pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2021
Covid-19 ám ảnh cả thế giới
Covid-19 ám ảnh cả thế giới
Tính đến 25/12/2021, theo số liệu của WorldOMeters (trang web cung cấp số liệu thống kê thực tế), Covid-19 đã xuất hiện ở 230 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hơn 5 triệu người đã thiệt mạng vì Covid-19 cho dù gần 8 tỷ liều vaccine đã được tiêm. Ngay khi các cuộc thử nghiệm lâm sàng thành công về thuốc điều trị Covid-19 mang lại hy vọng thế giới sẽ được trở về trạng thái bình thường, những lo ngại về biến thể mới Omicron lại nổi lên.
Khi năm mới 2022 chỉ còn tính bằng ngày, biến thể Omicron tiếp tục lây lan với tốc độ chưa từng thấy, khiến hàng loạt quốc gia phải đau đầu tìm biện pháp đối phó. Nhiều nước phải áp dụng các biện pháp cách ly và phong tỏa mới, đặc biệt các biện pháp này đã kéo dài lâu hơn dự định. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London (Anh) vừa công bố kết quả cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron cao gấp 5 lần so với biến thể Delta.
Các nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến cho bức tranh thế giới năm nay trở nên ảm đạm. Tình hình dịch nghiêm trọng ở Mỹ, châu Âu đã làm dấy lên làn sóng phân biệt chủng tộc, với nhiều vụ tấn công nhắm vào người gốc Á ngay trên đường phố.
Khí hậu khắc nghiệt
Những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng đang đe dọa tới cuộc sống của hàng tỷ người. Năm nay, lũ lụt thảm khốc ở Đức và Bỉ đến các trận cháy rừng kinh hoàng và kéo dài ở Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Algeria… 7 năm qua là giai đoạn nóng nhất từ trước tới nay. Mực nước biển trung bình đã tăng từ 2,1 mm trong giai đoạn 1993 - 2000 lên 4,4 mm mỗi năm trong giai đoạn 2013 - 2021, phần lớn do các sông băng và tảng băng tan chảy.
Theo UN Women, biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến các nhóm dân cư nghèo khó, 70% trong số này là phụ nữ. Phụ nữ là những người dễ bị tổn thương gấp 14 lần so với nam giới trong các thảm họa thiên nhiên. Phụ nữ rất dễ bị tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu với sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực thu hút tới 43% lực lượng lao động toàn thế giới, trong đó 65% là phụ nữ. 80% số người phải di dời chỗ ở vì biến đổi khí hậu là phụ nữ.
Vào tháng 11, gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh). Đã có hơn 130 nước cam kết mức phát thải ròng carbon bằng 0 với các mục tiêu từ nay đến năm 2060.
Nước Mỹ có Phó Tổng thống nữ đầu tiên
Bà Kamala Harris ngày 20/1 đã làm nên lịch sử, phá vỡ giới hạn bấy lâu tại Mỹ: Trở thành người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ da màu đầu tiên và người gốc Nam Á đầu tiên được bổ nhiệm làm phó tổng thống. Hồi tháng 11, bà cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ nắm quyền tổng thống khi ông Biden cần gây mê để làm nội soi và bà được tạm chuyển giao quyền lực.
Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan
Ngày 15/8, một cuộc tấn công chớp nhoáng sau khi binh sỹ Mỹ và Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút lui, Taliban đã giành lại quyền lực tại Afghanistan 20 năm sau khi bị liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu lật đổ. Trẻ em gái trên 12 tuổi bị cấm đến trường, trong khi phụ nữ được yêu cầu ở yên trong nhà.
Mặc dù đưa ra lời hứa sẽ điều hành đất nước ôn hòa hơn và đảm bảo quyền của phụ nữ nhưng Taliban không dành vị trí nào cho phụ nữ trong nội các. Việc loại bỏ hàng chục nghìn người lao động nữ làm nạn đói càng thêm tồi tệ hơn, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi phụ nữ chiếm gần 1/3 lực lượng lao động.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh người dân Afghanistan cần "phao cứu sinh" trong thời khắc có lẽ là nguy hiểm nhất sau nhiều thập kỷ nước này chìm trong nội chiến. 3,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tại Afghanistan sẽ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong mùa đông này. 1/3 trong số đó có thể tử vong nếu không được đưa đến các cơ sở điều trị.
Châu Âu biến động
Với 16 năm lãnh đạo nước Đức, Thủ tướng Angela Merkel từng là gương mặt đại diện cho châu Âu, giúp nước Đức trở thành một lực lượng ổn định trên bàn cờ thế giới. Bà rút lui khỏi chính trường và nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Olaf Scholz thay thế vị trí của bà. Thế nhưng, châu Âu chưa thể chọn ra một "người dẫn dắt" mới thay bà Merkel.
Một cuộc tranh cãi cũng đã bùng nổ tại EU sau phán quyết ngày 7/10 của Tòa án Hiến pháp Ba Lan, trong đó nói rằng luật châu Âu chỉ có thể được áp dụng trong các lĩnh vực cụ thể, khiến Ba Lan phải đối đầu với phần còn lại của khối. Năm nay, châu Âu là điểm nóng của các cuộc khủng hoảng nhập cư. Vào tháng 11, hàng nghìn người di cư, trong đó có 200 trẻ em và 600 phụ nữ, chủ yếu từ Trung Đông phải sống tạm bợ trong mùa đông giá lạnh ở biên giới của Belarus giáp với Ba Lan để tìm cách vào EU.
Đi kèm với việc tìm kiếm cuộc sống mới của những người di cư là các vấn nạn nghiêm trọng như buôn người; đánh cược mạng sống khi vượt biển; quá tải trại tị nạn, khủng hoảng nhân đạo…