Lâu nay, người dân tộc ở huyện Buôn Đôn vẫn có quan niệm đông con, nhiều của nên họ sinh rất nhiều con, dẫn đến tình trạng gia tăng dân số không được kiểm soát. Chị em phụ nữ sinh nhiều nên già hơn tuổi, tiều tuỵ, không được chăm sóc về sức khỏe sinh sản. Trẻ em thì rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, học hành dang dở. Vòng luẩn quẩn của việc sinh đẻ nhiều đeo đắng bà con dân tộc ở đây.
Từ năm 2017 trở về trước, Buôn Đôn là huyện có tỷ lệ sinh con thứ ba cao nhất ở tỉnh Đắk Lắk, phong tục tập quán về sinh đẻ còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp, công tác kế hoạch hóa gia đình triển khai không đồng bộ.
Chị H' Khăm Nie, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắc mới 40 tuổi nhưng có 5 người con. Con lớn của chị Khăm năm nay 19 tuổi, con bé 2 tuổi. Gia đình đông con, chị Khăm cũng không muốn sinh thêm con nhưng vì lựa chọn sử dụng phương tiện tránh thai chưa phù hợp. Các con của chị Khăm cũng gày gò, xanh xao hơn bạn bè cùng trang lứa do thiếu ăn, thiếu mặc. Còn việc học hành của các con cũng khó đến nơi đến chốn.
Chị Khăm và chồng vẫn đang gồng mình lo cái ăn cho cả gia đình. Bản thân chị Khăm cũng thấy mình quá vất vả. Có tới 5 con nhưng gia đình chị vẫn đang sống chung nhà với ba mẹ chồng và nhiều gia đình nhỏ của anh em nhà chồng khác nên cuộc sống rất phức tạp.
Vài năm trở lại đây, huyện Buôn Đôn đã thực hiện nhiều biện pháp dân số và kế hoạch hóa gia đình như quán triệt tinh thần Nghị quyết số 20 của Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó chú trọng truyền thông dân số. Truyền thông tới từng nhóm đối tượng khác nhau, truyền thông trên các phương tiện truyền thông của huyện cũng như truyền thông cơ sở.
Huyện cũng áp dụng nhiều giải pháp công nghệ thông tin để truyền thông dân số. Đẩy mạnh về truyền thông nhận thức, bình đẳng giới, nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình, nâng cao ý thức của người dân về bình đẳng giới, ngăn cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Huyện Buôn Đôn cũng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kế hoạch hóa gia đình cho người dân tộc thiểu số trong huyện.
Còn chị Sao Nang Vinh, thôn Ea Rong B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắc cho biết, được cán bộ tuyên truyền, vợ chồng chị đều hiểu tác hại của việc sinh nhiều con. Vinh cũng muốn chăm sóc con tốt hơn các thế hệ trước. Vì vậy, chị quyết tâm bàn bạc cùng chồng chỉ sinh hai con để nuôi dạy con thật tốt. Sau sinh bé đầu, chị Vinh đặt vòng tránh thai và đẻ thưa.
Theo ông Đoàn Quốc Đỉnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, trung tâm y tế đã tham mưu cho UBND huyện nhiều giải pháp phát triển công tác dân số của huyện. Ông Đỉnh chia sẻ huyện tổ chức các buổi tuyên truyền ngay tại thôn, buôn về chính sách dân số, đảm bảo tỷ lệ tăng dân số trong mức cho phép.
Ông Đỉnh cho biết, phụ nữ mang thai sẽ được trạm y tế lên danh sách và theo dõi khám định kỳ ít nhất 3 lần trong suốt thai kỳ. Khi sinh nở, phụ nữ cũng được nữ hộ sinh của trạm y tế tới tận nhà chăm sóc trong 1 tuần đầu. Trẻ em được theo dõi cân nặng trong tháng, trong quý, sau đó tổng hợp lại và có biện pháp can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng.
Đội ngũ nhân viên y tế tại các trạm y tế xã, thôn cũng thường xuyên lên danh sách quản lý các trường hợp bà mẹ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi để có các biện pháp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Vận động chị em phụ nữ tiêm phòng khi mang thai, sàng lọc trước sinh. Trẻ em cũng được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Trạm y tế thường xuyên tuyên truyền bằng các loại áp phích, banner về việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng tránh suy dinh dưỡng cho trẻ, chăm sóc và nuôi con khoa học.
Nhân viên y tế của nhiều trạm y tế về tận buôn, làng tổ chức các buổi trò chuyện với chị em phụ nữ hoặc qua loa truyền thanh để tuyên truyền về tuần lễ vi chất, tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ.
Ông Đỉnh cho biết nhờ có nhân viên y tế không quản ngại khó khăn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng mà công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của huyện Buôn Đôn đã có nhiều thay đổi. Tỷ lệ sinh con thứ ba giảm năm 2021 chỉ còn 12,7%, tỷ lệ dùng biện pháp tránh thai hiện đại chiếm 70%, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt hơn 40%. Theo đó, huyện cũng hoàn thành 100% chỉ tiêu đề ra.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn