Thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ mô hình du lịch cộng đồng

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ mô hình du lịch cộng đồng

Mang 2 dòng máu dân tộc Châu mạ và S'Tiêng, chị Ká Huyền (SN 1993, ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên làm chủ kinh tế. Không chỉ giúp bản thân có chỗ đứng trong xã hội, chị còn giúp nhiều phụ nữ DTTS có thu nhập, ổn định cuộc sống từ tận dụng tiềm năng du lịch làng nghề ở địa phương.

Vươn lên từ khó khăn của bản làng

Từ nhỏ Ká Tuyền đã được nhìn thấy và sống trong sự khó khăn của làng, nơi có sẵn những nghề truyền thống như dệt của người Mạ và đan lát của người S'Tiêng. Lớn lên, chị nhận ra những người trẻ thường "bỏ làng" đi thoát ly và ngày càng lãng quên nghề truyền thống mang đậm bản sắc của dân tộc mình.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ mô hình du lịch cộng đồng- Ảnh 1.

Ká Tuyền và con gái

"Theo khảo sát tại địa phương, nhiều người từ 23- 45 tuổi cho rằng nghề truyền thống không có đầu ra, sản phẩm không bán được trong khi họ phải có thu nhập để nuôi sống gia đình nên không thể theo nghề truyền thống. Còn lớp trẻ từ 12-23 tuổi trả lời rằng làm nghề này rất cực và lâu, trong khi tay nghề non nên làm ra cũng không bán được. Trước dịch Covid-19 có khoảng 58 người có tuổi làm nghề đan và dệt thổ cẩm. Nhưng đến đầu tháng 5/2024, chỉ còn 13 người đủ sức khỏe ngồi dệt, đan được", chị Ká Tuyền chia sẻ về thực trạng của làng.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ mô hình du lịch cộng đồng- Ảnh 2.

Nếu không thay đổi nếp nghĩ, cách làm thì đời đời người dân bản địa vẫn sẽ nghèo khổ trên chính di sản của mình - chị Ká Huyền chia sẻ

Chị cho biết, sau khi khảo sát, chị cảm thấy lo sợ nghề sẽ mất đi khi người già mất đi. Và rồi nghề sẽ mai một, lớp trẻ lớn lên muốn khôi phục cũng khó vì không biết tìm ai để học hỏi.

Và rồi những câu chuyện đau lòng do kinh tế khó khăn vẫn xảy ra ở làng. Ká Tuyền từng chứng kiến một cụ già 70 tuổi vào rừng kiếm thức ăn vì phải lo cho 6 cháu nhỏ để các con đi làm công nhân. Cụ đã đi lạc và chết trong rừng. Cho đến giờ sự việc này không chỉ là cú sốc đối với dân làng mà còn là nỗi niềm trăn trở, day dứt của Ká Tuyền.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ mô hình du lịch cộng đồng- Ảnh 3.

Khách du lịch thích thú khi được trải nghiệm du lịch làng nghề tại đây

Nếu không thay đổi nếp nghĩ, cách làm thì đời đời người dân bản địa vẫn sẽ nghèo khổ trên chính di sản của mình. Vì vậy, Ká Tuyền đã quyết định thành lập dự án du lịch mang tên Tà Lài Eco Lodge nhằm phát triển kinh tế du lịch từ nghề truyền thống của địa phương.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ mô hình du lịch cộng đồng- Ảnh 4.

Đội cồng chiêng du lịch cộng đồng Tà Lài

"Là người con của làng Tà Lài, mình rất mong muốn góp phần xây dựng, bảo tồn và phát huy gìn giữ văn hóa bản địa màu sắc tại địa phương. Qua đó góp phần ổn định dài lâu đầu ra cho sản phẩm nhằm cải thiện đời sống của đồng bào. Hơn ai hết, mình không muốn sẽ có thêm một người nữa vì kế sinh mà phải chết trong rừng", chị nói.

Hướng đến cộng đồng

Ká Tuyền bắt tay vào thực hiện dự án với niềm tin rằng, thông qua việc hợp tác và phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái một cách bền vững, mỗi đồng bào DTTS có thể xây dựng một làng quê Tà Lài mạnh mẽ, phồn thịnh và tự hào về di sản văn hóa của mình.

Ká Tuyền có một mơ ước, người già không phải mưu sinh trong rừng, phụ nữ có con nhỏ sẽ có thêm thu nhập bằng nghề dệt, và người trẻ có thể quay về quê hương làm du lịch thay vì đi làm công nhân. "Mục tiêu của mình là đến cuối năm 2025 sẽ tạo việc làm cho khoảng 300 người dân trong làng với mức lương 7-9 triệu đồng/người/tháng", chị Ká Tuyền bày tỏ.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ mô hình du lịch cộng đồng- Ảnh 5.

Người dân địa phương có thể sống tốt với nghề khi có nhiều khách du lịch

Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2024, dự án Tà Lài Eco Lodge do chị Ká Tuyền làm chủ đã xây dựng thành công chuỗi cung ứng dịch vụ tại địa phương bao gồm dịch vụ cung ứng, bãi cắm trại riêng tại Tà Lài. Nhờ đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt cho nên Tà Lài Eco Lodge đã nắm được 50% thị trường tour du lịch tại đây. Nơi đây đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách du lịch. Du khách có thể đến lưu trú, uống cafe, cắm trại, đồng thời có thể đi trekking, đạp xe khám phá rừng, khám phá thác, khám phá hang động, sông ngòi, rừng tự nhiên.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ mô hình du lịch cộng đồng- Ảnh 6.

Du khách trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm

Nhằm nâng cao kỹ năng quản lý cho bản thân, chị Ká Tuyền đã tham gia lớp tập huấn sở hữu trí tuệ tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai do Hội LHPN tỉnh Đồng nai tổ chức. Để thương mại hóa sản phẩm một cách hiệu quả, chị đã tối ưu hóa các nền tảng mạng xã hội facebook, tiktok, Instagram, youtube, website trong việc quảng cáo, tiếp cận và khai thác khách hàng tiềm năm, nhờ đó doanh thu đã tăng trưởng mạnh.

Ká Tuyền mở lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em làng Tà Lài. "Cô mong muốn giúp các bé có ước mơ sống và tự hào nơi mình sinh ra, là người con của vùng đất này. Cô hy vọng mỗi ngày các em sẽ thấy được việc học là con đường để thoát nghèo, không dừng ở việc học cấp 3 mà phải lên đại học và hơn thế nữa. Việc học tập sẽ giúp các em và gia đình có tương lai tươi sáng hơn" - Ká Tuyền thường chia sẻ với các em nhỏ.


Chị cũng cho hay, là doanh nghiệp địa phương tiên phong trong khu vực du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm nên chị hướng đến phát triển du lịch sinh thái. Những dự án về trồng rừng, bảo vệ môi trường, cùng đồng hành với người dân địa phương phát triển du lịch cộng đồng luôn được du khách, cộng đồng địa phương hưởng ứng, tạo cầu nối với báo chí, truyền thông du lịch quan tâm.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ mô hình du lịch cộng đồng- Ảnh 7.

Các bạn nhỏ với lớp Nhuộm vải từ nguyên liệu tự nhiên

Cũng nhờ mô hình kinh tế du lịch, đời sống của chị em phụ nữ địa phương đang phát triển theo hướng tích cực, có thể đan dây đeo tay, dệt thổ cẩm để tạo thêm thu nhập cho gia đình. Một số phụ nữ DTTS có thể làm hướng dẫn viên du lịch bằng cách kể câu chuyện văn hóa của làng nghề. Hiện nay, thu nhập của phụ nữ DTTS làm du lịch làng nghề đã đạt mức 5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Ká Tuyền chia sẻ: "Câu chuyện mưu sinh gắn với đất, với rừng đã ăn sâu vào từng người dân bản địa, đặc biệt là chị em phụ nữ. Họ tìm sinh kế bằng theo phương thức truyền thống và sống cho qua ngày, không dám vươn lên làm những điều mới mẻ. Qua dự án du lịch cộng đồng, mình mong muốn được góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của chị em để họ mạnh mẽ hơn, vươn lên làm chủ kinh tế, làm chủ cuộc sống và làm chủ mảnh đất này".

An Khê (thực hiện)