pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bóc gỡ thông tin xấu độc, sai sự thật xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời trước Quốc hội. Ảnh quochoi.vn
Trả lời câu hỏi của các ĐBQH về vấn đề bóc gỡ thông tin sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thông tin xấu độc hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới. Một số nghị định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã được sửa đổi và sẽ được ban hành trong quý III này sẽ tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để quản lý các nền tảng xuyên biên giới thực thi pháp luật tại Việt Nam. Hiện nay, các nền tảng như Facebook, Youtube đã nâng tỷ lệ đáp ứng yêu cầu của các cơ quan nhà nước tăng từ dưới 20% năm 2018 đến nay đã nâng lên 90 - 95%.
Về giám sát không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm an toàn không gian mạng quốc gia để phát hiện sớm các thông tin xấu độc, sai sự thật. Khả năng xử lý của Trung tâm này đã tăng từ 100 triệu tin/ngày lên thành 300 triệu tin/ngày.
Từ năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam để tiếp nhận các phản ánh của người dân về tin giả để xử lý. "Việc bóc gỡ các thông tin sai sự thật trên không gian mạng thì cũng như việc dọn rác trên không gian mạng, là việc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và mọi người dân để làm sạch không gian mạng", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vì ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội, về hậu quả có thể gây ra các tin sai sự thật về việc lên mạng xã hội.
Trả lời về đấu tranh với tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Bộ Công an được giao nhiệm vụ rà soát để đảm bảo an ninh trên mạng, trong đó có rà soát những thông tin độc hại phát tán trên mạng. Đồng thời tìm ra những cách đối tượng, tổ chức lợi dụng những việc này để gây hoang mang dư luận.
Về nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin ở Việt Nam vẫn ở mức rất cao, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, các nhóm tin tặc thường xuyên sử dụng các dòng mã độc, nguy hiểm để tấn công, xâm nhập, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước. Hoạt động trao đổi, mua bán trái phép những thông tin, dữ liệu cá nhân trên cũng diễn ra một cách công khai. Trên một số diễn đàn, các đối tượng thường xuyên trao đổi, chia sẻ về phương thức tấn công, những công cụ tấn công để đánh cắp thông tin, dữ liệu của các cơ quan, tổ chức.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhận thấy, mức độ xử lý các các vụ việc vẫn còn rất thấp so với diễn biến tình hình thực tế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do an ninh mạng là một thách thức mang tính toàn cầu; công tác đảm bảo an ninh hệ thống mạng tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm triển khai đúng mức. Việc đầu tư cho hạng mục này cũng hết sức hạn chế, ý thức bảo đảm an ninh mạng của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể chưa cao. Thực tế có một số cơ quan không quan tâm đến vấn đề an ninh mạng. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực liên quan đến an ninh mạng chưa hoàn thiện.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ khẩn trương tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến bảo đảm an ninh mạng. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương khắc phục những sơ hở, thiếu sót, những lỗ hổng bảo mật, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định để bảo đảm an ninh mạng.
Đồng thời củng cố lực lượng chuyên trách, thường trực giám sát đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Chủ động phát hiện, ngăn chặn các sự cố, nguy cơ gây mất an ninh, an toàn và tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đến an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao.