pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại biểu Quốc hội chất vấn về thông tin xấu độc trên mạng, tội phạm công nghệ cao
Đại biểu Lê Thị Song An, đoàn ĐBQH tỉnh Long An, đặt cầu hỏi chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Tiếp tục chương trình, sáng 4/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thông tin và truyền thông. Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Lê Thị Song An, đoàn ĐBQH tỉnh Long An, bày tỏ lo ngại tình trạng tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng qua mạng có chiều hướng gia tăng diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Bên cạnh đó, việc ngăn chặn tin giả, tin xấu độc trên mạng còn chậm, gây hoang mang xã hội.
Đại biểu Song An đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ những giải pháp để giải quyết các vấn đề trên?
Cũng nội dung này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, đặt vấn đề Bộ trưởng có cam kết gì với cử tri để giải quyết, ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng?
Giải đáp nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: về vấn nạn lừa đảo qua mạng, thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để định nghĩa rõ các hành vi, quy định rõ quy trình xử lý hành chính, mức phạt để lực lượng công an xử lý. Đồng thời, Bộ cũng tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn các trang web có dấu hiệu lừa đảo; tập trung xử lý sim rác, xóa khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ hoặc thông tin không chính xác, đối soát thông tin qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Về vấn đề tin giả, Bộ trưởng cho biết, trên không gian số, tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các Nghị định quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; hạ thời gian mà các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ. Về mức phạt đưa thông tin, hiện nay chúng ta tăng lên 3 lần, tuy nhiên so với các nước trên thế giới mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe.
Nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của mọi bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.