Giáo dục kỹ năng sử dụng mạng để lọc thông tin xấu, độc

08/11/2019 - 10:57
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sáng nay, 8/11, nhiều đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đến nguy cơ mất an toàn thông tin trên mạng hoặc sự tràn lan của các tin xấu, độc trên internet, đặc biệt là mạng xã hội.

Sáng nay 8/11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ngăn chặn tin xấu, độc trên mạng xã hội là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau) về việc ngăn chặn thông tin xấu, độc đối với học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng vấn đề giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội, phân biệt và chọn lọc thông tin trên mạng xã hội đối với học sinh trong giáo dục nhà trường mới là giải pháp căn cơ.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh. Ảnh: VPQH 

Theo ông, thay vì một nguồn thông tin chính thống trước đây từ Nhà nước, thì bây giờ người dân nhận hàng triệu thông tin từ không gian mạng. Chính vì vậy, mỗi người phải có kỹ năng sống trên không gian mạng, phải giáo dục con em nhà mình từ cấp giáo dục phổ thông.

“Ngoài kia cơ hội và cạm bẫy đều nhiều nên phải biết phân biệt. Nếu ta có kỹ năng phân biệt tốt và xấu thì tự nhiên cái xấu không tồn tại nữa. Không gian mạng có logic, ta đọc thông tin xấu độc thì vô hình chung ta trả tiền, ta nuôi thông tin ấy, Nếu ta không xem thì những thông tin ấy không được tài trợ, thì dần dần nguồn thông tin ấy cũng giảm đi” – ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.

Ông cũng nói thêm rằng, ở các nước khác, Facebook không ảnh hưởng nặng nề như ở Việt Nam là bởi họ làm được điều này. “Đó chính là logic, cách hành xử mới, ta phải học dần” – ông nhìn nhận.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Tuy nhiên, trước phần trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ trưởng nói rằng tốt nhất đừng nên xem tin xấu độc để không “nuôi” các thể loại tin ấy, nhưng theo bà, nếu người dùng không đọc thì không thể biết được tin đó có thật sự là xấu, độc hay không.

“Vấn đề là người đọc phải tự bảo vệ mình, biết được đâu là đúng sai, thật giả, chứ không xem thì coi như không biết gì!” – bà nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời bà Ngân rằng, không phải ý ông là không xem tin xấu, độc. Theo ông, người dung xem một vài lần thì sẽ biết người đó, trang đó nói gì, xấu hay tốt thì ta sẽ có thái độ thể hiện phù hợp.

“Hơn nữa, ta cần tỏ thái độ rõ. Ví dụ một lần xem xong, có phần dislike (không thích - PV) thì ta cũng phải thể hiện thái độ. Với giao tiếp bình thường chỉ cần một ánh mắt nhìn cũng đủ ngăn chặn, còn trong không gian mạng không có ánh mắt nhìn thì hãy thể hiện thái độ bằng dislike, mỗi người đều có cách riêng để đấu tranh trước cái xấu” – Bộ trưởng thông tin truyền thông cho hay.

Sau phần trả lời này, một số đại biểu lập tức tiếp tục tranh luận. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) nói, có thực tế là những tin xấu độc lại có nhiều bạn đọc vào đọc và tò mò.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn

“Như Khá Bảnh giang hồ lại thu hút triệu view thì sao? Chúng tôi phân biệt như thế nào? Có những trạng mạng giả làm trang của lãnh đạo cao cấp Đảng, Chính phủ, Nhà nước, nhiều trang mạng khéo léo lồng ghép thông tin trái lề, người dân không thể phân biệt được đâu là thật là giả với những chiêu hư hư thực thực” – ông Tuấn nêu vấn đề.

Đại biểu Tuấn mong muốn Bộ TT&TT có bộ lọc để phân biệt được thông tin đâu là thật, đâu là giả để ngăn chặn điều này.

Còn đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho rằng, việc thể hiện thái độ bằng cách nhấn nút “dislike” như ông Nguyễn Mạnh Hùng nói, cũng không thể được coi là giải pháp.

“Giả sử một tin đưa lên Facebook có 6 trạng thái cảm xúc, yêu, cười, giận dữ…. Người xem tin sẽ tỏ thái độ với tin đó, hoặc tỏ thái độ với người đưa tin đó. Bộ trưởng nói phải dùng từ dislike thì số view không ảnh hưởng thì tôi cho rằng không đúng” – đại biểu Giang nhìn nhận.

Trả lời đại biểu Thái Trường Giang, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng do thời gian quá ít nên ông nói chưa hết ý của mình. Về vấn đề các trang mạo danh, việc xác minh và gỡ bỏ, theo ông Hùng là có quy trình chặt chẽ dưới sự vào cuộc của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo, trong đó phải xác minh là có ai đứng tên trang đó hay không hay là chính các đồng chí lãnh đạo đứng tên. Sau khi xác minh đó là trang mạo danh thì cương quyết hạ gỡ. 

Theo ghi nhận của phóng viên, phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đang diễn ra sáng nay thu hút khá nhiều tấm biển giơ lên tranh luận của đại biểu sau khi nghe phần trả lời của Bộ trưởng Hùng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan liên quan, và có lực lượng để xử lý các trang web mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong 2 tháng vừa qua, Bộ đã làm rất mạnh tay, gỡ, hạ 207 website mạo danh. Có trang là website thì ngăn chặn, còn trang trên nền tảng mạng xã hội thì phối hợp ngăn chặn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong số này có 46 trang là có tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với các lãnh đạo, thành viên Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành về vấn đề này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm