2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà 
của gia đình thi sĩ Vũ Quần Phương

Thân mẫu và vợ là hai người phụ nữ quan trọng đã kiến tạo nên một nếp nhà ổn định, vững chắc cho gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương. Và từ nơi nếp nhà ấy đã tạo nên những tiền đề cơ bản (hiếu học, đạo đức, văn hóa ứng xử) để hai người con của ông trở thành những người thành đạt.

Người con lớn là GS Vũ Hà Văn, nhà Toán học nổi tiếng thế giới, giảng viên Đại học Yale (Mỹ); người con út là Thủ khoa đầu vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện là chuyên gia của hãng Google.

Nói đến sự thành đạt của mỗi con người, nhà văn Sơn Tùng có một đúc kết:

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 1.

Nhà văn Sơn Tùng

Các bậc thiên tài không có sẵn. Chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người và đi vào đời.

Nhà thơ Vũ Quần Phương, tên khai sinh là Vũ Ngọc Chúc, sinh năm 1940, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, quê cha ở Hải Hậu (Nam Định). Ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1965 và được nhận vào làm việc tại Bộ Y tế.

Tuy là bác sĩ, nhưng nghiệp văn thơ đã khiến ông rẽ ngang để trở thành người làm thơ chuyên nghiệp. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trân trọng gọi ông là "ông hoàng trong thơ cung đình", còn nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá ông là "nhà phê bình thơ có tài".

Trở về với đời thường, vợ chồng ông là thần tượng của những ông bố bà mẹ, khi có hai người con đều thành đạt kể trên.

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 2.

Vợ chồng nhà thơ Vũ Quần Phương - Đào Thị Hường.

Dù đã bước sang tuổi 85 nhưng sức khỏe của tác giả áng thơ "Áo đỏ" vẫn còn rất tốt. Ông mở đầu câu chuyện bằng một giọng nói lưu loát, nhẹ nhàng và ấm áp: "Bác mất bố năm lên 6, cho nên kế thừa những đức tính từ bố hơi ít, mà chủ yếu là từ mẹ bác".

Vợ chồng nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ về nếp nhà và cách giáo dục con cái.

"Bà giáo làng" tận tụy vì sự học của các con

Thân mẫu của nhà thơ Vũ Quần Phương vốn là người xã Xuân Phương (nay thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Khác với các anh chị em trong nhà, nhờ sự dìu dắt của người em họ là họa sĩ Trần Bình Lộc và một người chị có chồng là công chức ở ngoài Hà Nội, cụ được học hết bậc tiểu học Pháp - Việt, rồi trở về quề làm cô giáo làng. Cho đến ngày lập gia đình, cụ buộc phải thôi duyên với nghề dạy học, trở về với lam lũ với đời thường, lo cho chồng con.

Gần 30 tuổi, khi người con thứ 3 sắp chào đời, cụ ông mất sớm, cụ bà ở vậy nuôi các con. Thời đó đang chiến tranh, cuộc sống rất vất vả nhưng dù khổ đến mấy, cụ cũng quyết tâm cho các con đi học. Vì cụ nghĩ "phải có cái chữ thì con cái mới hết khổ".

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 3.

Nhà thơ Vũ Quần Phương thời nhỏ cùng bố mẹ.

Sau khi ông Phương học hết lớp Sơ đẳng (Cours Élémentaire, tương đương với lớp 3 bây giờ). Vì ở xã không có lớp cao hơn để học lên, cụ đã đưa con ra ngoài Hà Nội học tiếp.

"Thế là bác được ra Hà Nội trọ học. Tuy bây giờ 12 cây số chả đáng là bao, mất nửa tiếng đi xe. Nhưng thời ấy, với một đứa trẻ tuổi lên 10, sớm mồ côi cha, lại phải xa gia đình, ở trọ một mình để học tập thì nỗi nhớ ấy rất lớn, nhiều khi chỉ muốn được về nhà", ông Phương tâm sự.

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 4.

Thời ấy Hà Nội có xe điện, cụ vẫn định kỳ đến thăm nom, chu cấp tiền, gạo nước, học phí cho ông Phương. Khi cuộc gặp gỡ ngắn ngủi kết thúc, như mọi lần ông vẫn thường theo tiễn cụ đến Cầu Giấy, rồi bắt xe điện trở lại phòng trọ.

Có một lần, ông theo cụ về tận nhà tại làng Canh. Thấy con như vậy, cụ rất bối rối, cụ không mắng mỏ mà nhẹ nhàng khuyên con trở về phố tiếp tục việc học. Giờ đây, nhớ lại câu chuyện này, ông càng thấm thía tấm lòng của cụ. Bởi nếu cụ nghiêm khắc hơn với ông khi đó, có lẽ kỷ niệm này chẳng thể nào ám ảnh ông tới tận bây giờ.

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 5.

Càng học càng say mê, trong suốt 6 năm liền ông đều nhận học bổng của nhà trường. Và ngay sau khi tốt nghiệp được nhận về công tác tại Bộ Y tế, làm việc dưới thời của Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch.

Mẹ chồng tâm lý, ủng hộ sự học của nàng dâu

Tại Bộ Y tế, ông đã gặp được tình yêu lớn của đời mình - bà Đào Thị Hường - người sau này là vợ, là bạn, là người đồng hành cùng ông qua mọi trắc trở của cuộc sống.

Ông kể, khi ấy bà làm cán bộ văn thư và là Bí thư Đoàn của một Cục, còn ông là bác sĩ và là Bí thư Đoàn của Bộ. Ở cơ quan, bà Hường vốn nổi tiếng với cái nết cần cù, tính cách thùy mị, chiếc răng khểnh càng tôn thêm vẻ duyên dáng của một người con gái Hà Thành.

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 6.

Bà Đào Thị Hường thời con gái.

Nếu ông Phương sớm mồ côi cha thì bà Hường lại sớm mồ côi mẹ, một mình cha bươn chải nuôi 7 người con. Tuy vất vả, nhưng bà cũng được cha cho đi học, cho đến khi chị gái lập gia đình, bà buộc phải nghỉ học (khi học hết lớp 9) để cùng cha "cáng đáng công việc trong nhà", lo cho các em nhỏ.

Sau đó, bà có một cơ duyên về làm việc ở Bộ Y tế, nơi ông Phương công tác. Dẫu rằng đã lập gia đình nhưng khát khao về việc học vẫn còn âm ỉ trong tâm tưởng của bản thân.

"Thuở thiếu thời dù học khá nhưng vì hoàn cảnh gia đình, bác đã phải dừng việc học, đến khi hoàn cảnh đỡ vất vả hơn thì cái niềm ao ước đó lại trỗi dậy", bà Hường kể.

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 7.

Cảm nhận được tâm ý đó của con dâu, mẹ chồng đã ủng hộ bà tiếp tục việc học, cụ chăm nom cháu (anh Văn, sinh năm 1970) để bà có thời gian ôn thi. Về phần ông Phương, ông cũng ủng hộ ý nguyện của vợ và càng cố gắng làm việc hơn nữa để duy trì sinh kế gia đình.

Không phụ lòng gia đình, gần một năm kể từ ngày sinh con đầu lòng, vừa chăm con, vừa làm việc và vừa ôn thi (từ 4h30 sáng - 8h30 tối) thì đến tháng 5/1971, bà đỗ vào Trường Đại học Dược Hà Nội. Khi đó bà đã 25 tuổi, lớn hơn so với các bạn cùng khóa 5 - 6 tuổi.

Thời điểm đó, đế quốc Mỹ đẩy mạnh đánh phá ra miền Bắc, bà phải đi sơ tán theo trường, con nhỏ phải gửi ở nhà để mẹ chồng chăm sóc. Từ nơi sơ tán, mỗi tháng trung bình bà được về thăm gia đình một lần, khi đó gia đình bà đang sơ tán ở huyện Thạch Thất (nay thuộc TP Hà Nội).

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 8.

Vợ chồng nhà thơ Vũ Quần Phương - Đào Thị Hường và người con đầu - Vũ Hà Văn (SN 1970).

Mỗi lần về thăm con, bà đạp xe trung bình 140 cây số cả đi cả về, ở lại qua đêm rồi sáng mai dậy sớm trở lại trường học. Chiến tranh ác liệt, có một lần bà suýt "chết hụt" khi đang trên đường về thăm nhà. "Vừa qua cầu Long Biên thì phía sau bom rơi tạo thành một hố rất sâu", bà Hường (bồi hồi) nhớ lại.

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 9.

Bà Đào Thị Hường và các bạn thời học Trường Đại học Dược Hà Nội.

Giờ đây khi ở độ tuổi quá thất thập, mỗi khi nghĩ về cuộc đời của mình, bà Hường lại nhớ đến hình ảnh người mẹ chồng và trở nên xúc động: "Cụ là một người phụ nữ đảm đang, thương con, quý cháu. Trong cảnh con nhỏ khi đó, nếu không có cụ giúp đỡ, bác không thể nào tiếp tục việc học". 

Cụ là một người phụ nữ đảm đang, thương con, quý cháu. Trong cảnh con nhỏ khi đó, nếu không có cụ giúp đỡ, bác không thể nào tiếp tục việc học”

Bà Đào Thị Hường

"Nhan sắc thành đời anh và các con khôn lớn"

Bằng nỗ lực của mình, bà Hường đã kế tục truyền thống tốt đẹp đó từ người mẹ chồng, điều này được thể hiện qua việc dạy dỗ con cái. Ghi nhận điều đó, trong một bài thơ, ông Phương đã viết: "Phải chăng trước gương em thoáng nét buồn:/ tuổi trẻ xa rồi, nhan sắc đi đâu!/ Nhan sắc thành đời anh và các con khôn lớn/ Thành tháng ngày khuya sớm lo toan".

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 10.

Trong đời sống gia đình, nếu ông là người lo toan những việc "chiến lược" như tìm trường, thầy cho con học thì bà lại là người trực tiếp chăm sóc, là người bạn lắng nghe những tâm sự, thủ thỉ cùng con trong những câu chuyện hàng ngày.

Thuở hai con còn nhỏ, mỗi khi các con đi học về và sau bữa ăn, bà đều cùng các con giở cặp sách ra xem. Trước hết để nắm bắt việc học của các con trong ngày, sau đó xem vấn đề gì có thể phát sinh để cùng hai con tìm hướng giải quyết.

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 11.

"Đêm trước ngày anh Văn thi đại học môn Hóa, hai mẹ con bác có ngồi truy bài với nhau. Trong đề thi có một câu anh bị vấp, bác nhắc nhở anh phải xem lại, y như rằng hôm sau gặp đúng câu đó. Năm ấy, anh Văn đạt điểm tuyệt đối môn Hóa và trở thành Á khoa đầu vào của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội", bà Hường nhớ lại.

Dù rất kỳ vọng vào các con nhưng ông bà rất ít khi tạo áp lực cho con. "Lúc các anh còn nhỏ, bác chưa từng có ý nghĩ sau này các anh phải trở thành người nọ người kia. Trong thẳm sâu của một người mẹ, bác chỉ mong sao các anh mạnh khỏe, có được kiến thức để về sau tự nuôi sống bản thân và trở thành một người có ích cho xã hội", bà Hường chia sẻ.

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 12.

Bà Đào Thị Hường tiễn con trai Vũ Hà Văn tại Sân bay Nội Bài (Hà Nội) sang Hungary du học, năm 1987.

Bên cạnh việc học trong những năm tháng bao cấp khốn khó, ngoài việc giao cho anh Văn trông em, bà Hường còn giao chỉ tiêu cho anh mỗi ngày phải dán 100 bao bì cao sao vàng. Thông qua việc này, bà muốn rèn cho con tính tự lập và hiểu được giá trị của sự lao động.

Bà Đào Thị Hường kể lại kỷ niệm về chiếc bếp ăn tập thể với người con đầu.

Trong buổi ra mắt Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (Instiute of Big Data) cách đây ít năm, GS Vũ Hà Văn đã mời bố mẹ tới dự buổi ra mắt của Viện. "Hôm đó, ông bà đều rất vui. Tôi giải thích ý nghĩa và mục đích của Viện, bố mẹ đều cảm thấy đó là điều đáng làm, cảm thấy tự hào", GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata (Vingroup) chia sẻ.

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 13.

Giáo sư Vũ Hà Văn

Hôm đó, ông bà đều rất vui. Tôi giải thích ý nghĩa và mục đích của Viện, bố mẹ đều cảm thấy đó là điều đáng làm, cảm thấy tự hào.


2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 14.

Vợ chồng nhà thơ Vũ Quần Phương - Đào Thị Hường đón Tết Dương lịch 2024 cùng con cháu

"Cách giáo dục con cái giữa hai thế hệ đã có sự khác nhau, dẫu vẫn chưa thật thông nhưng tôi chấp nhận và tin tưởng rằng nó phù hợp. Và có lẽ tốt hơn, vì nó hướng con người làm chủ chính số phận của mình, dạy người ta biết nếm được cái vị hạnh phúc trên chính lưỡi của mình".

2 người phụ nữ kiến tạo nếp nhà của gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương- Ảnh 15.

"Cái hạnh phúc ở đây không phải do số đông mang lại, hoặc bị ảnh hưởng bởi quan niệm của số đông. Cho nên hạnh phúc giờ đây rất chủ quan, về vật chất có thể làm sao đủ ăn đủ mặc, không đói rét. Và nó chú ý nhiều đến giá trị tinh thần, trong đó có sự quan tâm lẫn nhau".

"Ở tuổi 85, tôi ngẫm nghĩ nhiều về điều đó, và thấy rằng khi biết cách quan tâm lẫn nhau – thì cả người quan tâm và người được quan tâm sẽ càng hạnh phúc. Và nếp nhà cũng khởi đầu từ đó", ông Phương chia sẻ.

Thực hiện: Trường Hùng

Ảnh: Lê Việt Hùng, Trường Hùng, NVCC