pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Nhịp đập yêu thương" của cán bộ Hội phụ nữ qua 5 việc làm hằng ngày mùa dịch
Cán bộ Hội LHPN quận Gò Vấp tham gia nấu ăn hỗ trợ người dân khó khăn trong khu cách ly và lực lượng gác chốt.
Vận động tiếp nhận quà và mở gian hàng 0 đồng
Hội LHPN TPHCM và Hội LHPN các quận, huyện, TP Thủ Đức đã chủ động kết nối với các nhà hảo tâm, kịp thời chăm lo cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và lực lượng phòng, chống dịch tại địa phương bằng các mô hình như: "Gian hàng 0 đồng", "Chợ 0 đồng", "Siêu thị 0 đồng", "Điểm mì gói 0 đồng", "Bách hóa 0 đồng", "Phiên chợ nghĩa tình" tổng cộng có 113 gian hàng.
Chị Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN Gò Vấp chia sẻ: "Bản thân tôi nhiều khi rớt nước mắt vì những tấm lòng thơm thảo từ nhà hảo tâm, tấm lòng thương người của các dì, các chị. Rất nhiều nhà hảo tâm đều nói "một chút chia sẻ với Hội thôi, không cần thư cảm ơn gì đâu. Thay vì đi lên nấu cơm cùng các chị em trong Hội thì gửi chút vật chất mua mắm, mua muối gửi đến người khó khăn". Chúng tôi rất trân quý những tấm lòng vàng đó, trân quý vô cùng".
Còn tại huyện Hóc Môn, chị Đặng Trần Trúc Dao, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hóc Môn cho biết: "Phía phụ nữ huyện thì thường xuyên nhận và phân chia quà thành từng túi. Khi nào có khu phong tỏa mới phát sinh thì kịp thời có quà chuyển xuống cho bà con. Còn rau củ quả thì xin được bao nhiêu chúng tôi phân bổ xuống xã bấy nhiêu. Phía các xã hầu như rau, củ, quả và gạo đều được mạnh thường quân tặng nên ngày nào hội phụ nữ cũng làm suốt. Buổi sáng thì phân loại đặt lên gian hàng, trưa thì đi giao cơm cho chốt. Đầu giờ chiều thì chuyển hàng hóa xuống khu phong tỏa, tham gia trực chốt. Hôm nào có các xe hàng hỗ trợ từ các tỉnh đến, dù 2-3 giờ khuya nhưng các chị cũng đợi để nhận. Chuỗi làm việc ngày nào cũng quần quật, hầu như không ai về trước 21 giờ".
Ngoài ra, phía Hội LHPN TPHCM đã kết nối với Hội LHPN các tỉnh thành như tỉnh Long An, Cà Mau, An Giang, Quảng Trị, Lâm Đồng, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Kontum, Trà Vinh, Thanh Hóa, Bắc Giang... để hỗ trợ nông sản các loại và nhu yếu phẩm cần thiết. Tính trong tháng 7 đã kết nối 16 chuyến xe yêu thương từ các tỉnh thành chuyển về TPHCM với hàng trăm tấn hàng, tổng trị giá hơn 5,7 tỷ đồng.
Hỗ trợ suất ăn, nước uống miễn phí
Hiện nay, các cấp Hội trên địa bàn TPHCM có 183 bếp ăn, cung cấp khoảng 35.000- 50.000 suất ăn hàng ngày. Các chị nấu các suất ăn sáng, trưa, chiều và nước uống hỗ trợ cho lực lượng phòng, chống dịch tại các khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn thành TPHCM; lực lượng làm nhiệm vụ gác chốt; đội ngũ y, bác sĩ hoặc chị em hội viên, người dân có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Các mô hình tuy khác nhau về tên gọi nhưng cùng chung mục đích san sẻ yêu thương như: "Bếp yêu thương", "Bếp nhỏ nhà Hội", "Bếp ăn nghĩa tình", "Bếp cơm chay 0 đồng", "Tủ bánh mì nghĩa tình", "Góc bếp nghĩa tình...
Chị Trần Thị Huyền Thanh, Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM, cho biết: "Các bếp ăn được đặt tại trụ sở các Hội, nhà cán bộ hội phụ nữ hoặc UBND quận, phường, xã. Phía Hội LHPN TPHCM khi nhận rau, củ quả sẽ chuyển một phần về các bếp để các chị nấu và một phần chuyển cho hội viên phụ nữ, người dân khó khăn. Cán bộ Hội sẽ phối hợp với các đoàn thể để gửi đến người dân. Thành Hội còn kết nối nhóm thiện nguyện Công ty Phương Trang hỗ trợ vận chuyển rau củ quả hằng ngày cho các bếp ăn yêu thương".
Thực hiện mô hình "đi chợ thay"
Trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, người dân thành phố được vận động hạn chế tối đa ra đường. Đối với việc đi mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, UBND TPHCM đề nghị các địa phương triển khai việc phát phiếu theo hộ gia đình, theo ngày chẵn - lẻ, chia khung giờ đi mua để giảm thiểu tối đa mật độ tiếp xúc giữa người với người. Để mọi người yên tâm ở trong nhà, Hội LHPN các cấp đã thực hiện mô hình "đi chợ thay" với nhiều tên gọi như: "Đi siêu thị thay, không phí vận chuyển", "đi chợ giúp dân", "Shipper 0 đồng". Hàng ngày cán bộ Hội tổng hợp nhu cầu mua hàng của các hộ và liên kết với coop để chuyển các mặt hàng đến các hộ dân. Hoặc trực tiếp đi mua hàng giúp người dân. Tính đến ngày 3/8, các cấp Hội đã đi chợ thay với hơn 27.000 đơn hàng cho các hộ bị cách ly, phong tỏa.
Chị Nguyễn Hạnh Thảo, Chủ tịch Hội LHPN TP Thủ Đức, cho hay: "Ngay từ đầu mùa dịch, mô hình "Đi chợ giúp dân" được Hội triển khai rộng rãi hơn, được nhiều bà con ủng hộ. Hội LHPN các phường "vào vai" Shipper 0 đồng rất thành thạo, các chị như những cánh chim không mỏi, giúp người dân an tâm, ổn định đời sống sinh hoạt, cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch covid-19".
Trao quà tặng cho hội viên, phụ nữ khó khăn
Hội LHPN TPHCM đã ký kết nội dung phối hợp hoạt động "Đồng hành cùng nữ công nhân" với Quỹ Bàn tay ấm Nhà hàng Khải Phương, đã thực hiện trao tặng 2.800 phần quà cho nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn Quận 7, Bình Tân, Gò Vấp, Nhà Bè và TP Thủ Đức với tổng trị giá 700 triệu đồng. Đồng thời kết nối với Công ty CP Nông sản sạch trao tặng 1.200 phần quà cho nữ công nhân tại Quận 6, 7, tổng trị giá 240 triệu đồng.
Riêng tháng 7/2021, Hội LHPN TPHCM kết nối với Hội Nữ Doanh nhân TPHCM và nhiều Doanh nghiệp, nhà hảo tâm khác để hỗ trợ tiền mặt, gạo và một số nhu yếu phẩm cho Y, Bác sĩ, lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh ở một số bệnh viện và người dân khó khăn. Đến nay đã hỗ trợ gần 270 triệu đồng bao gồm hàng hóa và tiền mặt.
Hội LHPN 21 quận, huyện và TP Thủ Đức còn vận động hỗ trợ khẩu trang y tế; vận động các tổ may, chị em hội viên, phụ nữ may khẩu trang vải kháng khuẩn để tặng miễn phí cho các hộ khó khăn, nữ công nhân. Trong tháng 7 đã trao tặng hơn 370.000 khẩu trang y tế, 13.000 khẩu trang vải kháng khuẩn, gần 50.000 chai nước rửa tay sát khuẩn và xà bông diệt khuẩn.
Hỗ trợ trực chốt cách ly
Trong đợt dịch lần này, trung bình mỗi ngày có từ 100-150 cán bộ Hội phụ nữ trên địa bàn TPHCM tham gia hỗ trợ trực chốt cách ly, hỗ trợ test, tiêm vaccine cho người dân.
Chị Đặng Trần Trúc Dao, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hóc Môn, cho biết: "Hội phụ nữ các cấp ở đây sẽ thực hiện nhiệm vụ của 2 nhóm là hậu cần và trực chốt cách ly, chốt giám sát thực hiện các Chỉ thị 16, Chỉ thị 12. Các chị tham gia trực chốt theo ca từ 6 giờ -12 giờ và từ 12 giờ - 18 giờ. Công việc chủ yếu là điều tiết giao thông, hướng dẫn người dân nhận hàng, giao hàng hóa, quét mã QR, khai báo y tế…".
Danh sách 183 bếp ăn của nhà Hội trên địa bàn TPHCM, chị em khi cần hỗ trợ có thế liên hệ. Xem chi tiết tại đây.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