Zaha Hadid: Người phụ nữ trở thành biểu tượng trong ngành kiến trúc
“Lúc đó tôi còn bé, chỉ mới 11 tuổi tôi đã quyết tâm muốn làm kiến trúc sư. Tất nhiên, khi bạn còn trẻ, ước mơ về tương lai chỉ giống như một loại linh cảm thôi.
Bạn thấy tò mò, thích thú về một chủ đề và khi lớn lên, bạn đi học, rất có thể bạn sẽ chọn làm một thứ khác”, nữ kiến trúc sư Zaha Hadid bày tỏ cảm xúc trong buổi khai trương Trung tâm Văn hóa Heydar Aliyev, Azerbaijan, năm 2012.
Hadid đứng trên bục cao, ngay trong một không gian kiến trúc mà chính bà tạo ra. Bà khoác trên mình chiếc váy đen có các họa tiết hình học, sự hiện diện của nữ kiến trúc sư như một điểm nhấn hút mọi ánh nhìn tại một không gian phủ đầy màu trắng. Tại đây, bà kể câu chuyện về tuổi ấu thơ và hành trình để trở thành con người như hôm nay.
Zaha Hadid được tạp chí Forbes xếp ở vị trí thứ 69 trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất năm 2008. Đến năm 2010, bà lọt vào danh sách 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới, bình chọn bởi tạp chí Time.
Những danh hiệu này có được nhờ sự đóng góp không thể đong đếm của bà dành cho nền kiến trúc toàn cầu. Tiếc thay, người phụ nữ tài năng này từ trần tại Florida, Mỹ, ngày 31/3/2016 vì cơn đau tim bất chợt. Sự ra đi này để lại một nỗi mất mát rất lớn với giới kiến trúc đương thời.
Nói về tình yêu dành cho kiến trúc, bà cho hay: “Tôi lớn lên vào những năm 1960, thời điểm mà mọi người đều say mê kiến tạo một thế giới mới. Đó là sau chiến tranh và nếu bạn nhìn vào tất cả các công trình ở Mỹ, Brazil, Châu Âu hoặc Trung Đông, kiến trúc rất được quan tâm. Tôi nghĩ đó có thể là lý do khiến tôi say mê nó đến vậy”.
Cha mẹ Hadid đều đến từ Mosul, Iraq. Cha bà, Mohammed Hadid, là một nhà kinh tế nổi tiếng. Vào thời điểm đó, Baghdad, thủ đô Iraq, là cái nôi nuôi dưỡng rất nhiều ý tưởng mới mẻ, hiện đại. Lớn lên trong môi trường tự do, cấp tiến, bà được trao đủ các cơ hội phát triển, nhờ đó hình thành khả năng khai phóng trí tưởng tượng ra khỏi mọi khuôn khổ.
Mẹ bà, Wajeeha Sabonji, đã dạy Zaha vẽ, tình yêu với kiến trúc nảy mầm trong tâm trí bà. Tình yêu này tiếp tục được nuôi dưỡng bởi người cha. Ông thường đưa Zaha tham quan các thành phố cổ đại của người Sumer rồi đi thuyền để thăm những ngôi làng ẩn trong vùng đầm lầy.
“Vẻ đẹp của phong cảnh, nơi mà cát, nước, lau sậy, chim chóc, các tòa nhà và con người bằng cách nào đó hòa quyện với nhau, cứ thế in sâu vào mảng ký ức của tôi”, bà kể về thời thơ ấu của mình.
Lối kiến trúc Sumer, một trong những nền văn minh lâu đời nhất của loài người, như một công tắc khai mở thế giới quan của Zaha. Về nhà, Zaha bắt đầu quan sát tất cả mọi thứ xung quanh mình, gồm cả những tấm thảm Ba Tư được dệt tinh xảo trong nhà, để lấy cảm hứng thiết kế.
Zaha Hadid tốt nghiệp Đại học Hoa Kỳ ở Beirut, Liban, với tấm bằng cử nhân toán học vào năm 1968. Sau đó, vào tuổi 22, bà tới Anh để học tiếp tại trường Kiến trúc London. Bị mê hoặc bởi người phong cách avant garde (tiên phong, phá vỡ mọi ranh giới), bà bắt đầu nghiên cứu tác phẩm của danh họa Kazimir Malevich.
Ảnh hưởng của ông có thể được nhìn thấy rõ trong những bức vẽ đầu tiên của bà. Sau khi tốt nghiệp, bà làm trợ lý cho giáo sư Rem Koolhaas tại Văn phòng Kiến trúc Hiện đại (Office of Modern Architecture), một tổ chức “nuôi dưỡng” các kiến trúc sư trẻ tài năng.
Đến năm 1979, với đủ vốn liếng “hành nghề” trong tay, bà thành lập công ty kiến trúc mang tên Zaha Hadid Architects. Bà đi theo trường phái Kiến trúc giải tỏa kết cấu (Deconstructivism). Đây là lối kiến trúc vận dụng nhiều phương tiện, chất liệu để phá vỡ, đảo lộn lối thiết kế thông thường và tìm ra một hướng nhìn mới hơn.
Zaha Hadid đã tham gia nhiều cuộc thi thiết kế quốc tế và giành được nhiều giải thưởng danh giá. Trong các dự án bà đã thiết kế, nổi bật nhất là The Peak Club ở Hồng Kông (Trung Quốc), xứ Wales năm 1994 và nhà hát Opera ở vịnh Cardiff.
Một trong những kiến trúc nổi bật của Zaha Hadid tại Hồng Kông chính là tháp đổi mới Tháp Đổi mới Jockey Club (Jockey Club Innovation Tower) thuộc Đại học Bách khoa Hồng Kông, một tòa nhà gồm 15 tầng lầu, đủ khả năng cung cấp không gian cho hơn 1.800 người.
Thiết kế này phỏng theo sự bất định của chất lỏng. Những khối bê tông tưởng như khô cứng như vách đá lại tuôn chảy mềm mại, lượn sóng nhịp nhàng theo sự biến đổi của các hình mảng nhô ra như vách đá.
Tháp Đổi mới Jockey Club hiện lên như một công trình của tương lai
Thông qua kiến trúc, Zaha đi tìm sự liên kết và hòa hợp giữa nhịp chảy cuộc sống bên ngoài và nhịp điệu nội thất bên trong. Theo những gì giới chuyên môn mô tả, Hadid có khả năng vẽ ra hàng loạt những góc độ đặc biệt, đột phá và chi tiết, giống như một khung cảnh phim mà đòi hỏi phải trang bị rất nhiều máy quay xung quanh để bắt trọn từng khung hình.
Công ty của bà nổi tiếng khắp thế giới nhờ những công trình mang tính đột phá, như Tòa nhà văn phòng Kurfurstendamm phía Tây Berlin, Đức. Tuy nhiên, điều khó khăn là các ý tưởng này rất mới và mang tính ý niệm nhiều hơn. Vì khác xa với kiến trúc truyền thống nên rất khó để hiện thực hóa tác phẩm trên mặt giấy. Cũng vì vậy mà trong các giải thưởng thiết kế bà giành được trong thời gian này, không có thiết kế nào được đem vào đời sống.
Zaha trở thành công dân Anh vào năm 1989. Theo Zaha, việc bà là phụ nữ trong một ngành công nghiệp vốn được chiếm ưu thế bởi đàn ông, đã phần nào cản bước bà. “Tôi là phụ nữ. Tôi làm những thứ kỳ lạ. Tôi nghĩ các yếu tố này đan xen vào nhau. Sự kỳ thị dành cho phụ nữ vẫn còn đó, dù bây giờ đã đỡ hơn một chút rồi”.
Zaha từng dự định sẽ rời khỏi thế giới kiến trúc đầy rẫy khắc nghiệt này. Nhưng "Hadid" có nghĩa là “sắt thép” trong tiếng Ả Rập, vì thế vận mệnh vẫn mách bảo bà rằng mình phải ở lại, bám trụ với ước mơ và xây đắp nên công trình kiến trúc trong mơ.
Thời điểm này, bà đang giảng dạy tại Trường Kiến trúc Yale, Đại học Cambridge, Đại học Harvard và Đại học Columbia. Tất cả các học sinh, đồng nghiệp đều hoan nghênh những ý tưởng kiến trúc mang hơi hướng hậu hiện đại (postmodern) của bà. Càng có thêm lý do để bà không dễ dàng từ bỏ.
Cuối cùng, công nghệ đã phát triển và bắt kịp với các thiết kế định hình tương lai của nữ kiến trúc sư. Các chương trình máy tính mô phỏng lại kỹ thuật xây dựng của Zaha, minh chứng thiết kế của bà là hoàn toàn khả thi. Tài năng của Zaha cuối cùng đã được công nhận.
