Ông Lê Văn Tiến (tên nhân vật đã thay đổi) ở Mường Khương, Lào Cai, chia sẻ với phóng viên Báo PNVN ngay tại khu vực cầu kính rồng mây, nơi có đền Quan Hoàng Bảy: “Thông tin cho rằng Quan Hoàng Bảy dẫn quân lên đóng ở dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc khu vực cầu kính Rồng mây hiện nay là hoàn toàn vô căn cứ. Theo tôi được biết, Quan Hoàng Bảy dẫn quân đánh nhau với giặc ở khu vực thành phố Lào Cai ngày nay. Khi thế giặc mạnh, ông Hoàng Bảy đã bị tử trận ở ngay khu vực cửa khẩu Lào Cai, sau đó xác trôi về phía hạ lưu, cập vào địa danh Bảo Hà (Văn Bàn, Lào Cai) ngày nay. Nhờ đó mà có địa danh đền Bảo Hà thờ Quan Hoàng Bảy như hiện nay”.
Ông Vàng A Sáu, người Mông ở xã Hoàng Liên, Sa Pa, Lào Cai, sát với khu vực xây đền Quan Hoàng Bảy nêu trên, cho biết: “Khu vực xây dựng cầu kính rồng mây bây giờ, từ xưa chúng tôi thường xuyên lên đấy đốt than về bán. Không hề thấy có bát hương hay miếu thờ gì cả. Mà chỉ có người Mông mới lên đến trên vùng núi cao đấy, không có người kinh lên. Nói người Mông thờ ông Hoàng Bảy thì không đúng đâu, người Mông chỉ thờ ma của người Mông thôi”.
Đền Quan Hoàng Bảy do Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Liên Sơn xây dựng thuộc địa phận xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ông Lò Văn Đanh, người dân tộc Kháng, ở xã Bình Lư, huyện Tam Đường (giáp với xã Sơn Bình), chia sẻ: “Chưa bao giờ nghe thấy thông tin là người dân lập miếu thờ ông Hoàng Bảy ở trên núi như thế. Nếu có thờ ông Hoàng Bảy thì chỉ có ở Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Người Kháng chúng tôi thì không lên vùng núi cao đấy, chủ yếu là người Mông thôi, nên cũng không biết về việc có miếu thờ hay bát hương thờ không, nhưng tôi thì chưa nghe thấy việc này bao giờ”.
Bà Nguyễn Thị Mai, ở phố Cầu Mây, thị xã Sa Pa, cho biết: “Năm nào tôi cũng đi lễ đền thờ Quan Hoàng Bảy ở Bảo Hà. Nói chung thì ở Sa Pa này có rất nhiều người đi lễ đền ông Hoàng Bảy từ nhiều năm nay. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghe thấy nói có nơi thờ tự Quan Hoàng Bảy ở trên khu vực đỉnh đèo Ô Quý Hồ cả. Mới đây cũng nghe trên mạng xã hội nói về sự tích Quan Hoàng Bảy trên dãy Hoàng Liên Sơn, nhưng đấy là do họ nghĩ ra cho phù hợp với việc xây đền thờ chứ người dân ở Sa Pa như chúng tôi sống cả mấy chục năm nay, chưa từng nghe thấy cái sự tích ấy”.
Đây là gốc cây to sau đền, nơi mà Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Liên Sơn cho rằng đồng báo các dân tộc đã lập miếu thờ Quan Hoàng Bảy
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai, người có nhiều năm nghiên cứu về nhân vật Quan Hoàng Bảy, cho hay: “Theo tôi thì đây là họ có dấu hiệu cố tình bị đặt ra lịch sử và sự tích. Vì thế kỷ 19 chưa có đường nối từ Lao Cai sang Lai Châu qua lối Sa Pa như bây giờ. Khi ấy đường đi từ Lào Cai sang Lai Châu, phải đi qua hướng từ Lào Cai qua Mường Hum sang Phong Thổ, Lai Châu. Đến đầu thế kỷ 20 (khoảng năm 1914 - 1918) mới mở đường từ Lào Cai lên Sa Pa và nối sang Lai Châu. Thời bấy giờ chỉ có đường mòn người Mông, người Dao đi lại. Về lý do họ ngụy tạo ra sự tích và thông tin lịch sử này, có thể là do họ thấy đền Bảo Hà có nhiều khách về viếng Quan Hoàng Bảy, nên họ muốn mở đền thờ ông Bảy trên khu du lịch đó chăng?”.
Ông Hoàng Bảy theo truyền thuyết là vị tướng đánh trận chống giặc ở cửa khẩu Lào Cai, sau đó tử trận, thi thể trôi về Bảo Hà. Những sự tích, truyền thuyết về tướng Hoàng Bảy còn được ghi trong các cuốn sách sử dưới Triều Nguyễn như cuốn Hưng Hóa Phong Thổ Lục của Hoàng Bình Chính, Hưng Hóa Ký Lược của Phạm Thận Duật. Trong đó, không có tích nào nói ông Hoàng Bảy đóng quân ở đỉnh Hoàng Liên Sơn như thông tin Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Liên Sơn vẽ ra.
Ở một diễn biến khác, khi trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, thừa nhận: Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Liên Sơn đã có hoạt động quảng bá, đưa tin trên trang facebook của Khu du lịch về tích liên quan đến nhân vật Quan Hoàng Bảy là không có cơ sở. Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu đã yêu cầu đơn vị này gỡ tất cả các bài đăng quảng bá khu tâm linh liên quan đến nhân vật Quan Hoàng Bảy.
Hình tượng Quan Hoàng Bảy chẳng những đi vào văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của một bộ phận người Việt Nam, mà còn là hình ảnh sẵn sàng hi sinh để bảo vệ chủ quyền cương thổ quốc gia. Người dân chắc chắn không chấp nhận những hành vi xuyên tạc lịch sử, tên địa danh, nhân vật Quan Hoàng Bảy, nhằm thỏa mãn mục đích nào đó. Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, thì ngoài việc tôn trọng luật pháp, cũng nên tôn trọng các giá trị văn hóa lịch sử.
Thiết nghĩ, lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu cũng sẽ không đồng tình với những việc làm trái quy định pháp luật và trái cả đạo lý như trên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn