Giải pháp lâu dài, căn cơ để “giảm nghèo” thông tin cho vùng khó khăn

09:46 | 05/11/2022;
Đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, rào cản trong tiếp cận thông tin. Những giải pháp gì được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng trên?

Trong Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn đại biểu tỉnh Quốc hội Đăk Nông) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: 

Cách mạng 4.0 đã và đang hiện hữu trong cuộc sống đi cùng với đó công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. 

Tuy nhiên, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực biên giới vùng núi nơi có địa hình phức tạp đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế xã hội còn hạn chế nên còn nhiều rào cản khiến đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin. Xin Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ trưởng có những giải pháp gì nhằm khắc phục những hạn chế tình trạng trên?

Giải pháp lâu dài, căn cơ để “giảm nghèo” thông tin cho vùng khó khăn  - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Nông) đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Về vấn đề công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đúng là còn tồn tại những khó khăn.

Hiện nay chúng ta đang đi theo hướng là cho bà con các phương tiện tiếp cận. Đầu tiên là có sóng 3G, 4G. Thứ hai là hỗ trợ phương tiện, có điện thoại thông minh (smartphone). Trong Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích từ nay đến năm 2025, có đặt mục tiêu dành ra 400.000 máy điện thoại thông minh (smartphone) để hỗ trợ cho bà con. "Tôi nghĩ con số có thể còn nhiều hơn nữa. Bây giờ quan trọng nhất là chính quyền địa phương phải thống kê được bao nhiêu hộ gia đình, bao nhiêu bà con cần hỗ trợ, chỗ nào lõm sóng, chỗ nào chưa có phương tiện... Bộ Thông tin và Truyền thông rất mong muốn các Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo đầy đủ để tổng hợp được bức tranh toàn cảnh", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, chúng ta có đủ ngân sách để làm việc này, cả ngân sách trung ương và ngân sách của quỹ ngoài ngân sách. Cùng với chương trình hỗ trợ 400.000 máy điện thoại thông minh, còn có chương trình 400.000 iPad cho các em học sinh chưa triển khai, như vậy còn tổng 800.000 thiết bị sẽ được dành để hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn. Mục tiêu đặt ra là mỗi gia đình có ít nhất một thiết bị, để sử dụng chung, dùng cho các dịch vụ công, lên sàn mua bán… 

Giải pháp lâu dài, căn cơ vẫn chính là cách tiếp cận dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin. Khi bà con đã tiếp cận sẽ có đủ thông tin, đầy đủ nội dung học tập có, y tế có, mua bán, bán hàng… phục vụ cho đời sống, thông tin liên lạc, học tập…

Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký phê duyệt, Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2021.

Mục tiêu chung của Chương trình là cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, bao gồm dịch vụ viễn thông bắt buộc cho xã hội và dịch vụ viễn thông phổ cập ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách đặc biệt khác; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn