Giúp lao động nữ và trẻ em gặp khó giữa đại dịch

15:15 | 06/08/2021;
Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của nhiều người lao động tại TPHCM, trong đó có các lao động nữ tự do. Nhiều chị em vốn đã khó khăn nay càng thêm khó, họ lâm vào cảnh thất nghiệp, nợ nần túng quẫn. Nhiều trẻ em cũng vì dịch mà đứng trước nguy cơ thất học.

Lay lắt vì dịch

Dịch covid-19 ập đến, công ty làm hạt điều tạm nghỉ, công việc gọt vỏ hạt điều gia công của chị Nguyễn Thị Phúc (tổ 5, Thới Tây 2, Hóc Môn, TPHCM) cũng dừng lại gần 3 tháng nay. Nguồn thu nhập chính bị cắt, cuộc sống gia đình chị Phúc càng lao đao.

Chị Đặng Trần Trúc Dao, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hóc Môn, cho biết: "Gia đình chị Phúc là hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chồng chị Phúc bị bệnh suy thận mãn tính, chạy thận 3 lần/tuần và không còn sức lao động. Người con trai lớn sinh năm 1999 cũng bị bệnh về gan, không có việc làm ổn định. Người con nhỏ đang đi học. Trước khi có dịch bệnh, chị nhận hạt điều về gọt vỏ, mỗi ký thành phẩm được trả công 4 -5 nghìn đồng, thu nhập chỉ 70-80 nghìn/ ngày. Cả gia đình sống trong căn nhà tạm bợ, xiêu vẹo. Nhà có nền bằng đất, tường tạm làm bằng tôn. Địa phương chưa thể hỗ trợ xây nhà tình thương được vì vướng thủ tục giấy tờ".  

Giúp lao động nữ và trẻ em gặp khó giữa đại dịch - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Phúc (tổ 5, Thới Tây 2, Hóc Môn, TPHCM) được nhận quà từ Hội LHPN TPHCM và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - Cơ quan Thường trực phía Nam

Cũng khó khăn không kém gia đình chị Phúc, gia đình chị Bùi Thị Huyền (274/6 tổ 6 khu phố 1, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM) cũng thấp thỏm lo lắng đói ăn trong mùa dịch. Gia đình chị Huyền có 5 nhân khẩu. Chồng chị trước kia làm bảo vệ nhưng đến năm 2019, anh bị bệnh ung thư đại tràng và đã nghỉ việc cho đến nay. Chồng chị đang điều trị và hóa trị được 7 lần. Bản thân chị Huyền làm nghề may gia công tại nhà. Thu nhập chỉ 2,5-3 triệu/tháng. Trong mùa dịch Covid-19, nguồn thu nhập ít ỏi của gia đình cũng không còn. Giờ đây, vợ chồng chị và 3 đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học lại càng chật vật. Chị phải gói ghém từng đồng để qua cơn bĩ cực.

Giúp lao động nữ và trẻ em gặp khó giữa đại dịch - Ảnh 2.

Tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch covid-19

Không chỉ các lao động nữ tự do gặp khó khăn trong mùa dịch, mà nhiều em học sinh cũng đứng trước nguy cơ thất học nếu dịch bệnh kéo dài. Em Trần Phương Anh (Sinh năm 2008, trú tại 58/3B, ấp Tiền Lân 1, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) bị khuyết tật bẩm sinh, em chuẩn bị lên lớp 8 trường THCS Phan Công Hớn. Vượt qua nghịch cảnh, Phương Anh luôn giành thành tích học sinh giỏi trong 7 năm học vừa qua. Hiện tại, gia đình em vẫn ở nhà trọ với giá thuê phòng khoảng 1 triệu/tháng. Ba của Phương Anh làm công việc chở hàng thuê bằng xe máy. Mẹ em sức khỏe cũng không tốt nên chủ yếu làm nội trợ và làm thêm nghề bán yaourt. Trong đợt dịch lần này, cả bà và mẹ của Phương Anh đều thất nghiệp hơn 2 tháng nay.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Nhằm san sẻ một phần khó khăn với gia đình các lao động nữ tự do, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vừa qua, Hội LHPN TPHCM phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - Cơ quan Thường trực phía Nam đến thăm và tặng quà cho một số hộ gia đình. Trong đó có gia đình chị Phúc, chị Huyền và 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học giỏi bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 tại Quận 12 và huyện Hóc Môn. Đoàn đã trao tặng mỗi phần quà gồm có 5 triệu đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm (gạo, mì gói, sữa, trái cây) với tổng trị giá gần 30 triệu đồng.

Giúp lao động nữ và trẻ em gặp khó giữa đại dịch - Ảnh 3.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - Cơ quan Thường trực phía Nam - hỗ trợ phần quà cho một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn không nằm trong diện được nhà nước trợ cấp, lao động nữ...

Nhận được quà hỗ trợ, các nữ lao động tự do rưng rưng hạnh phúc vì bữa ăn sắp tới  sẽ có cá, có thịt. Chị Nguyễn Thị Phúc (tổ 5, Thới Tây 2, Hóc Môn, TPHCM), bộc bạch: "Số tiền 5 triệu với với gia đình tôi rất lớn, công việc của tôi là gọt vỏ hạt điều thu nhập không bao nhiêu và đã thất thu từ mấy tháng rồi. Vậy nên, khi nhận được số tiền hỗ trợ, gia đình tôi rất mừng. Tôi dự tính dùng số tiền để trang trải ăn uống trong mùa dịch, mua chút thịt cho các con và để dành một phần chạy thận cho chồng".

Cũng trong đợt này, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - Cơ quan Thường trực phía Nam hỗ trợ 196 phần quà (tiền mặt 700 nghìn đồng và quà nhu yếu phẩm 150 nghìn đồng) cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn không nằm trong diện được nhà nước trợ cấp, lao động nữ ở nhà thuê, phòng trọ, phải nuôi con nhỏ trên địa bàn của Quận 12 và huyện Hóc Môn. Tổng trị giá gần 170 triệu đồng.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn