Chị Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1984, ở Yên Sở, Q.Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết, cách đây không lâu, chị làm kế toán trong doanh nghiệp. Dịch Covid-19 kéo dài nên doanh nghiệp phá sản, chị mất việc. Công việc bị đứt quãng, tài chính trong gia đình ngày càng eo hẹp theo thời gian giãn cách xã hội. Chị suy tính, nếu rút BHXH một lần thì chỉ có được một khoản tiền nhỏ so với số năm đã đóng BHXH. Điều đó cũng đồng nghĩa, trong tương lai lâu dài, sẽ không còn chỗ dựa an sinh khi tuổi cao, không còn sức lao động.
Khi làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, chị Ngọc được cán bộ BHXH tư vấn tham gia BHXH tự nguyện. Nhận thấy những lợi ích lâu dài khi đóng tiếp BHXH nên chị đã quyết định tham gia. Chị đã tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng hơn 900.000 đồng/tháng với hình thức đóng 3 tháng 1 lần, chuyển khoản cho đại lý thu.
"Mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng không lớn, hình thức đóng thuận tiện, tôi dự định sẽ đóng đến khi nào tìm được việc mới, lúc đó tôi được cộng nối luôn thời gian đóng BHXH mà không bị ngắt quãng" - chị Ngọc cho biết.
Theo quy định, trường hợp người lao động nghỉ việc để tìm việc mới, người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH.
Theo các chuyên gia, trong trường hợp người lao động nghỉ việc ở đơn vị cũ để tìm công việc mới tốt hơn, nên lựa chọn việc bảo lưu thời gian tham gia BHXH. Việc bảo lưu thời gian này rất có lợi cho người lao động. Trong trường hợp khi tìm được việc làm mới, người lao động sẽ tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc.
Đối với trường hợp người lao động nghỉ hẳn và làm việc tự do, không ký kết hợp đồng lao động với bất kỳ đơn vị hay doanh nghiệp nào thì người lao động nên lựa chọn hình thức tham gia BHXH tự nguyện.
Với hình thức tham gia BHXH này, người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Việc tham gia BHXH tự nguyện sẽ tiếp tục duy trì thời gian để hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất cho người lao động. Ngoài ra người lao động còn được Nhà nước khuyến khích tham gia bằng cách hỗ trợ một phần tiền đóng BHXH tự nguyện để khuyến khích người dân tham gia.
Theo BHXH Việt Nam, mức đóng BHXH bắt buộc hiện tại là 25,5% mức thu nhập hằng tháng của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17,5%.
Ví dụ, nếu thu nhập của người lao động là 5 triệu đồng/tháng thì quỹ BHXH thu được 1.275.00 đồng. Trong đó, người lao động đóng 400.000 đồng (31% tổng quỹ), người sử dụng lao động đóng 875.000 đồng (69% tổng quỹ).
Vì vậy, khi tham gia BHXH với việc bỏ ra số tiền 8% thu nhập hằng tháng (31% tổng quỹ), người lao động được hưởng tất cả (100%) lợi ích từ nguồn quỹ này bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Chỉ tính riêng mức lương hưu tối đa, người lao động nhận được với mức thu nhập đóng 5 triệu đồng/tháng là 3.750.000 đồng/tháng cũng đã lớn hơn rất nhiều số tiền mà người lao động phải bỏ ra là 400.000 đồng/tháng.
Nếu là người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện, người lao động có thể lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng).
Như vậy, với tỷ lệ đóng hàng tháng 22%, thì số tiền đóng mỗi tháng tương đương với 138.600 đồng (nhà nước đã hỗ trợ 10%), nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức đóng.
Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT có mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia BHXH còn được hưởng chế độ tuất khi người tham gia BHXH qua đời.
Việc nhận BHXH một lần có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt nhưng đồng nghĩa với việc người lao động đang đánh mất cơ hội an sinh của tuổi già, cái tuổi dễ bị tổn thương nhất: Hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh, sức khỏe suy yếu không thể lao động. Rất nhiều người khi đã nhận BHXH một lần lại muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng không thể được.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn