pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Mục sở thị" đền Quan Hoàng Bảy mới xây trên đỉnh Hoàng Liên Sơn
Cổng tam quan dẫn vào đền thờ Quan Hoàng Bảy trên đỉnh dãy Hoàng Liên Sơn.
Muốn lên đền Quan Hoàng Bảy phải mua vé qua cửa du lịch
Ngôi đền thờ Quan Hoàng Bảy nằm trên đỉnh núi thuộc khu vực thuộc khu vực Cổng trời, Đèo Ô Quý Hồ, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu (trong khu vực dự án du lịch cầu kính Rồng mây của Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Liên Sơn). Khách muốn lên đền làm lễ thì phải mua vé ở cửa khu du lịch cầu kính rồng mây, với giá 500 nghìn đồng/người.
Sau đó du khách được đưa lên bằng thang máy, tiếp đến là đi bộ theo đường bê tông trên núi, hoặc đường cầu kính để đến ngôi đền. Nếu như không đi theo con đường này, đối với người thường, có lẽ thật khó để lên được ngôi đền ở độ cao 2.300m so với mực nước biển.
Cổng tam quan dẫn vào ngôi đền
La liệt hòm công đức trong đền
Bước vào ngôi đền, chúng tôi gặp một người phụ nữ và một người đàn ông đang ngồi thường trực, người đàn ông này xưng "thầy" với những du khách vào đền, và tự nhận mình là "ông từ" của nhà đền.
Mỗi khi có khách ghé vào đền, người đàn ông này luôn miệng kêu mọi người vào lễ Ông (tức Quan Hoàng Bảy - PV), cách hành lễ cũng rất đơn giản, cứ đặt tiền rồi hành lễ. Ai muốn ghi danh cung tiến thì thầy ghi tên vào một tờ giấy. Ngoài ra, vị thầy này còn mời mọi người cúng thỉnh xin lộc, và đương nhiên chính vị thầy này sẽ kiêm luôn dịch vụ "cúng thỉnh" giúp.
Điều khiến du khách ngạc nhiên hơn cả, đó là chỉ trong một không gian nội điện vài chục m2, nhưng có tới gần chục thùng ghi dòng chữ "Tam bảo phước điền". Nhưng thực tế ở đây thì chính là thùng đựng tiền "công đức".
Anh Nguyễn Mạnh Minh (tên nhân vật được thay đổi), du khách từ thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: "Tôi vào đền thờ này và đặt lễ 50 nghìn đồng thắp hương. Nhưng lại thấy có thùng công đức, nên tôi thả thêm 50 nghìn đồng, nhìn sang bên kia lại thấy có thêm mấy thùng nữa. Tôi thấy họ đặt như thế thì nhiều quá".
Theo anh Minh, có lẽ ngôi đền này do doanh nghiệp tự xây dựng nên việc họ muốn làm như nào đều không bị các cơ quan chức năng địa phương quản lý. Và dĩ nhiên, đặt càng nhiều hòm công đức, thì doanh nghiệp càng có lợi.
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về thông tin của Bộ Tài chính công bố việc hàng chục cơ sở tôn giáo tín ngưỡng không báo cáo nguồn thu từ tiền công đức. Nhưng đấy là những cơ sở tôn giáo tín ngưỡng được sự cho phép xây dựng, hoạt động theo quy định của pháp luật. Còn ở ngôi đền thờ Quan Hoàng Bảy này "bỗng dưng mọc lên" trên đỉnh Hoàng Liên Sơn, thì các cơ quan chức năng ở tỉnh Lai Châu khó mà kiểm soát nổi nguồn thu từ tiền công đức của họ.
Nguy cơ hỏa hoạn trên dãy Hoàng Liên Sơn
Điều lạ ở khu đền thờ này, đó là khi quan sát, chúng tôi không thấy có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Nằm ở độ cao 2.300m trên dãy Hoàng Liên Sơn, nên gió thổi rất mạnh, với một nơi thường diễn ra hoạt động tâm linh, việc đốt vàng mã thường xuyên là dễ thấy.
Mặc dù chủ đầu tư có xây một điểm đốt vàng mã, nhưng nằm ở khu vực đỉnh cao, luôn có gió mạnh, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn. Nhìn những lỗ thoáng trên tháp hóa vàng mã này, thật khó có thể nghĩ nó sẽ an toàn khi người ta đốt vàng mã.
Trận hỏa hoạn năm 2010 đã thiêu rụi hơn 3000 ha rừng già trên dãy Hoàng Liên Sơn - Ảnh: Báo Tuổi trẻ
Chúng ta còn nhớ vụ hỏa hoạn trên dãy Hoàng Liên Sơn vào ngày 11/2/2010, chỉ vì những đốm lửa nhỏ, đã thiêu rụi hơn 3.000ha rừng. Khi đó, UBND tỉnh Lào Cai đã phải huy động hàng ngàn người, bao gồm cả quân và dân đi cứu lửa đầy cực khổ. Nhưng sau cùng là những thiệt hại không thể cứu vãn trên dãy Hoàng Liên Sơn, khi hàng ngàn ha rừng nguyên sinh bị thiêu rụi.
"Một đốm lửa nhỏ, có thể thiêu trụi cả một cánh rừng lớn", trong trường hợp này, câu nói ấy thật đáng để suy ngẫm.