'Lợi gộp' khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện

10/09/2019 - 12:21
Để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đảm bảo an sinh xã hội, các chuyên gia đề xuất cần đẩy mạnh “kích cầu” từ nhà nước, hỗ trợ tới 50% mức đóng, thậm chí tăng cao hơn nữa mức hỗ trợ với hộ cận nghèo và hộ nghèo, chính sách.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/7/2019, số người tham gia BHXH tự nguyện toàn quốc là 424.209 người, đạt 86,4% kế hoạch giao, tăng hơn 18 nghìn người người so với tháng 6/2019; số người còn phải phát triển 5 tháng cuối năm là 66 nghìn người. Tuy vậy, qua hơn 10 năm thực hiện nhưng số người tham gia loại hình bảo hiểm này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, dư địa phát triển đối tượng là rất lớn, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức có nguồn thu nhập ổn định và khá cao vẫn chưa mặn mà tham gia như lao động giúp việc gia đình; hộ gia đình buôn bán nhỏ.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Qua giám sát ở nhiều địa phương, người dân vẫn hay so sánh về “mức thiệt” của BHXH tự nguyện với BHXH bắt buộc.  BHXH bắt buộc có 5 chế độ (3 chế độ ngắn hạn và 2 chế độ dài hạn), nhưng BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ (hưu trí và tử tuất). Tuy vậy, theo ông Bùi Sỹ Lợi, để được hưởng 5 chế độ là do NLĐ đã đóng cả 5 chế độ; còn việc BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là do người dân chỉ đóng 2 chế độ (đóng 22%). “Sự so sánh này khập khiễng nhưng lại có cái lý của nó”.

Mặt khác, người dân lại chưa hiểu về chính sách BHXH tự nguyện, đóng 22% ở mức chuẩn hộ nghèo là 700.000 đồng và đóng trong vòng 20 năm đến khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi thì về hưu mỗi tháng được 400.000 đồng/tháng; với mức hưởng này lớn hơn rất nhiều mức trợ cấp xã hội chỉ khoảng 270.000 đồng/tháng. Không những vậy, người tham gia được hưởng lương ngay từ 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam chứ không phải chờ đến 80 tuổi để hưởng trợ cấp xã hội. “Tham gia BHXH tự nguyện, người dân quá lợi và chính sách tiếp tục thay đổi khi công chức nhà nước được tăng lương, người về hưu cũng được điều chỉnh lương hưu; ví dụ năm nay mức lương tăng 7%, người về hưu được điều chỉnh tăng 19%...”, ông Lợi nói.

Nhìn nhận thực tế hiện nay, chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người lao động, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), cho biết: Số lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH rất ít. Theo Tổng cục thống kê, 97,9% lao động khu vực phi chính thức không có BHXH. Đối tượng lao động này không thuộc nhóm được tham gia BHXH bắt buộc. Lựa chọn còn lại của họ chỉ là BHXH tự nguyện, nhưng chỉ có 2 chế độ hưởng là hưu trí và tử tuất. Trong khi lao động khu vực phi chính thức lại có nhu cầu rất lớn về chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp.

Cùng với đó, nhiều lao động cho biết “không lựa chọn BHXH vì thời gian đóng quá dài, không phù hợp với những người đã sang tuổi 50 – 60 chờ đợi thêm vài chục năm đến lúc được hưởng lương hưu”.

tuyen-truyen-tham-gia-bhxh-tu-nguyen.jpg
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, “đến tận ngõ, gõ tận nhà” vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện

 

Nhà nước “kích cầu” người dân tham gia BHXH tự nguyện

Để tăng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện, đảm bảo an sinh khi về già, theo ông Bùi Sỹ Lợi, cần phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, “đến tận ngõ, gõ tận nhà” tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chuyển biến nhận thức. Cùng với đó, rất cần sự “kích cầu” từ phía nhà nước, hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, yếu thế có nhiều cơ hội hơn nữa tham gia BHXH tự nguyện.

Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Đầu tiên hỗ trợ cao để mở rộng diện tham gia, sau đó mới thu hẹp dần mức hỗ trợ. “Cần hỗ trợ 50-50, song với hộ cận nghèo và hộ nghèo thì cần hỗ trợ tăng thêm nữa để thời gian đầu phát triển diện rộng, sau đó từ từ điều chỉnh tỉ lệ này thì mới đạt mục tiêu Nghị quyết 28 đã đề ra”. Chúng ta chi trước hỗ trợ cho người dân thì sau này khi người dân đến tuổi 80, Nhà nước sẽ không phải hỗ trợ mức 270.000 đồng/tháng như hiện nay, ông Lợi nói.

Cùng với đó, nhiều ý kiến chuyên gia cũng đồng tình cần thay đổi chính sách hưởng BHXH tự nguyện để tăng tính hẫp dẫn, thu hút người dân hơn; cụ thể như “nhập” BHYT với BHXH tự nguyện để người dân chỉ cần mua BHXH tự nguyện đương nhiên sẽ có BHYT. Đơn cử gần hết điều kiện về tuổi đóng BHXH, không đủ điều kiện đóng 20 năm để nghỉ hưu thì phải cho đóng trước hoặc sau 5 năm. Ví dụ, tôi 50 tuổi, cho tôi đóng trước 5 năm và sau 5 năm để khi tôi đạt 60 tuổi đủ 20 năm đóng thì được hưởng lương hưu. Đề xuất bổ sung chế độ ốm đau, thai sản vào BHXH tự nguyện nhằm kích thích người dân tham gia…

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm