Tính cộng đồng trong cách làm du lịch của đồng bào Mông tại Lai Châu

Cả bản cùng làm hoặc là chia đều phần việc cho từng hộ, hoặc là tự nguyện nộp lại một phần thu nhập vào quỹ chung. Đó là cách mà đồng bào người Mông ở Lai Châu cùng nhau thoát nghèo bền vững gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc.

Thay đổi tư duy

Đường lên Phong Thổ (Lai Châu) những ngày cuối tháng 4 nắng vàng rực rỡ. Đi qua đoạn đường đèo được tô điểm bằng những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, hiện ra trước mắt là một bản làng nằm cheo leo lưng chừng núi Sơn Bạc Mây. Đây là bản người Mông không có người nghiện rượu, không khói thuốc, không cờ bạc và ẩn chứa nhiều điều thú vị. Đó chính là bản Sin Suối Hồ.

Mục sư Hảng A Xà - người được dân bản Sin Suối Hồ tin tưởng, kính trọng - chia sẻ, khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, nơi đây là một trong những tụ điểm nóng về tệ nạn xã hội của tỉnh Lai Châu. Trải qua một hành trình dài để người dân trong bản cai nghiện, bỏ thuốc, hiện nay cả bản cùng nhau tập trung làm du lịch để thoát nghèo bền vững.

"Từ ngày các cấp chính quyền vận động xây dựng Nông thôn mới, dân làng đều giữ vệ sinh từ nhà mình đến nhà hàng xóm. Cứ thế, mỗi nhà đều dọn dẹp cả nhà cửa, ngõ xóm, nên bản quanh năm đều sạch đẹp. Quyết tâm thoát nghèo, chúng tôi bắt tay vào làm du lịch cộng đồng và cuộc sống đã thay đổi rất nhiều" - ông Hảng A Xà cho biết.

Bản Sin Suối Hồ hiện có hơn 100 hộ, trong đó có 10 hộ làm du lịch theo hình thức nghỉ dưỡng homestay. Nhiều hộ gia đình đã tự đầu tư hoặc nâng cấp nhà nghỉ để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của khách du lịch nhưng phải đảm bảo giữ nguyên cảnh quan và văn hoá Mông trong sinh hoạt, kiến trúc. Trung bình mỗi tháng có hàng trăm lượt du khách đến du lịch và nghỉ dưỡng tại bản Sin Suối Hồ, trong đó đa số là du khách nước ngoài. 

Bản Sin Suối Hồ hiện có hơn 100 hộ, trong đó có 10 hộ làm du lịch theo hình thức nghỉ dưỡng homestay và nhiều dịch vụ giải trí khác

Du khách tới bản có thể ở cả tuần, cả tháng, cùng chia sẻ ẩm thực, văn hóa và được trải nghiệm  nhiều hoạt động của người Mông như: Gặt lúa, hái thảo quả, làm bánh, dệt vải. Với xu hướng dân làm - dân hưởng, mô hình du lịch này thấm đượm bản sắc dân tộc, gắn liền với tạo sinh kế nông nghiệp cho người, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững cho bản.

Mảnh đất từng trồng thuốc phiện khi xưa giờ đã khởi sắc  làm du lịch cộng đồng. Theo Mục sư Hảng A Xà cho biết, thời điểm trước dịch COVID-19, thu nhập của cả làng hơn 600 người lên đến 200 - 400 triệu đồng/hộ/năm, từ nhiều nguồn như: làm du lịch, trồng lan, thảo quả, táo mèo, chăn nuôi dê... Sau dịch bệnh tuy kinh tế có giảm sút song về cơ bản, thu nhập của bà con vẫn ổn định từ ngành "công nghiệp xanh" này.

Cả làng cùng làm kinh tế

Để có thể "giữ" chân du khách, bà con trong bản cùng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm với nhau và đặc biệt là cùng tạo điều kiện để các hộ gia đình đều có cơ hội làm du lịch. Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ tự đầu tư dịch vụ tùy theo điều kiện kinh tế. Theo quy định chung của bản, hàng tháng, mỗi hộ sẽ tự nguyện nộp lại 5% tổng thu nhập của mình vào quỹ chung. Nguồn tiền đó sẽ được sử dụng để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, cảnh quan chung của cả bản hoặc dùng để hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn muốn vay vốn làm ăn với mức lãi suất thấp.

Để chuyên nghiệp hoá trong việc làm du lịch, chị Hảng Thị Sú (xã Sin Suối Hồ) cho biết, thời gian vừa qua, bản thân chị và một số người trẻ trong bản đã tham gia các khóa tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ do UBND tỉnh phối hợp với Hội LHPN tỉnh Lai Châu tổ chức. Nhiều người có uy tín, chức sắc như các già làng, trưởng bản cũng tích cực trong việc vận động, tuyên truyền, cầm tay chỉ việc cho người dân. Nhờ đó, hiện nay Sin Suối Hồ chuyển mình từng ngày.

Tính cộng đồng trong cách làm du lịch của đồng bào Mông tại Lai Châu  - Ảnh 2.

 

Với những thành công ban đầu của Sin Suối Hồ, hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng tại Lai Châu đã tiếp tục lan toả đến nhiều thôn bản, trong đó có thôn Lao Chải 1 (xã Khun Há, huyện Tam Đường). Nằm trên đỉnh núi Khun Há cao hơn 2000m, bà con người Mông ở đây cũng bắt tay vào cải tạo và xây dựng bản nhỏ của mình thành khu du lịch cộng đồng. Những con đường đất vào bản nay được thay thế bằng đường bê tông, những ngôi nhà lụp xụp nay được đổi mới khang trang và đặc biệt là cảnh quan môi trường được bà con dọn dẹp, giữ gìn không thua kém bất cứ một khu nghỉ dưỡng nào.

Theo anh Cứ A Chu - Bí thư Chi bộ thôn Lao Chải 1 - cho biết, thôn có 43 hộ dân chia làm 3 nhóm. "Một nhóm chuyên làm homestay cung cấp chỗ ở, một nhóm trồng trọt chăn nuôi và phụ trách nấu cơm, một nhóm làm đồ thổ cẩm và quà lưu niệm cho khách. Cứ thế, có khách đến là cả bản chúng tôi cùng nhau có việc làm, nhà này giúp nhà kia, không phân biệt là khách của riêng ai hết" - anh Chu tự hào.

Theo nhận định của anh Cứ A Chu, mặc dù chỉ mới phát triển mô hình du lịch cộng đồng song bà con ở thôn Lao Chải 1 bước đầu có thu nhập ổn định khoảng 4-5 triệu đồng/tháng/hộ. Con số này so với Sin Suối Hồ còn khiêm tốn nhưng cho thấy hướng đi đúng đắn và lâu bền trong mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Nhìn những chiếc cổng gỗ được trang trí bằng các chuỗi xâu hạt từ quả khô, những con đường nhỏ quanh bản được trang trí bằng cách rải sỏi tạo hình theo hoa văn trên váy của những người phụ nữ, những chiếc thùng "xin rác" được làm thủ công bài trí khắp nơi cho thấy những nỗ lực và khát khao xây dựng cuộc sống mới của bà con đang lớn hơn bao giờ hết.

Tiếp nối thành công của Sin Suối Hồ, bà con dân tộc Mông ở thôn Lao Chải 1 trên đỉnh núi Khun Há cũng bắt tay vào cải tạo và xây dựng bản nhỏ của mình thành khu du lịch cộng đồng

Phát huy bản sắc dân tộc thông qua làm du lịch

Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng cũng là phương tiện kết nối người dân, kết nối chính những người trong gia đình cùng thay đổi tư duy để có cuộc sống mới. Chị Lầu Thị Pằng (thôn Lao Chải 1) tâm sự, nếu như trước đây thế hệ của bố mẹ chị chỉ biết lên nương làm rẫy, đàn ông uống rượu cả ngày thì từ khi làm du lịch, cả gia đình cùng nhau tập trung làm kinh tế. "Em nấu cơm thì chồng em dọn phòng, bố mẹ đón khách hoặc trông con giúp em để vợ chồng còn kiếm sống" - chị Pằng cho hay.

Đối với bà con lối xóm, khi được cầm tay chỉ việc, nhìn thấy những chuyến biến tích cực trong đời sống, bà con lại chính là những người tích cực và tiên phong hơn cả  trong việc duy trì tính cộng đồng để hướng đến một mục tiêu chung là khách đi thì nhớ Lao Chải, khách ở thì thương đồng bào. "Có vậy thì bà con mới có thêm thu nhập, mới khoe được bản sắc văn hóa của mình cho nhiều người biết đến" - Bí thư Chi bộ thôn Cứ A Chu khẳng định.

Có thể nói, thông qua làm du lịch cộng đồng, đời sống của nhân dân ở miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện đáng kể. Cũng nhờ du lịch cộng đồng, bà con càng có ý thức hơn trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị lâu bền của dân tộc để tạo điểm nhấn cho mô hình của mình. Điều đó vừa là cơ hội, song cũng là thách thức cho các cấp chính quyền trong việc hướng sinh kế cho bà con phải đảm bảo cân bằng giữa truyền thống và hiện đại.

Tính cộng đồng trong cách làm du lịch của đồng bào Mông tại Lai Châu  - Ảnh 5.

Người dân đặc biệt chú trọng cảnh quan môi trường sạch đẹp và gần gũi với thiên nhiên

Trong thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật, việc nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch gắn với việc xây dựng nông thôn mới, Lai Châu cũng sẽ tiếp tục có những chính sách để đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ khách còn thiếu kỹ năng, tính chuyên nghiệp; đồng thời tích cực quảng bá để duy sự sự phát triển ổn định với mô hình này.

THU HÀ (thực hiện)

UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030". Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Lai Châu đã có những định hướng rất đúng đắn trong việc đầu tư bảo tồn, phát triển các điểm du lịch gắn với từng nhóm dân tộc cụ thể. Trong đó có thể kể đến: bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp của đồng bào người Mông; bản Sì Thâu Chải (huyện Tam Đường) tập trung phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Dao gắn với du lịch mạo hiểm (dù lượn, leo núi).

Tại bản San Thàng (thành phố Lai Châu), du lịch cộng đồng gắn với chợ phiên và chợ đêm San Thàng, song song với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa người dân tộc Giáy. Các loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa cũng được đẩy mạnh tại bản Vàng Pheo (huyện Phong Thổ) của người Thái và bản Thẳm (huyện Tam Đường) của người Lự.

Du lịch cộng đồng người Mông ở Lai Châu