận được giấy báo tử, người cậu ruột của bà Lan trong một lần công tác tại Quảng Nam đã đến một số bệnh viện và các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh này nhưng vẫn không tìm được tung tích phần mộ của tử sĩ Tân.

Mẹ liệt sĩ, tử sĩ 93 tuổi: “Tân, Lộc ơi! 46 năm rồi, sao mãi còn chưa về?” - Ảnh 12.

Ngôi mộ không có hài cốt của liệt sĩ Trần Công Lập tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cổ Đô (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Bởi vậy mà, mỗi năm vào dịp tháng 7 hay mỗi khi nhìn thấy đoàn xe tổ chức lễ truy điệu và đưa hài cốt của liệt sĩ về địa phương an táng, lòng cụ Chúc lại quặn đau. Vì cũng như bao bà mẹ có con hy sinh khác, cụ mong 2 con sẽ sớm được trở về quê hương, để cụ có nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng.

Theo thống kê của UBND xã Cổ Đô, địa phương hiện nay có 263 liệt sĩ, không có thống kê về số lượng tử sĩ. Riêng hài cốt của các liệt sĩ, hầu hết đã được quy tập tại nghĩa trang của địa phương, tuy nhiên đến nay vẫn còn 2 phần mộ liệt sĩ chưa quy tập được, trong đó có phần mộ của liệt sĩ Trần Công Lập. "Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ chủ yếu là do gia đình, thân nhân liệt sĩ đứng ra tự lo. Vì là một địa phương thuần nông, kinh tế hiện còn khó khăn nên chúng tôi chỉ có thể tổ chức lễ truy điệu, đưa hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang", ông Lê Khương Duy, công chức Văn hóa - Xã hội xã Cổ Đô, cho biết.

Trường Hùng (thực hiện)