Khoảng 10 triệu người đã được chẩn đoán mắc chứng thoái hóa não ở Trung Quốc. Theo một nghiên cứu, khi dân số đang già đi nhanh chóng, số lượng người già ngày càng nhiều, số này sẽ tăng lên 40 triệu người vào năm 2050.
Lần đầu tiên ông Chen Shaohua, 68 tuổi ở Bắc Kinh mất tích và được cảnh sát tìm thấy, người thân của ông rất hoang mang. Khi ông Chen biến mất lần thứ hai, họ mới nhận ra rằng sức khỏe của ông không ổn, nhưng đã quá muộn.
"Chúng tôi đã bỏ lỡ những dấu hiệu ban đầu. Trong vài năm nay, mẹ phàn nàn rằng cha thường nói dối. Nhưng vì đã không sống với cha mẹ trong nhiều năm, chúng tôi không thể nhận định về việc này", Chen Yuanyuan, con gái ông Chen nói.
Sau đó, bác sĩ chẩn đoán Chen mắc bệnh Alzheimer, một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và cuối cùng cần được chăm sóc hoàn toàn.
Theo thống kê, khoảng 10 triệu người đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn thoái hóa não và không thể chữa khỏi ở Trung Quốc, chiếm khoảng 1/4 số ca bệnh trên thế giới.
Theo một nghiên cứu của Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, khi dân số nước này đang già đi nhanh chóng, con số này dự kiến sẽ tăng lên 40 triệu người vào năm 2050. Ngoài ra, báo cáo cảnh báo sự gia tăng này trong các trường hợp sẽ khiến nền kinh tế tiêu tốn khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm cho chi phí y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mặc dù chứng sa sút trí tuệ không phải là "hậu quả tất yếu của quá trình lão hóa sinh học", nhưng yếu tố nguy cơ nhất của bệnh này chính là tuổi tác. Jia Longfei, một bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm của khoa thần kinh tại Bệnh viện Tuyên Vũ của Đại học Y cho biết phần lớn bệnh nhân Alzheimer ở độ tuổi trên 65, nhưng một số ở độ tuổi từ 60 trở xuống.
Bệnh Alzheimer ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có sự chuẩn bị kém. Trong khi Mỹ có 6,2 triệu bệnh nhân Alzheimer với 73.000 giường bệnh ở các trung tâm điều trị chuyên khoa, Trung Quốc có gấp đôi số ca bệnh nhưng lại có ít hơn 200 giường.
"Không có vấn đề chăm sóc sức khỏe nào ở Trung Quốc lớn hơn bệnh Alzheimer. Đây là căn bệnh phổ biến nhất trên đại lục và chúng tôi không hề được trang bị để đối phó với nó", Wei Shouchao, một nhà thần kinh học từ Đại học Y Quảng Đông cho biết.
Khi Chen bắt đầu làm thất lạc chìa khóa hoặc ví, gia đình ông nghĩ rằng đó chỉ là do đãng trí của tuổi già. Lần đầu tiên ông mất tích, phải mất 40 giờ mới tìm thấy. Cảnh sát tìm được Chen khi có người dân báo có người đột nhập vào nhà họ.
"Nơi đó trông giống như nơi chúng tôi từng sống. Cha đã nhầm lẫn, ông ấy quên mất chúng tôi đang ở Bắc Kinh. May mắn là ông không bị ai hành hung", con gái ông Chen nói.
Không biết phải làm gì tiếp theo, các con đã mua cho Chen một chiếc đồng hồ có thể giúp họ định vị vị trí của ông. Nhưng lần thứ hai mất tích, Chen đã tháo đồng hồ ra, lúc này gia đình nhận ra người đàn ông 68 tuổi cần hỗ trợ từ y tế.
Con gái ông, Chen Yuanyuan nói: "Chúng tôi chưa bao giờ nghi ngờ cha mắc bệnh Alzheimer bởi vì gia đình không ai có tiền sử mắc bệnh này và cũng vì ông ấy còn khá trẻ".
Chen là một cựu nhạc sĩ quân đội; ông chơi một số nhạc cụ cổ điển của Trung Quốc, bao gồm cả sáo trúc. Ông có thể lực tốt, nhớ rất rõ những điều đã xảy ra hàng thập kỷ trước. Bề ngoài, dấu hiệu nguy cơ duy nhất của bệnh là ông nói về các sự việc trong quá khứ như thể chúng đang xảy ra ngay hiện tại.
He Yao từ Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng Quốc gia về Bệnh Lão khoa cho biết khi hàng triệu người di cư đến các thành phố, cha mẹ già sống ở nông thôn của quốc gia tỷ dân này thường bị "bỏ lại phía sau và dễ bị tổn thương".
Theo He, một khi các gia đình thiếu nhận thức đồng nghĩa với việc bệnh nhân không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế thích hợp trong nhiều năm. "Điều này khiến cơ hội bị bỏ lỡ vì các biện pháp can thiệp sớm có thể làm chậm bệnh tiến triển", He nói.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch hành động "Trung Quốc Khỏe Mạnh 2030", triển khai các chương trình tầm soát cấp cộng đồng nhằm phát hiện sớm bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ và nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này.
Wei, nhà thần kinh học nói: "Các bác sĩ ở nông thôn không được đào tạo để chẩn đoán về bệnh Alzheimer sớm. Ngay cả Bắc Kinh cũng chỉ có một trung tâm có nhân viên được đào tạo để chăm sóc bệnh nhân Alzheimer".
Bệnh nhân mắc các loại bệnh sa sút trí tuệ thường cần được chăm sóc cả ngày lẫn đêm, và vì vậy những người chăm sóc có thể bị ảnh hưởng đáng kể về thể chất, tinh thần cũng như kinh tế, đặc biệt nếu có ít sự trợ giúp về chuyên môn.
Bà Weng Shiyin, vợ của Hu Shaozeng – một người 71 tuổi mắc bệnh Alzheimer cho biết ông Hu đã đi lạc vài lần trong nhiều năm qua. Các triệu chứng của ông ngày càng nghiêm trọng hơn và hầu như không thể hiểu được những gì người thân nói. Ngoài ra, Hu cũng phát triển các vấn đề tâm thần như ảo giác thính giác và thậm chí đã đánh người.
Để giúp điều trị cho Hu, gia đình sống ở huyện Xuyên Hà, phía bắc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc, thường xuyên đi đi về về giữa Bắc Kinh, nơi chất lượng y tế tốt hơn. Tiền thuốc điều trị lên tới khoảng 30.000 nhân dân tệ (4.434 đô la Mỹ) một năm, chưa kể đến chi phí di chuyển và điều trị y tế.
Trong khi đó, con trai của ông Chen, Chen Yunpeng, đã phải đưa cha đến công ty để đảm bảo an toàn cho ông. Anh làm việc tại một công ty Logistics và có công việc khá bận rộn. Tuy nhiên, vì không có các cơ sở cộng đồng chăm sóc người mắc bệnh Alzheimer nên anh phải đưa cha cùng đến kho hàng nơi anh làm việc.
Khi Chen biến mất, gia đình phải nhờ đến một nhóm tình nguyện giúp tìm kiếm những người già mất tích. Hơn mười người bao gồm cả công chức đã nghỉ hưu, giáo viên và các phụ nữ làm nội trợ đổ xô đến địa điểm nơi Chen được nhìn thấy lần cuối và giúp cảnh sát xem xét các cảnh quay CCTV từ camera công cộng hàng giờ đồng hồ để tìm manh mối về nơi Chen đã đi qua. Nhóm tình nguyện cho biết họ đã tìm được 300 bệnh nhân Alzheimer mất tích kể từ năm 2016.
Su Xiao, người đứng đầu Trung tâm Dịch vụ Cứu hộ Khẩn cấp Zhiyuan ở Bắc Kinh: "Hầu như mỗi ngày chúng tôi đều nhận được cuộc gọi báo cha mẹ mất tích từ các gia đình trên khắp đất nước. Tuy nhiên, nguy hiểm thực sự là những người lớn tuổi bị mắc kẹt trong các công trường xây dựng bị bỏ hoang, rơi xuống hố hở hoặc ra ngoài khi thời tiết xấu".
Các cơ quan y tế Trung Quốc sẽ sàng lọc cộng đồng bệnh Alzheimer đối với người cao tuổi và đưa ra biện pháp can thiệp có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Theo một kế hoạch do Ủy ban Y tế Quốc gia ban hành, các cơ sở chăm sóc sức khỏe cấp cộng đồng sẽ tiến hành đánh giá chức năng nhận thức đối với người cao tuổi trong phạm vi của mình; đồng thời viện dưỡng lão cũng sẽ thực hiện đánh giá người già sống tại đây.
Theo kế hoạch, những người bị nghi mắc bệnh Alzheimer sẽ được khuyến cáo đi khám tại các bệnh viện tuyến trên, với việc khám sàng lọc sẽ bao phủ 80% người từ 65 tuổi trở lên ở mọi cộng đồng dân cư và làng xã. Ngoài ra, kế hoạch cũng nêu ra việc điều trị cho bệnh nhân Alzheimer tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe cấp cộng đồng với sự giúp đỡ của các tập đoàn y tế.