Trở ngại trong sử dụng 1900545559
Tại Hội thảo "Đánh giá hiệu quả hoạt động truyền thông đường dây Tư vấn – can thiệp và Hỗ trợ khẩn cấp 1900545559 về bảo vệ trẻ em trên địa bàn TPHCM" do Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TPHCM (trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM) tổ chức, nhiều đại biểu tham gia chương trình đã thẳng thắn chỉ ra rằng, đường dây nóng 1900545559 để hỗ trợ khẩn cấp và bảo vệ trẻ em trên địa bàn TPHCM hiện nay vừa dài vừa khó nhớ lại tốn phí gọi. Điều này gây bất lợi trong việc người dân, trẻ em gọi báo các trường hợp trẻ bị xâm hại, bạo hành.
Bà Đặng Mai, Chủ nhiệm mái ấm nữ (thuộc Mái ấm Ánh sáng quận 10, TPHCM) người có hơn 20 năm làm công tác xã hội, chủ yếu ở lĩnh vực bảo trợ xã hội, chỉ ra rằng: Đường dây nóng 1900545559 của TPHCM hiện nay khá dài, cần phải ngắn gọn như đường dây 111 (Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em) thì người dân và trẻ sẽ dễ nhớ hơn.
"Các đường dây nóng đã làm được rất nhiều việc trong vấn đề giảm bạo hành trẻ em trong thời gian qua. Tuy nhiên, tôi vẫn suy nghĩ, nhiều vụ bạo hành trẻ em mang tính chất nghiêm trọng, thậm chí có trẻ em bị tử vong, những vụ việc như vậy có được phát hiện từ các đường dây này không? Hay phải đợi những kênh thông tin khác. Từ đó cho thấy, đường dây nóng bảo vệ trẻ em ở TPHCM chưa được phủ khắp, vì số dài nên không phải trẻ em hay phụ huynh nào cũng biết để gọi khi cần", bà Mai cho hay.
Cùng chung quan điểm, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết: Hiện nay, có nhiều tổng đài đường dây nóng liên quan đến bảo vệ trẻ em như số 1900545559; số 18009069 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM; số tổng đài "cá nhân" của các cán bộ địa phương; tổng đài 111 của quốc gia. Các đường dây nóng đã hỗ trợ hiệu quả, kịp thời, giảm một cách đáng kể về các vấn đề bạo hành, xâm hại liên quan đến trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay số đường dây nóng 111 là gọi nhanh nhất và dễ nhớ nhất. Những đường dây nóng còn lại vừa dài, nhiều số, khó nhớ.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình sử dụng và vận hành tổng đài bảo vệ trẻ em, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TPHCM cho biết: Thứ 1, đường dây nóng 1900545559 số quá dài nên nhiều người dân chưa nhớ và thường gọi đến tổng đài Quốc gia 111 nhiều hơn. Thứ 2, số điện thoại 1900545559 là số dịch vụ nên khi người dân gọi đến bị mất tiền phí gọi, điều này cũng bất lợi trong việc người dân gọi báo ca. Thứ 3, đối với các ca khẩn cấp như trẻ bị bạo hành, xâm hại cần có kinh phí để hỗ trợ ban đầu nhưng do nguồn ngân sách không có nên Trung tâm chỉ thực hiện ở mức động viên, thăm hỏi, hỗ trợ về mặt tâm lý. Thứ 4, hiện nay Trung tâm chưa có kinh phí để thành lập lại Hội đồng chuyên gia để hỗ trợ các ca khó, mang tính chất phức tạp. Thứ 5, công tác truyền thông quảng bá đường dây nóng chưa thực sự lan tỏa đến từng ngõ, từng nhà, đặc biệt vùng ven trên địa bàn thành phố.
Đề xuất giải pháp
Để tăng cường hỗ trợ khẩn cấp dành cho trẻ em bị bạo hành, xâm hại, bị buôn bán thông qua tổng đài bảo vệ trẻ em trên địa bàn TPHCM, các đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp như: Nghiên cứu thay đổi số điện thoại đường dây nóng ngắn gọn, dễ nhớ và miễn phí; hỗ trợ kinh phí công tác xử lý các ca tiếp nhận; tăng cường tập huấn, phổ biến đường dây nóng cho cán bộ trẻ em, cộng tác viên làm công tác trẻ em ở phường; thành lập trang zalo giống như tổng đài 111; tạo mã quét QR cho các sản phẩn tuyên truyền cần quảng bá…
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ bày tỏ: "Tôi đề xuất các đơn vị liên quan chỉnh lại đường dây nóng sao cho thống nhất, dễ nhớ, chỉ có như vậy các em mới nhớ. Tôi cũng đề xuất thay vì phát tờ rơi tuyên truyền thì nên in số đường dây nóng về bảo vệ trẻ em vào bìa tập, để các em tiếp cận hằng ngày và nhớ dần".
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới - Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho hay: "Đường dây nóng 1900545559 như một "chân rết" kết nối với tổng đài quốc gia 111, để tiếp nhận thông tin và cùng nhau xử lý. Khi có đường dây nóng, người dân phản ánh thì nhiều vụ việc được can thiệp kịp thời, các vụ việc liên quan đến trẻ em cũng giảm dần. Tuy nhiên, đa số mọi người đều thấy số hơi dài, cần thu gọn lại hoặc đề xuất một số khác phù hợp hơn, cho người dân dễ nhớ và không tốn tiền. Nếu muốn thu gọn thì Trung tâm phải có kiến nghị trình lên cơ quan cấp trên về mặt thủ tục. Nếu Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TPHCM có quyết tâm và phối hợp với các ban ngành thì tôi nghĩ việc đề xuất sẽ đạt được".
Trong năm 2023, tổng đài 1900545559 về bảo vệ trẻ em trên địa bàn TPHCM đã tiếp nhận 282 ca. Trong đó, gọi điện thoại trực tiếp là 145 ca; nhận cuộc gọi chuyển tiếp từ tổng đài 111 là 92 ca; qua văn bản, công văn, gmail là 9 ca; qua thông tin báo, mạng chính thống là 10 ca; đến trực tiếp địa chỉ trung tâm là 26 ca.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn