pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chú trọng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024. Ảnh: Molisa
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao và biểu dương toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về sự nỗ lực và những thành quả quan trọng trong năm 2023 đầy thử thách và sóng gió. Năm qua, sự đứt gãy chuỗi sản xuất, suy giảm đơn hàng, xung đột và những bất ổn về an ninh lương thực, an ninh năng lượng đang gây những tác động kép tới nền kinh tế toàn cầu, khiến công tác phục hồi sau đại dịch COVID-19 diễn ra chậm, tình trạng giãn việc, giảm việc của người lao động tiếp tục bị kéo dài.
Mặc dù vậy, nước ta vẫn đạt những kết quả đáng khích lệ. Riêng trong lĩnh vực xã hội, Việt Nam là điểm sáng được quốc tế ghi nhận trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng nhiều bậc trong bảng xếp hạng những quốc gia tham gia các chỉ số đánh giá về phát triển xã hội.
Bộ LĐ-TB&XH đã nỗ lực đạt được các đòi hỏi trong tình hình mới, như gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, mở rộng toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng, trên nguyên tắc bảo đảm tính "toàn dân và toàn diện". Thị trường lao động cũng ghi nhận sự phục hồi, giải quyết có hiệu quả các vấn đề an sinh cho lao động giãn việc, mất việc… đóng góp tích cực vào khắc phục những hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra.
Việc đưa được 150.000 lao động đi nước ngoài, tiếp tục lập kỷ lục đã góp phần quan trọng với nhiệm vụ đảm bảo công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời, tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên 68% (trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 27%)…
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực với phụ nữ, trẻ em. Dẫn lại số liệu của Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023, Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng vì Việt Nam xếp hạng 72 trong danh sách này với tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%, tăng 11 bậc so với vị trí năm 2022.
Riêng với nội dung này, theo Bộ LĐ-TB&XH nhận định, bình đẳng giới ngày càng thực chất hơn, vai trò và địa vị của phụ nữ được cải thiện, nâng lên; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; truyền thông về bình đẳng giới tiếp tục được ưu tiên và đẩy mạnh thực hiện với sự tham gia hưởng ứng, vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức. Công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong việc phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được đẩy mạnh, số lượng và chất lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới được mở rộng và nâng cao. Năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm. Trong năm 2023 đã tập huấn cho hơn 1.400 lượt cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ các bộ, cơ quan Trung ương…
Định hướng công tác năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành chương trình hành động để triển khai Nghị quyết số 42-NQ/TW; cần thể chế hóa các quan điểm chủ trương Nghị quyết trong dự án Luật BHXH (sửa đổi) thông qua vào kỳ họp thứ 7, và Luật Việc làm (sửa đổi) lấy ý kiến vào kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Đồng thời sớm tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động, việc làm, an sinh xã hội hợp với tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các cam kết trong FTA thế hệ mới; giải quyết các vấn đề trong quan hệ với người sử dụng lao động và người lao động, đối thoại, thương lượng tập thể…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chỉ đạo, Bộ LĐTBXH phải thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia BHXH; hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, cần có chế tài tốt hơn đặc biệt trong việc thanh tra, kiểm tra với việc trốn, chậm đóng BHXH; giải quyết các vấn đề của công nhân lao động như nhà ở, đời sống tinh thần…
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh công tác bảo vệ trẻ em, cần chú trọng bảo vệ trẻ trên môi trường mạng, đặt ra một số mục tiêu về giảm thiểu đuối nước, tệ nạn học đường… Trong đó, không chỉ là vai trò, trách nhiệm của gia đình, Bộ ngành mà còn là xây dựng các thiết chế để giúp phòng tránh cho các em.
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Bước vào năm 2024, toàn ngành cần phát huy sự đoàn kết, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với thực thi pháp luật, quyết tâm cao hơn, quyết liệt, kiên trì, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu phát triển về lao động, người có công và xã hội, đặc biệt phấn đấu hoàn thành 3 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 69%, trong đó lao động được cấp chứng chỉ, bằng cấp đạt 28%; giảm nghèo đạt chuẩn đa chiều trên 1%. Đồng thời hoàn thành 16 chỉ tiêu ngành đạt ra, tinh thần không có chỉ tiêu nào không làm.