Hồng Kông: Những cái chết cô độc gia tăng vì đại dịch

Hồng Kông: Những cái chết cô độc gia tăng vì đại dịch

Không người thân ở cạnh, không con cái chăm sóc, mặc cảm về bản thân khiến nhiều người già Hồng Kông (Trung Quốc) có nguy cơ chết trong cô độc hoặc tự tử mà không ai biết.

Theo thống kê, có hơn 152.000 người từ 65 tuổi trở lên đang sống một mình ở Hồng Kông. Thiếu sự chăm sóc và hỗ trợ, nhiều người phải đối mặt với những rủi ro về sức khỏe thể chất và tinh thần, thậm chí chết trong cô độc.

Nhân viên xã hội và nhiều chuyên gia cảnh báo rằng những người cao tuổi sống một mình, không được gia đình hỗ trợ, không có cuộc sống xã hội bình thường cũng như không biết đến các mạng lưới hỗ trợ cộng đồng dễ bị cô lập hơn trong thời kỳ đại dịch. Họ lo sợ Hồng Kông sẽ ngày càng có nhiều người lớn tuổi chết trong cô độc.

Phẫu thuật mắt, nhưng không có con cái bên cạnh

Đã 79 tuổi, nhưng bà Ho Yau-lin vẫn không có ai bên cạnh khi phẫu thuật mắt trái vì đục thủy tinh thể. Bà Ho không nói cho 4 người con biết chuyện mổ mắt vì họ đều sống ở Trung Quốc đại lục, bà không muốn con lo lắng.

Được biết bà Ho sống một mình kể từ khi ly hôn từ 20 năm trước. Bà có một người anh họ sống cùng thành phố, nhưng hiếm khi liên lạc với nhau. Một bên mắt được băng lại sau phẫu thuật, lại không người thân bên cạnh, bà Ho, người sống ở khu Thâm Thủy Bộ, Hồng Kông phải bước đi chậm rãi khi làm việc nhà, cẩn thận để không va phải bất cứ thứ gì hoặc làm bản thân bị thương. Bà Ho sống nhờ vào vài nghìn USD tiền trợ cấp Trợ cấp An sinh Xã hội Toàn diện hàng tháng của Chính phủ.

Hồng Kông: Người già sống một mình - quả bom hẹn giờ cho cái chết cô độc - Ảnh 1.

Ho Yau-lin, 79 tuổi, sống một mình kể từ khi ly hôn khoảng 20 năm trước. Ảnh: Winson Wong

Bà Ho chia sẻ việc qua đời mà không ai hay biết thật là một thảm kịch. Bà nhớ lại cách đây vài năm, một căn hộ ở tầng trên tỏa ra mùi hôi thối. Qua nhiều ngày, những người hàng xóm lân cận mới ngửi thấy mùi lạ và gọi cảnh sát. Họ tìm thấy thi thể một người lớn tuổi trong phòng.

Với tình trạng sức khỏe mắc nhiều bệnh mãn tính, Ho thường xuyên đến bệnh viện và uống hơn 10 viên thuốc ngày. Bà nguệch ngoạc viết những lời nhắc nhở bản thân trên một tờ lịch trên tường.

Bà Ho mắc bệnh bệnh viêm khớp dạng thấp khiến các ngón tay, ngón chân bị biến dạng nghiêm trọng và cứng đơ. Ban đêm bà liên tục chịu đựng các cơn đau khớp và luôn để một lọ thuốc mỡ cạnh giường để xoa khi đau.

Bà nhờ hỗ trợ từ xe đẩy hàng khi mua hàng tạp hóa hoặc thu gom chai lọ và bìa cứng không dùng đến để kiếm thêm tiền. Tuy nhiên, hai năm trước, trong một lần không may, bà Ho va vào góc bàn ở nhà và bị gãy xương sườn. Bà gọi cho nhân viên xã hội và được đưa đến bệnh viện. Bà cho biết bà và con cái đã từng đến chỗ của nhau để thăm viếng, nhưng hai năm nay, vì đại dịch Covid-19 gia đình bà chưa một lần đoàn tụ.

Sống một mình với chứng mất trí nhớ

Những ngày này, Lau Sau-kam, 81 tuổi, phải ngồi cạnh bếp gas khi nấu ăn phòng khi quên việc mình đang làm. Nhiều lần bà nấu ăn nhưng lại quên mất, hàng xóm ngửi thấy mùi khét và đến gõ cửa.

Khoảng hai năm trước, bà Lau được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ, trí nhớ của bà đã kém đi kể từ đó. Ly hôn hơn 10 năm trước, bà sống một mình trong một khu nhà ở công cộng ở khu Thâm Thủy Bộ. Con gái bà Lau đã kết hôn và sống với gia đình chồng, thỉnh thoảng con gái đưa bà đi ăn vào chủ nhật. Trong khi đó, con trai bà sống ở Trung Quốc đại lục và ít khi liên lạc.

Hồng Kông: Người già sống một mình - quả bom hẹn giờ cho cái chết cô độc - Ảnh 2.

Lau Sau-kam, 81 tuổi, sống một mình trong một khu nhà ở công cộng ở Thâm Thủy Bộ. Ảnh: Winson Wong

Hai năm trước, bà Lau nằm bất tỉnh sau khi bị ngã. May mắn thay, bà được nhân viên bảo vệ phát hiện và gọi xe cấp cứu. Trong nhiều tuần sau khi trở về nhà, bà chỉ nằm trên giường mà không có ai bên cạnh chăm sóc. Ngay cả đi vệ sinh cũng khó khăn nên bà đã để một cái xô gần đó.

Lau cho biết bà từng tham gia hoạt động tại trung tâm cộng đồng và nhà thờ, nhưng đại dịch đã khiến mọi thứ tạm dừng. Hiện tại bà chủ yếu ở nhà, chơi game đánh bài để giữ tinh thần phấn chấn.

Để hạn chế chứng hay quên, bà Lau viết mọi thứ ra giấy, từ các cuộc hẹn bác sĩ ở bệnh viện đến các số điện thoại của người thân. Tuy vậy, bà vẫn phải mất một khoảng thời gian để tìm số của con gái và đôi khi quên cách viết chữ Hán. Lau nói: "Sống một mình rất khó, nhưng tôi không có ai để dựa vào ngoài bản thân mình".

Cô độc, chán nán và tự tử

Theo Samaritan Befrienders Hong Kong - tổ chức phòng chống tự tử, dữ liệu của Coroner's Court cho thấy có tổng cộng 1.019 vụ tự tử vào năm ngoái, trong đó người từ 60 tuổi trở lên chiếm 438 trường hợp, tương đương tỷ lệ 43%. Đây cũng là độ tuổi có số lượng người già tự tử cao nhất kể từ kỷ lục vào năm 1973.

Theo đó, với dân số già hóa ở Hồng Kông, nhân viên xã hội và các chuyên gia cảnh báo rằng nếu không có nhiều nỗ lực hơn để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi và cung cấp các dịch vụ mới, số lượng người già chết trong cô độc có thể sẽ tăng lên. Theo dự báo chính thức, số lượng người Hồng Kông từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng từ 1,32 triệu ở 2019 lên thành 2,52 triệu người vào năm 2039 và 2,58 triệu người vào năm 2069. Điều đó có nghĩa là cứ một trong ba người sẽ có một người cao tuổi.

Theo điều tra dân số năm 2016, có 152.536 người cao tuổi sống một mình, chiếm khoảng 13% trong tổng số 1,2 triệu người từ 65 tuổi trở lên. Ngoài ra, có hơn 293.000 người cao tuổi chỉ sống với vợ/chồng.

