Bỗng dưng "mọc lên" đền Quan Hoàng Bảy trên dãy Hoàng Liên sơn

Hoàng Sa
24/07/2023 - 21:16
Bỗng dưng "mọc lên" đền Quan Hoàng Bảy trên dãy Hoàng Liên sơn

Đền Quan Hoàng Bảy mới được xây dựng trên đỉnh một quả núi thuộc dãy Hoàng Liên sơn gây tranh cãi vì những sự tích lạ - Ảnh: Cắt từ Clip Khu du lịch Cầu kính rồng mây

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin hình ảnh, clip về một công trình đền thờ Quan Hoàng Bảy hoành tráng trên một đỉnh thuộc dãy Hoàng Liên sơn (địa phận xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Dư luận ngỡ ngàng, không hiểu vì đâu lại có một công trình được cho là thờ ông Hoàng Bảy “mọc lên” trên đỉnh núi. Đáng ngờ hơn, cạnh đó còn có tấm bia đá khắc sự tích với những thông tin khá lạ.

Đền thờ ông Hoàng Bảy quy mô hoành tráng trên núi Hoàng Liên

Từ những thông tin trên mạng xã hội về đền Quan Hoàng Bảy trên đỉnh Hoàng Liên sơn, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu. Theo nguồn tin riêng chúng tôi có được, những thông tin trên mạng xã hội là có thật. Công trình đền Quan Hoàng Bảy nằm trên một đỉnh núi thuộc dãy Hoàng Liên sơn thuộc địa phận xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có quy mô khá hoành tráng, với quần thể được xây dựng trên diện tích cả ngàn m2 khiến cho nhiều diện tích đất rừng được san gạt để có mặt bằng làm ngôi đền này. Công trình đền Quan Hoàng Bảy này nằm trong khuôn viên Khu Du lịch Cầu kính Rồng Mây thuộc khu vực Cổng trời, đèo Ô Quý Hồ.

Bước qua cổng tam quan là vào khoảng sân rộng lớn, tiếp đến là khu chính điện và 2 phân khu chức năng. Trong gian chính điện được lập bàn thờ và một số pho tượng gỗ trong khám thờ và có dấu hiệu đã đi vào hoạt động tâm linh.

Xây đền thờ ông Hoàng Bảy trên đỉnh Hoàng Liên: Bài 1 - Căn cứ “Sự tích” hay "Bịa tích"?  - Ảnh 1.

Đền Quan Hoàng Bảy trên đỉnh núi Hoàng Liên, đang được quảng cáo trên mạng xã hội - Ảnh: Cắt từ Clip Khu du lịch Cầu kính rồng mây

“Căn cứ xây đền Quan Hoàng Bảy” rất lạ…

Cả một công trình đền thờ được xây dựng hoành tráng như vậy, nhưng lý do dẫn dắt về gốc tích để xây dựng đền thờ lại khá ngô nghê, có dấu hiệu sai sự thật.

Trên tấm bia đá dựng ngay cổng đền, sự tích về ông Hoàng Bảy được khắc như sau: “Tương truyền rằng ông Hoàng Bảy là con đức vua cha, theo lệnh vua ông giáng phàm trần, trở thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ nguyễn. Vào cuối thời nhà Lê (1740-1786) khắp vùng Quy Hóa Châu Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái) có giặc từ phương Bắc tràn sang quấy nhiễu, cư dân loạn lạc điêu tàn. Triều đình bèn cử ông lên đánh đuổi quân giặc và trấn giữ vùng biên ải, đóng quân trên dãy núi Hoàng Liên Sơn (thuộc địa phận khu du lịch cầu kính Rồng Mây bây giờ). Tại đây, ông tổ chức thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sĩ… Giải phóng toàn bộ Châu Hoàng Liên Sơn, chiêu dụ thổ hào khẩn điền lập ấp. Song, trong một trận chiến không cân sức, ông bị giặc bắt và sát hại rồi mang thi thể vứt xuống sông Hồng. Kỳ lạ thay, khi ông bị giặc sát hại, thì nơi đây trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình Thần Long (Rồng) và vút bay lên trời. Để ghi nhớ công lao của ông, đồng bào các dân tộc nơi đây đã lập miếu tôn thờ ông là vị nhân thần, ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc, vào ngày rằm tháng giêng hàng năm nhân dân lại đến đây dâng hương tưởng nhớ ông và cầu quốc thái dân an”.

Xây đền thờ ông Hoàng Bảy trên đỉnh Hoàng Liên: Bài 1 - Căn cứ “Sự tích” hay "Bịa tích"?  - Ảnh 3.

Sực tích về ông Hoàng Bảy - Hoàng Liên sơn được khắc trên bia đá, với nhiều thông tin rất lạ dựng ngay tại cổng đền Quan Hoàng Bảy khu vực cổng Trời, đèo Ô Quý Hồ.

Ông Phùng Quang Mười, cán bộ ngành văn hóa, người từng tham gia làm nhiều phim tài liệu về ông Hoàng Bảy ở Lào Cai, cho biết: “Những thông tin nêu trên có nhiều chi tiết khá vô lý, chẳng hạn như địa danh vùng Quy Hóa xưa, theo tôi biết thì nó không bao gồm tỉnh Lai Châu. Hoặc nói châu Hoàng Liên Sơn thì tôi cũng chưa thấy tài liệu nào nói là có địa danh châu Hoàng Liên Sơn. Hơn nữa, nơi thờ tự ông Hoàng Bảy là gắn với địa danh đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Từ thế kỷ 19, triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong. Thực tế đã có nhiều tài liệu nghiên cứu về nhân vật ông Hoàng Bảy, từ những nguồn sử liệu, tài liệu của các nhà nghiên cứu, chưa thấy có thông tin nào cho rằng ông Hoàng Bảy dẫn quân lên dãy Hoàng Liên sơn, nếu cố gượng ép thông tin như vậy thì nó rất vô lý".

Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai ra văn bản đề nghị làm rõ

Trao đổi với phóng viên Báo PNVN, tiến sĩ Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, cho biết: "Thông tin giới thiệu về sự tích đền thờ Quan Hoàng Bảy ở trên dãy Hoàng Liên sơn, đưa ra là thiếu khách quan. Chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị làm rõ".

Ngay sau đó, ngày 24/7/2023, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản số 818/SVHTT-DSVH gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, “đề nghị xác minh, làm rõ thông tin đền Quan Hoàng Bảy ngự tại Đỉnh Thiêng dãy núi Hoàng Liên, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu”. 

Trong công văn trên, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai khẳng định: "Việc đưa thông tin trên trang facebook của Khu Du lịch Cầu kính Rồng Mây thuộc khu vực Cổng trời, Đèo Ô Quý Hồ, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu (do Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Liên Sơn quản lý) là không đúng sự thật, có dấu hiệu xuyên tạc lịch sử, tên địa danh, nhân vật Quan Hoàng Bảy, cũng như gốc tích ngôi đền Bảo Hà… gây hoang mang trong dư luận, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Đền Bảo Hà tại tỉnh Lào Cai".

Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề xây đền Quan Hoàng Bảy trên dãy Hoàng Liên sơn này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm