Những phụ nữ góp phần định hình thế giới trong năm 2021

NHỮNG PHỤ NỮ GÓP PHẦN ĐỊNH HÌNH THẾ GIỚI TRONG NĂM 2021

Mặc dù 2021 là một năm đầy biến động nhưng phụ nữ khắp nơi trên thế giới vẫn không ngừng nỗ lực để khẳng định giá trị bản thân. Mới đây, trang tin tức France 24 đã bình chọn một số nhân vật nữ góp phần định hình thế giới trong năm 2021.

Với Olympic Tokyo, các nữ vận động viên đã vươn lên tầm cao mới khi thúc đẩy yêu cầu bình đẳng trong thể thao. Tháng 11, ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái trở thành tâm điểm khi cho biết từng bị một cựu quan chức của Trung Quốc cưỡng bức tình dục, góp phần đưa phong trào #MeToo tại Trung Quốc hoạt động mạnh mẽ hơn.

Chính trường chào đón những gương mặt mới, nhưng cũng chứng kiến sự ra đi đầy xúc động. Cuối tháng 9, bà Najla Bouden của Tunisia trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của thế giới Ả Rập, trong khi đầu tháng 12, châu Âu xúc động chia tay nữ chính trị gia quyền lực nhất trong 16 năm qua, Angela Merkel của Đức.

Mặt tối của mạng xã hội trở thành tâm điểm khi Frances Haugen, cựu nhân viên Facebook cáo buộc mạng xã hội này theo đuổi lợi nhuận thay vì an toàn trong khi Maria Ressa, nữ nhà báo đoạt giải Nobel Hòa bình phơi bày sự thật tàn khốc về tin tức giả mạo và thông tin sai lệch ở quê hương Philippines.

Tại Pháp, Clarisse Cremer phá vỡ kỷ lục thế giới trong cuộc đua vòng quanh thế giới một mình cho phụ nữ. Tháng 11, nghệ sĩ gốc Mỹ Joséphine Baker trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên được đưa vào điện Panthéon - Paris, nơi tôn vinh những nhân vật lịch sử và những người đã làm rạng danh cho nước Pháp.

Với phụ nữ Afghnaistan, 2021 là một năm tàn khốc khi Taliban trở lại nắm quyền hồi giữa tháng 8. Nhiều người lo sợ những tiến bộ về quyền phụ nữ đạt được thời gian qua sẽ mau chóng bị xóa sổ.

Bà Angela Merkel rời nhiệm sở

Bà Angela Merkel giữ nhiệm kỳ kỷ lục ngay khi bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Đức vào ngày 22/11/2005. Trong 16 năm cầm quyền, bà được ghi nhận là người đã nâng tầm ảnh hưởng của Đức, nỗ lực thiết lập một Liên minh châu Âu vững chắc, giải quyết hàng loạt cuộc khủng hoảng và trở thành hình mẫu cho phụ nữ.

Được biết đến với sự tỉnh táo, điềm tĩnh và sức mạnh trầm lặng của mình, cựu thủ tướng 67 tuổi, người được gọi trìu mến là "Mutti Merkel" (mẹ Merkel) đã trở lành tấm gương của một vị lãnh đạo cẩn trọng và không khoa trương. Ngay sau khi rời nhiệm sở, "nỗi nhớ Merkel" càn quét đất nước, đặc biệt là trong một thế hệ người Đức vốn đã quen với "tượng đài" Angela Merkel kể từ năm 2005.

Nhìn lại năm 2021 với những người phụ nữ "định hình" thế giới - Ảnh 1.

Bà Angela Merkel rời nhiệm sở sau 16 năm lăn lộn chính trường

Josephine Baker được vinh danh tại điện Panthéon

Josephine Baker, nữ điệp viên, nghệ sĩ múa và nhà hoạt động dân quyền người Pháp gốc Mỹ được vinh danh tại Panthéon của Pháp vào ngày 30/11, nửa thế kỷ sau khi bà qua đời. Bà trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên bước vào lăng mộ dành cho "những người vĩ đại" của Pháp.

Sinh ra ở St Louis, Missouri, Baker đảm nhận nhiều vai trò trong sự nghiệp trải dài trên khắp các lục địa, kỷ nguyên và những cuộc chiến tranh. Bà được nhớ đến nhiều nhất ở Pháp, trở thành điệp viên đầy tài năng với những đóng góp lớn cho cuộc chiến chống phát xít Đức của quân Đồng minh trong suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới II.

Trong buổi lễ tại Panthéon, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ lòng tôn kính đối với một "anh hùng chiến tranh, chiến binh, vũ công, ca sĩ; một phụ nữ da đen bảo vệ người da đen, nhưng trước hết là một phụ nữ bảo vệ loài người".

Nhìn lại năm 2021 với những người phụ nữ "định hình" thế giới - Ảnh 2.

Josephine Baker là người phụ nữ da đen dầu tiên được vinh danh tại điện Panthéon

Bành Soái đại diện cho #MeToo ở Trung Quốc

Tháng 11, khi Bành Soái (Peng Shuai), ngôi sao quần vợt Trung Quốc mất tích vài tuần sau công khai cáo buộc Trương Cao Lệ, cựu phó thủ tướng và một trong những chính trị gia quyền lực nhất Trung Quốc từng ép cô quan hệ tình dục, hashtag #WhereIsPengShuai? (Peng Shuai ở đâu?) trở thành chủ đề thảo luận trên toàn cầu.

Bành Soái, cựu vô địch Grand Slam đã đưa ra cáo buộc này trong một bài đăng ngày 2/11 trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc và ngay lập tức bị các cơ quan kiểm duyệt nhà nước xóa bỏ. Sự biến mất của Bành Soái sau đó gây ra một làn sóng phản đối toàn cầu, với các vận động viên nổi tiếng, chính phủ nước ngoài và Liên Hợp Quốc bày tỏ quan tâm trước tình hình của cô.

Ngôi sao quần vợt 35 tuổi xuất hiện trở lại trong một bài đăng của Giải quần vợt China Open, sau đó là trong một clip nói chuyện với người đứng đầu Ủy ban Olympic Quốc tế và cho biết cô "an toàn và khỏe mạnh". Trong cuộc phỏng vấn ngày 20/12 với tờ nhật báo có trụ sở tại Singapore, Bành Soái phủ nhận việc cô đưa ra cáo buộc tấn công tình dục và bài đăng trên mạng xã hội của cô trước đó đã bị hiểu nhầm. Tuy nhiên, Hiệp hội Quần vợt nữ (WTA) cho biết họ không bị thuyết phục bởi hành động rút lui của cô Bành, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi điều tra về an toàn của cô.

Nhìn lại năm 2021 với những phụ nữ "định hình" thế giới - Ảnh 3.

Bành Soái trờ thành gương mặt đại diện cho phong trào #MeToo ở Trung Quốc

Maria Ressa đề cao tự do báo chí ở Philippines

Trọng tâm công việc của Maria Ressa ở quê hương Philippines là hướng đến tự do truyền thông và sự thật, đồng thời ngăn chặn tin tức giả và thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội. Năm nay, nữ nhà báo 58 tuổi và nhà báo Dmitry Muratov của Nga đã được đồng trao giải Nobel hòa bình vì "dũng cảm đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận". Ressa đang được tại ngoại để chờ kháng cáo trong một vụ phỉ báng, trong đó bà đối mặt với án tù 6 năm.

Ressa là người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành trang web tin tức Rappler, nơi cung cấp thông tin về chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mà hàng nghìn người bị hành quyết bởi "đội tử thần". Rappler là một trong số ít các phương tiện truyền thông ghi lại những vụ hành quyết và thách thức tính hợp pháp của chúng.

Là một cựu phóng viên CNN, Ressa đã nhiều lần bất chấp đe dọa để theo đuổi công việc của mình ở Philippines. Bà phải đệ đơn lên bốn tòa án để được phép đến Oslo, thủ đô Na Uy vào tháng 12 và nhận giải Nobel trước khi trở về quê nhà.

Nhìn lại năm 2021 với những phụ nữ "định hình" thế giới - Ảnh 4.

Nữ nhà báo Maria Ressa được trao giải Nobel hòa bình vì "dũng cảm đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận"

Frances Haugen tố cáo Facebook

Trước ngày 3/10, hầu hết mọi người chưa bao giờ nghe nói đến cái tên Frances Haugen. Người phụ nữ 37 tuổi được nhiều người biết đến khi lên tiếng vạch trần mặt tối của đế chế truyền thông xã hội Facebook.

Tháng 5/2021, Haugen rời khỏi vị trí giám đốc sản phẩm tại gã khổng lồ công nghệ, mang theo hàng chục nghìn tài liệu. Bằng chứng cô cung cấp cho cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ và báo chí cho thấy Facebook gây hại cho trẻ em và kích động bạo lực chính trị.

Kể từ khi xuất hiện trước truyền thông vào tháng 10, Haugen đã gặp gỡ nhiều nhà lập pháp ở Mỹ và khắp châu Âu, cáo buộc công ty của Mark Zuckerberg chọn "lợi nhuận thay vì an toàn". Tại mỗi điểm dừng, cô luôn kêu gọi các quy định khẩn cấp để kiểm soát việc quản lý của Facebook và giảm thiểu tác hại gây ra cho xã hội.

Nhìn lại năm 2021 với những phụ nữ "định hình" thế giới - Ảnh 5.

“Người tuýt còi” Frances Haugen tố cáo Facebook chọn "lợi nhuận thay vì an toàn"

Najla Bouden trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của thế giới Ả Rập

Cuối tháng 9, Tổng thống Kais Saied của Tunisia bất ngờ bổ nhiệm bà Najla Bouden Romdhane, 63 tuổi làm thủ tướng của quốc gia này. Bà Bouden là một giáo sư đại học, có bằng tiến sĩ địa chất và cũng là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này trong thế giới Ả Rập. Trong suốt sự nghiệp của mình, bà Bouden cho đến nay không thuộc bất kỳ đảng phái chính trị nào.

Trước khi được bổ nhiệm, Bouden giữ các vị trí cấp cao tại Bộ giáo dục Tunisia, đặc biệt là giám sát việc thực hiện các dự án của Ngân hàng Thế giới. Bà phải đối mặt với nhiều thách thức khi đảm nhận chức thủ tướng ở một đất nước bị rung chuyển bởi bất ổn chính trị và cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Nhìn lại năm 2021 với những phụ nữ "định hình" thế giới - Ảnh 6.

Najla Bouden là nữ thủ tướng đầu tiên của thế giới Ả Rập

Phụ nữ Afghanistan biểu tình đòi quyền lợi

Vào cuối tháng 8, cơn ác mộng của phụ nữ Afghanistan trở thành hiện thực khi Taliban trở lại nắm quyền. Tuy nhiên, họ không lặng lẽ khuất phục mà vùng lên biểu tình ở các thành phố lớn trên khắp đất nước để bảo vệ quyền được học tập, làm việc và quyền tham gia vào chính trị.

Những vụ bắt bớ, sách nhiễu và giết người diễn ra ngay sau đó. Vào ngày 5/11, 4 thi thể phụ nữ được phát hiện trong một con mương gần thành phố Mazar-i-Sharif, miền bắc nước này. Trong số đó có Forouzan Safi, nhà vận động nổi tiếng cho quyền của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan.

Taliban hứa hẹn sẽ đưa ra chế độ cai trị ít tàn bạo hơn so với những năm 1990, nhưng phần lớn phụ nữ vẫn bị loại trừ khỏi các dịch vụ dân sự và giáo dục trung học, chỉ được ra ngoài khi có người giám hộ nam đi cùng. Nhiều phụ nữ cho biết các vụ đánh đập, hôn nhân cưỡng bức và bắt cóc đang gia tăng. Ngoài ra, phụ nữ Afghanistan cũng đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế đang hoành hành đất nước vì phần lớn viện trợ nước ngoài đã bị đóng băng kể từ khi Taliban tiếp quản.

Nhìn lại năm 2021 với những phụ nữ "định hình" thế giới - Ảnh 7.

Phụ nữ Afghanistan biểu tình đòi quyền lợi, bảo vệ quyền được học tập, làm việc và quyền tham gia vào chính trị

Clarisse Agbégnénou giành huy chương vàng Olympic

Ở tuổi 28, Clarisse Agbégnénou, người 5 lần vô địch judo thế giới, đã lần đầu tiên giành được Huy chương Vàng Olympic. 5 năm sau thất bại chung cuộc đầy cam go trước Tina Trstenjak của Slovenia, Agbégnénou giành Huy chương Vàng ở hạng cân 63kg nữ tại Olympic Tokyo năm nay.

Agbégnénou, người cầm cờ Pháp tại Olympic Tokyo là một nhân vật truyền cảm hứng cho cuộc chiến đấu với định kiến phân biệt giới tính trong thể thao. Nữ võ sĩ judo từ lâu đã vận động cho bình đẳng giới trong thể thao và các lĩnh vực khác vốn thường quan niệm chỉ dành cho nam giới. Cô được biết đến với các bài phát biểu về những chủ đề bị coi là cấm kỵ, bao gồm kinh nguyệt và mang thai trong thể thao.

Nhìn lại năm 2021 với những phụ nữ "định hình" thế giới - Ảnh 8.

Clarisse Agbégnénou truyền cảm hứng cho cuộc chiến đấu với định kiến phân biệt giới tính trong thể thao

Clarisse Cremer phá kỷ lục nữ cuộc đua solo vòng quanh thế giới

Ngày 3/2, nữ thủy thủ người Pháp Clarisse Cremer cho thuyền cập cảng Les Sables d'Olonne, miền tây nước Pháp và phá kỷ lục nữ ở cuộc đua solo vòng quanh thế giới do Ellen MacArthur của Anh nắm giữ trước đó. Trước hàng nghìn người chứng kiến khoảnh khắc làm nên lịch sử, người phụ nữ 31 tuổi hoàn thành cuộc đua Vendée Globe khắc nghiệt trong 87 ngày, 2 giờ 24 phút – nhanh hơn 7 ngày trước mốc MacArthur đạt được hai thập kỷ trước đó.

Cremer trở thành người phụ nữ thứ bảy chinh phục giải Vendée Globe, một trong những thử thách khó khăn nhất trong thể thao vốn do nam giới thống trị từ lâu. Cremer cũng là một trong những người tiên phong tham gia cuộc thi đua thuyền nữ, cùng với MacArthur và Florence Arthaud, người phụ nữ đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc đua thuyền xuyên Đại Tây Dương Route du Rhum.

Nhìn lại năm 2021 với những phụ nữ "định hình" thế giới - Ảnh 9.

Clarisse Cremer phá kỷ lục nữ cuộc đua solo vòng quanh thế giới

Kim Ngọc (dịch)