Sze Lai-shan, Phó giám đốc Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng (SoCO), cho biết hầu hết những người sống một mình thường ở trong các khu nhà công cộng, độc thân, không có con cái hoặc có con cái nhưng không ở cùng hoặc không nuôi dưỡng họ. Theo Sze, những người sống một mình và không có người chăm sóc phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn đối với sức khỏe thể chất và có thể không được điều trị y tế kịp thời. Một số người chán nản và quyết định tự tử, cô nói.

Mọi việc tồi tệ hơn trong đại dịch

Theo Ivan Lin Wai-kiu, người thuộc SoCO, ông nhận được nhiều cuộc gọi hơn trong thời gian xảy ra đại dịch. Trong khi một số người cần giúp đỡ để được đưa đến bệnh viện, nhiều người khác chỉ tìm kiếm kết nối xã hội trong bối cảnh các thành viên gia đình không thể đến thăm.

Hồng Kông: Những cái chết cô độc gia tăng vì đại dịch - Ảnh 3.

Có hơn 152.000 người từ 65 tuổi trở lên sống một mình ở Hồng Kông (Trung Quốc). Ảnh: Felix Wong

Ngoài ra, Hiệp hội An toàn Gia đình Công dân Cao tuổi, tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi bao gồm cả đường dây nóng khẩn cấp 24 giờ Care-on-Call, cũng nhận được nhiều cuộc gọi hơn trong thời gian xảy ra đại dịch từ những người cao tuổi sống một mình. Những yêu cầu bao gồm gọi xe cấp cứu và giúp đỡ dọn dẹp nhà cửa, trong khi một số người cần được tư vấn về tình cảm.

Tsang Siu-ha, cố vấn cấp cao của Samaritan Befrienders Hong Kong chia sẻ trường hợp một phụ nữ 60 tuổi sống một mình và đã tự tử vào tháng 6. Bà là góa phụ, từng sống với người con trai duy nhất. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, con trai dọn ra ngoài sống, bà ở một mình trong căn hộ công cộng Tân Giới Đông, Hồng Kông.

Đại dịch đến, những chuyến thăm của con trai dần ít đi khiến bà cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi. Tsang cho biết người phụ nữ lớn tuổi thường nhìn chằm chằm vào cửa sổ căn hộ và dường như muốn nhảy xuống dưới. "Những người cao tuổi sống một mình luôn bị cảm giác cô đơn lấn át. Họ đặt câu hỏi về giá trị bản thân và quan điểm sống", Tsang nói.

Từ tháng 6 đến tháng 7, Samaritan Befrienders đã phỏng vấn 613 người từ 60 tuổi trở lên, trong đó 91 người cảm thấy rất tồi tệ hoặc không ổn về tinh thần, 25 người có ý định tự tử. Nhiều người cho biết họ có lòng tự trọng thấp, cảm thấy rất cô đơn và thiếu ý nghĩa để sống, chủ yếu là do tình trạng sức khỏe và thực trạng xã hội.

Clarence Tsang Chin-kwok, giám đốc điều hành của tổ chức, cho biết đại dịch này đã góp phần vào gia tăng số lượng người cao tuổi tự tử vào năm ngoái, chẳng hạn như giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc người già gặp gỡ gia đình và bạn bè ít hơn so với trước đây.

Ở Hồng Kông, với dân số đang già đi, nhiều người lớn tuổi có ý định tự tử vì tình trạng sức khỏe không tốt, mắc bệnh mãn tính, khó thích nghi với việc nghỉ hưu cũng như cảm thấy bản thân là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tsang cho biết nhiều người không tìm kiếm sự giúp đỡ vì họ ngại làm phiền người khác.

Với dân số già của Hồng Kông và hệ thống chăm sóc người cao tuổi không đạt tiêu chuẩn, các chuyên gia cảnh báo vấn đề về những cái chết trong cô độc có thể trở nên tồi tệ hơn.

Kim Ngọc (Theo SCMP)