Tòa nhà đầu tiên của Hadid là một trạm cứu hỏa gần biên giới Đức - Thụy Sĩ, có tên Vitra Fire Station, được xây vào năm 1993. Kiến trúc được xây dựa trên trường phái lập thể (cubism), lấy điểm nhấn là các mảng hình học, từ bỏ mọi khái niệm truyền thống về hình khối và không gian phối cảnh. Quan sát cách các hình mảng của tòa nhà hòa vào với nhau mà không xâm phạm, phá vỡ nhau, ta cảm giác như đang chiêm ngưỡng một công trình bước ra từ tương lai.
Năm 2003, khi thiết kế về Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Rosenthal của Zaha được khởi công và hoàn thiện ở Cincinnati, Ohio, nhà phê bình kiến trúc Herbert Muschamp của The New York Times đã gọi đây là “tòa nhà quan trọng nhất được hoàn thành kể từ sau Chiến tranh Lạnh”. Tòa nhà cũng là bảo tàng đầu tiên của Mỹ do một người phụ nữ thiết kế. Sự am tường về nghệ thuật cùng với khối óc luôn muốn phá vỡ ngôn ngữ kiến trúc thông thường của nữ kiến trúc sư đại tài đã thay đổi cách ta trải nghiệm không gian sống.
“Chúng tôi không giải quyết những ý tưởng quy chuẩn, và chúng tôi không tạo ra những tòa nhà nhỏ xinh. Mọi người luôn nghĩ là tòa nhà thì cần phải xây theo chữ nhật vì đây thường được coi là không gian tối ưu nhất. Nhưng thế giới không phải là một hình chữ nhật. Có rất nhiều địa hình trong kiến trúc vẫn chưa được khám phá”, Hadid từng phát biểu vào năm 2014.
Đến năm 2014, người trong ngành không ai là không biết đến cái tên Zaha Hadid, di sản của bà có ở khắp nơi trên thế giới. Phong cách của bà cũng có sự biến đổi theo thời gian, từ những góc nhọn sắc bén cho tới những đường cong uốn lượn, cầu kỳ, điểm chung là mọi kiểu dáng đều thách thức trọng lực, nhấn mạnh vào tính động của chủ thể.
Rất nhiều các kiến trúc của Zaha là phản chiếu từ những ký ức thời ấu thơ ở quê hương Iraq. Khi lên ý tưởng xây tòa tháp Signature tại Dubai, Zaha nhớ đến những ngọn cỏ đang đung đưa khi bố của bà đưa bà băng qua những vùng đầm lầy. Vì thế mà kiến trúc cuối cùng của tòa Signature mang dáng dấp của những ngọn cỏ đang “nhảy múa”.
Rất nhiều kiến trúc đều được Zaha lấy cảm hứng từ thiên nhiên, ví dụ những viên đá nằm dưới dòng suối (Nhà hát Opera Quảng Châu), ngôi sao và dải thiên hà (khu phức hợp Galaxy Soho ở Bắc Kinh).
Tại vũ trụ của riêng Hadid, biển và các thiên hà có thể cùng tồn tại song song. Giáo sư Rem Koolhaas từng mô tả học trò cũ của mình là “một hành tinh với quỹ đạo của riêng mình”, và bà có khả năng tạo ra những hình khối vượt ngoài tầm hiểu biết của con người. Thật vậy, các tòa nhà dám phá vỡ ranh giới tạo ra bởi Zaha đã giúp định nghĩa lại kiến trúc cho thế kỷ 21.
Năm 2004, Hadid trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Kiến trúc Pritzker, thường được mô tả là “giải Nobel về kiến trúc”. Công ty của bà đã hai lần giành được giải thưởng kiến trúc danh giá nhất của Vương quốc Anh, giải thưởng RIBA Stirling, một lần vào năm 2010, cho Bảo tàng Maxxi ở Rome và một lần nữa vào năm 2011, cho Học viện Evelyn Grace ở Brixton. Năm 2016, bà là người phụ nữ đầu tiên giành được giải thưởng Huy chương vàng Hoàng gia của Viện Kiến trúc sư Hoàng gia Anh. Vinh dự này được đích thân Nữ hoàng Anh trao tặng.
Tuy nhiên, không lâu sau khi nhận được Huy chương Hoàng gia, Zaha qua đời tại một bệnh viện ở Florida vào năm 65 tuổi, bỏ lại một số dự án vẫn còn dang dở. Nhưng sự hiện diện và cống hiến của bà cho nền kiến trúc thế giới chắc chắn đã trở thành động lực để những người kế nhiệm tiếp nối di sản và phát triển nó rực rỡ hơn nữa.
Hiện công ty của Zaha vẫn đang hoàn thiện những dự án mà bà đã bắt đầu và tiếp tục sứ mệnh định hình kiến trúc cho thế giới hiện đại.
Đông Hà (dịch)